kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
Người dân cần hiểu đúng về xử phạt lỗi xe “không chính chủ”

Người dân cần hiểu đúng về xử phạt lỗi xe “không chính chủ”

Theo Thông tư 58/2020/TT-BCA của Bộ Công an, từ ngày 1/1/2022, việc sang tên chính chủ cho các xe (gồm cả mô tô, xe máy và ô tô) qua nhiều đời chủ mà không đầy đủ giấy tờ, không tìm được chủ gốc sẽ không được thực hiện, đồng thời lái xe sẽ bị xử phạt lỗi “xe không chính chủ”. Quy định trên đã khiến nhiều người dân lo lắng sẽ bị phạt trong trường hợp đi xe không do mình sở hữu, xe đi mượn, xe dùng chung...

Hiện nay xuất hiện nhiều luồng ý kiến cho rằng từ 1/1/2022, Cảnh sát giao thông (CSGT) bắt đầu phạt lỗi đi xe “không chính chủ” khiến nhiều người dân hoang mang, lo sẽ bị CSGT xử phạt nếu đi xe mượn. Cụ thể, nhiều trường hợp gia đình chỉ có một chiếc ô-tô đứng tên người chồng. Vậy nếu vợ hay con mượn xe đi thì có bị xử phạt hay không? Hoặc mượn xe máy bạn bè để di chuyển có bị CSGT xử phạt không?

Người dân cần hiểu đúng về xử phạt lỗi xe “không chính chủ”
Cảnh sát giao thông Công an TP Phủ Lý điều tiết giao thông  Ảnh: Thế Trang

Để giải đáp những thắc mắc trên của người dân, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Lữ Mai Thanh Tùng, Trưởng phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật - Theo dõi thi hành pháp luật, Sở Tư pháp về vấn đề này.

Theo ông Lữ Mai Thanh Tùng cho biết: “Theo quy định hiện hành, không có từ nào trong các văn bản quy phạm pháp luật gọi là “xe chính chủ”, không có quy định nào xử phạt người dân đi xe không chính chủ. Việc người dân cho rằng “đi xe chính chủ” nghĩa là cá nhân, tổ chức chỉ được điều khiển phương tiện giao thông đăng ký dưới tên của mình, nếu không sẽ bị phạt là chưa chính xác”.

1. Đi xe của người khác (bạn bè, người thân…) có bị phạt không?

Hiện tại theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt đối với hành vi Không làm thủ tục đăng ký sang tên xe để chuyển tên chủ xe trong Giấy đăng ký xe sang tên của mình theo quy định. Cụ thể thì các cá nhân, tổ chức sẽ bị xử phạt khi:

Không làm thủ tục đăng ký sang tên xe (để chuyển tên chủ xe trong Giấy đăng ký xe sang tên của mình) trong vòng 30 ngày kể từ khi được chuyển giao xe khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản là xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô; xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng, các loại xe tương tự xe ô tô.

Như vậy, chỉ những trường hợp mua, được cho, được tặng… nêu trên mà không làm thủ tục sang tên theo quy định mới bị xử phạt. Cho nên, người dân di chuyển trên đường bằng xe đi mượn từ bạn bè, người thân… thì không bị phạt về lỗi không sang tên xe.

2. Xe không chính chủ: Khi nào bị phạt?

Theo quy định tại Khoản 10 Điều 80 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, việc xác minh để phát hiện vi phạm về lỗi không sang tên xe chỉ được thực hiện qua 2 cách sau:

- Công tác điều tra, giải quyết vụ tai nạn giao thông;

- Công tác đăng ký xe.

Như vậy, nếu người dân đang lưu thông trên đường mà CSGT kiểm tra thì cần xuất trình đủ các loại giấy tờ sau là được, sẽ không bị xử phạt về lỗi không sang tên xe dù tên trên cà vẹt và CMND/CCCD của người điều khiển khác nhau:

- CMND/CCCD

- Giấy đăng ký xe.

- Bằng lái xe.

- Bảo hiểm bắt buộc xe máy hoặc xe ô tô.

- Giấy đăng kiểm xe (chỉ áp dụng đối với ô tô).

3. Lỗi không sang tên xe theo quy định bị phạt bao nhiêu?

Thông qua công tác điều tra, giải quyết vụ tai nạn giao thông, qua công tác đăng ký xe mà phát hiện tổ chức, cá nhân không sang tên xe theo đúng quy định thì bị xử phạt như sau:

- Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với cá nhân, từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô:

Không làm thủ tục đăng ký sang tên xe (để chuyển tên chủ xe trong Giấy đăng ký xe sang tên của mình) theo quy định khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản là xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô.

- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô:

Không làm thủ tục đăng ký sang tên xe (để chuyển tên chủ xe trong Giấy đăng ký xe sang tên của mình) theo quy định khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản là xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng, các loại xe tương tự xe ô tô.

Ông Lữ Mai Thanh Tùng nhấn mạnh thêm: Trên thực tế, việc chủ sở hữu xe không làm thủ tục sang tên chính chủ sẽ dễ gặp rủi ro khi xảy ra tai nạn hoặc có hành vi vi phạm pháp luật khác liên quan tới chiếc xe. Cơ quan chức năng sẽ căn cứ vào người đứng tên sở hữu phương tiện để tiến hành xác minh về trách nhiệm, nên trong nhiều trường hợp, người đứng tên chủ sở hữu phương tiện sẽ gặp phải rắc rối không đáng có. Do vậy, để không bị xử phạt và tránh các rắc rối về sau, chủ sở hữu xe không nên xem nhẹ việc thực hiện thủ tục chuyển quyền sở hữu xe, nhất là xe mô tô, xe gắn máy.

Nguyễn Khánh 

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy