kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
Kỹ năng phòng tránh đuối nước, cứu đuối an toàn

Kỹ năng phòng tránh đuối nước, cứu đuối an toàn

Tại Việt Nam, đuối nước là một trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho trẻ em từ 5 - 14 tuổi. Hà Nam có hệ thống sông, hồ đa dạng nên trước đây mỗi năm có hàng chục ca đuối nước xảy ra. Năm 2023 có 8 trường hợp trẻ tử vong do đuối nước. Từ đầu mùa hè năm 2024 đến nay đã có 4 ca tử vong do đuối nước. Không biết bơi bị đuối nước; biết bơi, thậm chí bơi giỏi vẫn bị đuối nước. Ông Trần Văn Cẩn, Phó Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh đã chia sẻ với phóng viên (P.V) Báo Hà Nam về những kiến thức, kỹ năng sinh tồn để không bị đuối nước và cứu đuối an toàn khi gặp người bị nạn.

Dạy bơi cho trẻ em ở phường Hoàng Đông, thị xã Duy Tiên.

P.V: Được biết để không bị đuối nước cần làm tốt 3 việc: học bơi, nắm được kiến thức về an toàn trong nước và kỹ năng cứu hộ. Như vậy biết bơi là đã khá yên tâm khi ở trong môi trường nước đúng không ông?

Ông Trần Văn Cẩn: Cũng chưa hẳn như vậy. Biết bơi rồi vẫn phải luyện tập nhiều, như thế càng giúp người dân, đặc biệt là trẻ em vận dụng linh hoạt với mọi địa hình như sông, suối, ao hồ, hố nước sâu,… giúp giữ được tư thế thân người nổi được trong nước, di chuyển được trong nước và giữ được hơi thở ở mức gắng sức thấp nhất để không bị chìm, tự cứu mình hoặc chờ người đến cứu.

Trẻ em, bơi được từ 1- 2 kiểu bơi và bơi được ít nhất 25m; thực hiện kỹ năng đứng dưới nước, kỹ năng nổi ngửa trong nước được ít nhất 1 phút 30 giây mới đạt cấp độ 1, cấp độ thấp nhất. Bơi được 50m mới được cấp độ 2. Bơi được 100m và biết nhiều kiểu bơi, kỹ năng lặn chìm, di chuyển trong nước, nổi người đứng lên thực hiện đứng nước, nổi ngửa được ít nhất 3 phút, bơi vào bờ mới đạt cấp độ 3. Có nhiều em đã bơi được 25m nhưng lại “tái mù” bơi sau khoảng thời gian 4-5 tuần bỏ không đi rèn luyện môn bơi. Chính vì vậy, để được đánh giá “biết bơi an toàn”, các em nhất thiết phải tham gia ít nhất 3 khóa học bơi và đạt được 3 cấp độ trên.

P.V: Có những trường hợp biết bơi, bơi giỏi nhưng vẫn tử vong khi xuống cứu đuối. Ông có thể chia sẻ về các nguyên tắc chính để cứu đuối an toàn?

Ông Trần Văn Cẩn: Khi phát hiện người bị đuối nước phải nhanh chóng tách nạn nhân ra khỏi nước càng sớm càng tốt mới có khả năng cứu sống được, nhất là với trẻ em. Nạn nhân rơi xuống nước, 4 phút bị ngừng thở, 6 phút ngừng tim và 10 phút thì chết não, nên “thời gian vàng” để cứu được nạn nhân là không quá 6 phút. Nếu trẻ được cứu vớt trong vòng một phút khi bị ngạt có thể cứu sống 95%. Trẻ đã chìm xuống nước sau 5-6 phút tỉ lệ sống chỉ còn 1%.

Tuy nhiên, người cứu đuối nếu không biết cách sẽ không cứu được nạn nhân mà người cứu cũng gặp nạn. Vì thế khi cứu đuối phải nhanh nhưng cũng phải hết sức bình tĩnh để đưa ra được phương án tốt nhất. Nếu người cứu đuối không biết bơi, hô hoán gọi người đến cùng cứu đuối, tuyệt đối không được xuống nước cứu đuối trực tiếp. Đưa vật nổi và vật nối cho nạn nhân nắm rồi kéo lên bờ nếu nạn nhân còn tỉnh.

Đối với người cứu đuối biết bơi giỏi cũng không được chủ quan, cần bình tĩnh để cứu đuối được nhanh mà không phải xuống nước là tốt nhất. Trong trường hợp sử dụng dụng cụ hỗ trợ từ trên bờ không hiệu quả thì trực tiếp xuống cứu người bị đuối nước gián tiếp bằng cách dùng vật nổi, vật nối làm cầu nối để đưa nạn nhân vào bờ. Khoảng cách an toàn giữa nạn nhân và người cứu đuối khoảng 2m.

Lưu ý trẻ em dù biết bơi giỏi cũng tuyệt đối không cứu trực tiếp nắm tay hoặc ôm dìu nạn nhân để đưa lên bờ vì trẻ em chưa đủ khả năng để xử lý tình huống nạn nhân bị hoảng loạn, giãy giụa sẽ ôm bám, lôi kéo cả người cứu đuối cùng chìm theo. Trước hết các em phải giữ bình tĩnh, hô to gọi người lớn đến hỗ trợ kêu cứu. Trong lúc chờ hỗ trợ có thể sử dụng vật nối, vật nổi để để kéo người bị đuối nước lên nếu họ vẫn còn tỉnh. Nếu người bị đuối nước giãy giụa, có nguy cơ kéo theo người cứu đuối thì người cứu đuối buông tay và gọi người hỗ trợ.

Nguyên tắc quan trọng nhất là phải dự phòng từ xa, phải hạn chế đến tối đa các tình huống nguy hiểm có thể gây ra đuối nước. Trẻ em tuyệt đối không được đi tắm biển, đi bơi một mình, phải có người lớn đi cùng để giám sát, trông coi. Không đi bơi, tắm ở vùng lũ lụt, nơi có nước chảy mạnh, chảy xiết, những nơi có biển báo nguy hiểm; không được nhảy, lặn ở những vùng nước cạn hoặc những vùng nước không nhìn thấy đáy, phải thận trọng thăm dò độ sâu của nước trước khi bơi. Khi đi tàu, thuyền luôn mặc áo phao; tuyệt đối không đùa giỡn, chạy nhảy trên thuyền, và luôn ngồi đúng vị trí.

Khi ra biển chỉ nên bơi ở khu vực có giới hạn và có nhân viên cứu hộ thường trực, tránh xa các dòng nước xoáy, dòng nước cuốn và vùng nước sâu, vùng nước có sóng to. Trong trường hợp gặp vùng nước xoáy cần lưu ý không bơi ngược dòng. Bơi khỏi vùng xoáy (bơi song song với bờ biển), sau đó bơi vào bờ. Nếu không thoát ra được hãy nổi ngửa hoặc bơi đứng tại chỗ để giữ sức. Gọi hoặc giơ tay lên để kêu cứu.

P.V: Cùng với các kỹ năng cứu đuối an toàn, đưa được nạn nhân ra khỏi môi trường nước nhanh nhất, cần có các kiến thức về sơ cấp cứu tại chỗ mới tăng khả năng cứu được nạn nhân, đúng không thưa ông?

Ông Trần Văn Cẩn: Đúng thế. Khi đã đưa người bị đuối nước lên bờ, nếu nạn nhân bất tỉnh, thở yếu hoặc ngừng thở, ngừng tim tiến hành ép tim ngoài lồng ngực và thổi ngạt (hô hấp nhân tạo) đúng kỹ thuật, kiên trì. Không dốc ngược nạn nhân để xốc nước. Cần quan sát lồng ngực, áp lỗ tai sát mũi, miệng nạn nhân và bàn tay đặt trên bụng nạn nhân để tai nghe hơi thở của nạn nhân; mắt nhìn lồng ngực nạn nhân có di động (phập phồng lên xuống) hay không; tay cảm nhận hơi ấm của cơ thể nạn nhân. Thực hiện nghe, nhìn và cảm nhận trong 5 giây (đếm từ 1 đến 5) để xác định nạn nhân còn thở không. Nếu nạn nhân bị ngừng thở nhưng tim còn đập cần phải tiến hành thổi ngạt ngay. Đặt nạn nhân lên nền cứng, nới lỏng quần áo và các thứ chằng buộc làm cản trở đường thở. Người cấp cứu quỳ hoặc đứng bên trái ngang đầu nạn nhân, một tay ấn giữ trán, một tay nâng cằm để đầu nạn nhân ngửa tối đa về phía sau, tránh tụt lưỡi sẽ làm che thành họng của nạn nhân. Bàn tay phải đặt ở trán làm ngửa đầu, ngón cái và ngón trỏ bịt mũi nạn nhân, mở rộng miệng nạn nhân và áp dụng phương pháp thổi ngạt (miệng - miệng). Ngẩng đầu hít một hơi thật sâu, cúi đầu áp miệng của mình sát miệng nạn nhân sao cho không có kẽ hở đồng thời mắt nhìn lồng ngực nạn nhân. Dùng lực hơi thổi ngạt vào miệng nạn nhân tới khi ngực nạn nhân nhô lên. Sau đó, ngẩng đầu lên hít sâu một hơi để thổi ngạt tiếp theo (thổi ngạt 5 lần liên tiếp). Với trẻ nhỏ tránh thổi quá mạnh làm vỡ phổi.

Kết thúc lần thổi hơi thứ 5 cần tiến hành kết hợp kiểm tra mạch bằng cách đặt 2 ngón tay (ngón trỏ và giữa) vào mạch cổ nạn nhân kiểm tra trong 10 giây (đếm từ 1 đến 10). Nếu nạn nhân không thở và không có mạch, đặt nạn nhân nằm ngửa, người cấp cứu quỳ thẳng gối bên hông nạn nhân, chân ngang vai nạn nhân, dùng tay để xác định mỏm tim của nạn nhân như sau: Đặt ngón tay áp út lên chỗ thấp nhất của xương ức, kế tiếp ngón giữa và ngón trỏ. Sau khi kiểm tra chính xác vị trí, đặt gót bàn tay kia kế bên ngón trỏ, rút tay kiểm tra vị trí và đặt gót bàn tay đó lên mu bàn tay kia, các ngón tay lồng vào nhau. Giữ cánh tay thẳng vuông góc với xương ức (cùi chỏ giữ thẳng) dùng lực của vai ấn sâu khoảng 4cm - 5cm, khi ấn không được nhấc tay lên. Tiếp theo thực hiện liên tục: Ấn ngực 30 lần thổi 2 hơi và làm 5 lần trong 2 phút (tốc độ khi ấn ngực khoảng 100 lần/1phút), sau đó kiểm tra lại mạch và nhịp thở. Nếu nạn nhân vẫn không thở không mạch thì tiếp tục xoa bóp tim. Cứ sau khi thực hiện 2 phút nên kiểm tra lại nếu vẫn chưa hồi phục thì tiếp tục thực hiện cho đến khi nhân viên y tế đến hoặc nạn nhân đã tỉnh.

Trẻ em từ 12 tuổi trở lên tiến hành thực hiện các bước như người lớn (ấn tim sâu từ 4 - 5cm). Trẻ em dưới 12 tuổi cũng thực hiện như người lớn nhưng khi ấn ngực chỉ dùng 1 tay và ấn sâu khoảng 3cm - 4cm. Trẻ sơ sinh đến 1 tuổi khi ấn ngực chỉ dùng 2 ngón tay (ngón trỏ và ngón giữa) ấn sâu khoảng 1,5cm - 2,5cm và thực hiện ấn ngực 5 lần thổi hơi 1 lần và làm 10 chu kỳ trong 1 phút, sau 1 phút kiểm tra lại mạch và hơi thở cho bé.

Học bơi, luyện tập môn bơi, nắm được kiến thức an toàn trong môi trường nước, trang bị một số kỹ năng chính trong cứu hộ an toàn sẽ giúp mọi người tránh được đuối nước và cứu được người khác khi họ bị đuối nước.

P.V: Trân trọng cảm ơn ông!

Đỗ Hồng (Thực hiện)

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy