kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
Giáo dục truyền thống cho giới trẻ qua Tết Nguyên đán

Giáo dục truyền thống cho giới trẻ qua Tết Nguyên đán

Thời buổi công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhưng Tết Nguyên đán có thể nói là thời gian diễn ra nhiều hoạt động đậm sắc màu truyền thống nhất trong năm. Nhằm hướng con em về những giá trị truyền thống tốt đẹp, nhiều gia đình, nhà trường, các ngành, đoàn thể đã có những việc làm thiết thực để giáo dục giới trẻ qua Tết cổ truyền của dân tộc.

Vợ chồng chị Nguyễn Hồng Loan (nhà ở phường Trần Hưng Đạo, thành phố Phủ Lý) năm nào cũng cho con về quê ăn Tết. Chị cho biết Tết nào anh chị cũng cho các con về quê đón Tết với ông bà, năm bên nội, năm bên ngoại. Cho các cháu về quê đón Tết có rất nhiều cái lợi cho cả các cháu và gia đình. Thứ nhất là các cháu gắn bó, gần gũi với ông bà, gia đình, học được nhiều kỹ năng sống, quan sát, có thêm nhiều kiến thức về phong cảnh, sinh hoạt ở làng quê. Thứ nữa dịp Tết ở quê vẫn còn khá đậm nét các phong tục truyền thống, và anh chị muốn giáo dục cho các con điều đó. Ví dụ như: năm nào về quê các cháu cũng được tham gia gói bánh chưng Tết. Những năm đầu các cháu được phân công rửa lá dong, rồi sau đó học dần và năm ngoái đã gói được những chiếc bánh chưng đầu tiên. Các cháu vui vô cùng, háo hức khoe thành quả mình đã làm được, và năm nay đang lên kế hoạch về quê gói bánh chưng Tết. Ngày Tết các cháu cũng được tham gia đi chúc Tết họ hàng, làng xóm ở quê, đón các ông bà, cô dì chú bác đến chúc Tết. Qua các mùa Tết các cháu đều rất thích, và năm nào chưa chờ bố mẹ nhắc, các cháu đã lên kế hoạch sửa soạn về quê đón Tết.

Học sinh Trường THPT chuyên Biên Hòa trải nghiệm gói bánh chưng Tết. Ảnh: Đan Vũ

Gia đình anh Nguyễn Văn Đạt (phường Hai Bà Trưng, thành phố Phủ Lý) nội, ngoại hai bên đều ở thành phố, nhưng từ khi các con còn nhỏ anh chị luôn bố trí cho các con tham dự các sự kiện văn hóa văn nghệ truyền thống nhân dịp Tết đến Xuân về ở thành phố. Ví dụ anh chị cho các con sang Bảo tàng tỉnh tham quan, chụp ảnh ở không gian chợ quê được tổ chức ở đây mỗi dịp Tết đến. Những ngày đầu năm ở đây có các trò chơi dân gian như bịt mắt bắt dê, bịt mắt đập niêu, đi cầu khỉ, kéo co, đánh đu... và anh chị đều cho các con tham gia. Rồi năm nào ở Phủ Lý cũng có màn biểu diễn lân-sư-rồng đầu năm, rất đẹp và nghệ thuật, gia đình anh cũng không bao giờ vắng mặt. Ngoài ra năm nào vợ chồng anh cũng cho các con đi chợ hoa Xuân. Cho các con tham dự các hoạt động truyền thống được tổ chức nhân dịp Tết đến Xuân về vừa là một cách để con được giải tỏa tinh thần, đồng thời hiểu thêm về văn hóa truyền thống của dân tộc. Anh cho biết các con đều rất thích khi được hòa mình vào không khí Xuân của thành phố.

Các em học sinh thích thú với mâm cỗ do chính tay các em làm ra. Ảnh: Lê Dũng

Ở một số trường học cũng kỳ công tổ chức những hoạt động truyền thống nhân dịp Tết đến Xuân về. Ví dụ một số trường THPT tổ chức gói bánh chưng Tết và mang bánh chưng tặng người có hoàn cảnh khó khăn, qua đó tạo hiệu ứng rất tốt trong giáo dục truyền thống, vừa là hoạt động ngoài giờ học giúp học sinh gắn kết, tăng cường kỹ năng sống. Lê Hương Trang (nhà ở phường Hai Bà Trưng, thành phố Phủ Lý) dù giờ đã là sinh viên một trường đại học ở Hà Nội nhưng em cho biết vẫn rất nhớ những năm học ở Trường THPT Chuyên Biên Hòa, nhớ những mùa Tết nhà trường tổ chức gói bánh chưng. Em nhớ lại khi có thông báo của nhà trường, cả lớp nô nức phân công nhau chuẩn bị. Từ nhỏ em và hầu hết các bạn trong lớp chỉ nhìn thấy bánh chưng khi đã được nấu chín, biết về sự tích bánh chưng qua sách, chứ gói bánh chưng như thế nào em chưa bao giờ nhìn thấy chưa nói bắt tay vào làm. Chính vì vậy, năm đầu tiên nhà trường tổ chức các em đều rất háo hức với hoạt động mới mẻ này. Các em nhờ sự tư vấn, hỗ trợ của phụ huynh trong công tác chuẩn bị nguyên vật liệu như gạo, đỗ, lá dong, lạt, rồi đồ dùng để gói, nấu bánh như khuôn, nồi nấu, củi,… Trong lớp có một số bạn đến từ các vùng quê cũng biết đôi chút về gói bánh. Ngày gói và nấu bánh các bạn này và một số phụ huynh cùng làm và hướng dẫn các bạn chưa biết cùng làm. Những chiếc bánh chưng của các bạn chưa bao giờ tham gia công việc này có thể còn chưa được vuông thành sắc cạnh lắm, nhưng tất cả đều vui vô cùng khi lần đầu tiên tự gói được chiếc bánh truyền thống của dân tộc Việt. Rồi thời gian luộc bánh cả lớp ngồi quây quần bên bếp lửa, cùng cười đùa vui vẻ, đó là những kỷ niệm không bao giờ quên được của Trang khi còn học dưới mái trường THPT. Lê Hương Trang cho biết nhờ những hoạt động ý nghĩa đó đã giúp em hiểu hơn về Tết Nguyên đán, về truyền thống của dân tộc, thấy mình thực sự là người con đất Việt.

Giáo dục giới trẻ về truyền thống có nhiều dịp, nhưng dịp Tết Nguyên đán có lẽ mang lại hiệu quả nhất, bởi đây là thời điểm diễn ra nhiều hoạt động đậm nét truyền thống nhất trong năm của người Việt. Tạo điều kiện cho con tham gia vào các sinh hoạt truyền thống trong dịp Tết ở gia đình; nhà trường, đoàn thể tổ chức những hoạt động hướng về cội nguồn, chính là để giúp các em hiểu hơn về những giá trị tốt đẹp cha ông để lại, qua đó giữ gìn nền văn hóa đậm đà bản sắc của dân tộc trong đời sống hiện đại.

Đỗ Hồng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy