kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
Để trang phục thực sự là một nét đẹp văn hóa công sở

Để trang phục thực sự là một nét đẹp văn hóa công sở

Hiện nay, khi công việc được  chuyên môn hóa ở trình độ ngày càng cao, trang phục công sở không chỉ đóng vai trò làm đẹp cho bản thân mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (CBCCVC, NLĐ) mà còn là một nét văn hoá của mỗi cơ quan, địa phương, đơn vị, doanh nghiệp. Trang phục đẹp, phù hợp giúp mỗi CBCCVC, NLĐ tự tin, thoải mái trong giao tiếp, thực thi công vụ, chiếm được thiện cảm của người dân, đối tác, thể hiện sự tôn trọng đối với tổ chức, công dân, khách hàng. Chính vì vậy, việc lựa chọn trang phục đẹp, lịch sự, phù hợp với tính chất công việc là yếu tố quan trọng cần được chú ý với mỗi người, nhất là đội ngũ CBCCVC, NLĐ.

Cùng với vẻ đẹp nội tâm, hình thức bên ngoài mà cụ thể là cách ăn mặc lịch sự, phù hợp cũng góp phần đáng kể tôn vinh vẻ đẹp toàn diện của mỗi người. Không những vậy, trang phục cũng là một ngôn ngữ giao tiếp. Nói về trang phục công sở, ông Trần Văn Hùng, trú tại thôn Chằm Thị, xã Liêm Thuận (Thanh Liêm) cho rằng: Khi đến làm việc tại một công sở, doanh nghiệp nào đó, nhìn trang phục của CBCCVC, NLĐ, chúng ta có thể hiểu được phần nào sự chuyên nghiệp, gọn gàng, lịch lãm, hay xuề xòa, cẩu thả của cá nhân và cũng chính là một phần của cơ quan, doanh nghiệp đó. Trang phục đẹp, gọn gàng, phù hợp sẽ cho người mặc sự tự tin trong giao tiếp và công việc, dễ chiếm được thiện cảm, sự tôn trọng của người khác. Đặc biệt, với đội ngũ CBCCVC, NLĐ các cơ quan, công sở, trang phục của cá nhân phần nào thể hiện mức độ, phong thái làm việc ở nơi đó, CBCCVC ăn mặc đẹp, lịch sự sẽ góp phần làm cho cơ quan, đơn vị trở nên chuyên nghiệp, chỉnh chu hơn. 

Để trang phục thực sự là một nét đẹp văn hóa công sở
Nhân viên Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) Chi nhánh Hà Nam hướng dẫn khách hàng làm thủ tục đăng ký thẻ ATM. Ảnh: Trương Dũng

Nhân nói về trang phục công sở, anh Trần Văn Giang, trú tại tổ 2, Phường Lê Hồng Phong (TP Phủ Lý) cho rằng: Lựa chọn trang phục công sở sao cho thể hiện sự tôn trọng bản thân và những người xung quanh. Trang phục công sở, ngoài đẹp còn phải mang đến sự thoải mái, tiện dụng khi làm việc. Cũng theo ý kiến của anh Trần Văn Giang, hiện nay một số cơ quan, đơn vị chưa thực sự chú ý và coi trọng vấn đề này. Một số CBCCVC, NLĐ ăn mặc chưa thật sự chỉnh chu, quần áo nhàu, cũ, bỏ buông, đi dép lê… Trong khi đó, lại cũng không ít người ăn mặc quá cầu kỳ, diêm dúa, lòe loẹt, quần áo, váy bó sát, mỏng hoặc quá ngắn, dẫn tới khó trong đi lại, giao tiếp, thao tác công việc. 

Chị Nguyễn Thị Hoa, trú tại tổ dân phố Mễ Nội, phường Liêm Chính (TP Phủ Lý) cho rằng: Trang phục làm việc đối với CBCCVC mỗi đơn vị, doanh nghiệp rất quan trọng, bởi đây là phần dễ nhận thấy nhất ở những người đang trực tiếp giải quyết công việc hằng ngày cho người dân, doanh nghiệp. Ở một khía cạnh và mức độ nhất định, trang phục cá nhân còn là đại diện, hình ảnh của cơ quan công quyền. Trang phục CBCCVC, NLĐ gọn gàng, lịch sự sẽ thể hiện một phần sự chuyên nghiệp của bộ máy công quyền và nền hành chính công vụ. Xây dựng hình ảnh đẹp, chuyên nghiệp từ cách ăn mặc, phong cách cư xử… có tác động rất lớn đến niềm tin của người dân vào chính quyền và cơ quan quản lý nhà nước. Khi người dân tin cậy ở chính quyền và đội ngũ CBCCVC, NLĐ thì hoạt động quản lý nhà nước cũng trở nên thuận tiện, hiệu quả hơn rất nhiều.

Như vậy, lựa chọn trang phục công sở lịch sự, phù hợp cũng là một cách ứng xử để tạo dựng, lưu giữ hình ảnh đẹp của CBCCVC, NLĐ với người dân, doanh nghiệp. Hiện nay, nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đã thực hiện đồng bộ hóa trang phục công sở bảo đảm phù hợp với tính chất công việc, đem lại sự thoải mái, tự tin, chuyên nghiệp, năng động cho mỗi cá nhân. Một số công ty, doanh nghiệp (bưu điện, điện lực, ngân hàng…) đã xây dựng những quy định rất cụ thể về trang phục của cán bộ, nhân viên, lao động (CBNVLĐ) như: trang phục cho nhân viên gián tiếp làm việc thường ngày, trang phục cho nhân viên giao tiếp khách hàng, trang phục bảo hộ lao động cho người lao động trực tiếp, trang phục cho CBNVLĐ khi tham dự hội nghị… phần nào tạo dựng hình ảnh đẹp trong mắt khách hàng về sự chuyên nghiệp, tác phong làm việc của mỗi cá nhân cũng như của đơn vị. 

Cùng với các doanh nghiệp, để bảo đảm tính chuyên nghiệp, góp phần xây dựng hình ảnh “Chính quyền thân thiện, vì nhân dân phục vụ”, các xã, thị trấn ở huyện Bình Lục cũng đã thực hiện đồng phục đối với CBCC với kiểu dáng, màu sắc trang nhã, gọn gàng, phù hợp. Khi mặc trang phục đồng bộ theo quy định, hầu hết CBCC trong lúc thực thi công vụ cũng như tham gia các hoạt động xã hội sẽ cảm thấy có trách nhiệm hơn về phong cách ứng xử chuẩn mực, phù hợp. 

Vừa qua, Bộ Nội vụ đã ban hành Quy tắc ứng xử của CBCCVC, NLĐ của cơ quan này. Theo đó, khi làm việc tại công sở và trong thời gian thực thi nhiệm vụ, CBCCVC, NLĐ phải mặc trang phục công sở lịch sự, đầu tóc gọn gàng, đi giày hoặc dép có quai hậu. Trang phục phải phù hợp với tính chất công việc, đặc thù của ngành, thuần phong, mỹ tục của dân tộc: Quần áo kín đáo, váy dài quá gối, không xẻ tà quá cao, không mặc quần bò, áo phông không có cổ... Đánh giá về vấn đề này, ông Trương Công Khải, Giám đốc Sở Nội vụ cho rằng: Đây là một quy định rất tốt, có tác động tích cực, góp phần xây dựng hình ảnh người CBCCVC chuyên nghiệp, văn minh.

Vẫn biết trang phục là hình thức thể hiện bên ngoài, là bề nổi và không quyết định tính chất tốt, xấu của một con người, nhưng trang phục chắc chắn là sự thể hiện một phần phong cách, thái độ, tính chuyên nghiệp của CBCCVC, NLĐ trước công việc, công dân, đối tác. Mỗi người có một gu ăn mặc riêng, ai cũng muốn thoải mái mặc đẹp theo cách của mình, nhưng nên chăng việc ăn mặc cũng cần phù hợp với đặc điểm, tính chất công việc, nhất là nơi công sở, qua đó không chỉ thể hiện sự tôn trọng người dân, doanh nghiệp, khách hàng, mà còn thể hiện sự tôn trọng chính bản thân mình, góp phần tạo dựng chuẩn mực của nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại.

Nguyễn Hằng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy