Ở miền cao nguyên đá của tỉnh Hà Giang có một con đường mang tên Hạnh Phúc. Cái tên được chính Bác Hồ đặt cho quốc lộ 4C dài 185 km từ thành phố Hà Giang lên 4 huyện vùng cao Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc. Đúng như tên gọi của mình, con đường Hạnh Phúc đã giúp người dân vùng cao "phía sau Cổng trời" có đường đi lại, sản xuất, mang lại cuộc sống ấm no cho hàng vạn đồng bào nơi đây để cả một vùng cao nguyên đá thay da đổi thịt.
Chứng tích về lòng quả cảm của tuổi trẻ
Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ 1954, Hà Giang chỉ có duy nhất tuyến quốc lộ 2 từ thị xã Hà Giang đi Tuyên Quang là xe cơ giới đi được, còn lại là đường mòn đi bộ, đường ngựa thồ. Ngày 29/3/1959, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang (khóa III) họp và ra Nghị quyết đề nghị Trung ương và Khu tự trị Việt Bắc cho mở tuyến đường lên Đồng Văn. Được Trung ương và Khu tự trị đồng ý, sau một thời gian chuẩn bị, ngày 10/9/1959, tại thị xã Hà Giang, Bộ Giao thông Vận tải, Trung ương Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam và tỉnh Hà Giang tổ chức lễ khởi công mở đường Hạnh Phúc.
Có dịp lên thăm Hà Giang hôm nay, dừng chân ở lưng đèo Mã Pì Lèng, mỗi du khách sẽ không khỏi cảm phục, xúc động nghẹn ngào trước tấm bia đá còn ghi rõ: “Đường Hạnh Phúc (Hà Giang – Đồng Văn – Mèo Vạc). Ngày khởi công 10/9/1959, hoàn thành ngày 10/3/1965. Tham gia mở đường gồm cán bộ, công nhân, dân công các dân tộc tỉnh Hà Giang và hơn 1.500 thanh niên xung phong các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Nam Định, Hải Dương. Toàn bộ tuyến đường thi công chủ yếu bằng sức người và dụng cụ thô sơ. Riêng đèo Mã Pì Lèng lực lượng thi công phải treo mình bằng dây ròng từ trên xuống, bám vào vách đá dựng đứng đục từng lỗ choòng, phá từng tấc đá, thi công 11 tháng mới hoàn thành. Quá trình mở đường Hạnh Phúc có 14 thanh niên xung phong đã hy sinh. Phần mộ của các liệt sỹ được quy tập tại Nghĩa trang liệt sỹ thanh niên xung phong huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang”.
Khó khăn chồng chất, thiếu thốn đủ bề, nhưng với khí thế sục sôi cách mạng của tuổi trẻ, hàng ngàn người tham gia mở đường Hạnh Phúc đã không ngại gian khổ hy sinh, quyết bám núi, bám đường, hăng say lao động. Với dụng cụ lao động vô cùng thô sơ, chỉ là cuốc, xẻng, búa tạ, xà beng, xe cút kít..., trong điều kiện làm việc vô cùng khó khăn, thiếu lương thực, thiếu muối, thiếu nước; vật vã với khí hậu khắc nghiệt của vùng cao, mùa hạ nóng như rang, mùa đông rét cắt da cắt thịt, có những khi nhiệt độ giảm xuống dưới không độ, nước đóng thành băng trên đá… cả ngàn người lao vào đục đá làm đường. Sự hy sinh, gian khổ của hơn 1.500 thanh niên xung phong 8 tỉnh cùng dân công các dân tộc tỉnh Hà Giang đã mang lại cuộc sống đổi thay cho đồng bào miền cao nguyên đá. Con đường Hạnh Phúc thênh thang, từng đoàn xe tấp nập ngược xuôi, cái chữ lên non, mầm xanh hoa lá bung nở… thắp sáng cả miền cao nguyên đá.
Năm 2024, đánh dấu tròn 65 năm khởi công con đường Hạnh Phúc, với 2 làn xe chạy giữa lòng cao nguyên đá mênh mông như một chứng tích về lòng quả cảm, sự hy sinh, là biểu tượng của tình đoàn kết các dân tộc, lý tưởng của tuổi trẻ.
Thênh thang trên con đường Hạnh Phúc
Hành trình khám phá con đường Hạnh Phúc là một trong những tour du lịch Hà Giang hiện đang thu hút đông đảo du khách. Xuất phát từ cột mốc 0km (thành phố Hà Giang) đến điểm cuối là cột mốc số 0 ở huyện Mèo Vạc; du khách lần lượt có những khám phá, trải nghiệm qua những địa danh lịch sử ghi đậm dấu ấn về con đường Hạnh Phúc. Trong hành trình khám phá con đường Hạnh Phúc, du khách lần lượt được ngắm nhìn cảnh đẹp, sự hùng vĩ, nét văn hóa đặc trưng của bốn huyện vùng cao Hà Giang: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc. Trước tiên là Cổng trời Quản Bạ, nơi săn mây đẹp nhất Hà Giang. Từ Cổng trời nhìn sang núi đôi Quản Bạ, một tuyệt tác của thiên nhiên. Trên hành trình này, du khách sẽ dành thời gian để khám phá, trải nghiệm tại làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào dân tộc Mông ở xã Lùng Tám, huyện Quản Bạ. Suốt dọc đường đi, du khách sẽ không khỏi hút hồn khi liên tiếp vượt qua những cung đường ngoằn nghèo của dốc Chín Khoanh, dốc Thẩm Mã, đèo Mậu Duệ… qua những thung lũng ngô xanh mướt, những nương hoa tam giác mạch tím mơ màng bên sườn núi.
Những năm gần đây, với phương tiện máy móc hiện đại, con đường Hạnh Phúc nhiều lần được mở mang tu sửa ngày càng to rộng, dễ đi, con đèo hiểm trở Mã Pì Lèng đã trở thành di sản đặc sắc về địa chất và cảnh quan. Khu vực đỉnh đèo Mã Pì Lèng được đánh giá là một trong những điểm quan sát toàn cảnh lý tưởng nhất, từ đây có thể ngắm nhìn khung cảnh núi tiếp núi trập trùng hùng vĩ. Từ trên đỉnh đèo, du khách có thể chiêm ngưỡng toàn cảnh vẻ đẹp của dòng Nho Quế có một màu xanh đặc trưng, uốn lượn như dải lụa mềm dưới vực sâu, hẻm vực Tu Sản kéo dài, sâu hút dưới chân đèo. Theo hành trình, du khách sẽ lần lượt được chiêm ngưỡng cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ tại những địa danh du lịch nổi tiếng ở huyện Đồng Văn như: Di tích kiến trúc - nghệ thuật khu Nhà Vương, phố cổ Đồng Văn, bãi đá Mặt Trăng, cột cờ Lũng Cú, làng văn hóa Lũng Cẩm… Kết thúc hành trình, du khách có dịp được hòa mình vào nét đẹp đời sống, lao động của người đồng bào tại huyện biên giới Mèo Vạc khi trải nghiệm tại Làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông Pả Vi, dạo chợ tình Khâu Vai…
Đường Hạnh Phúc là tuyến đường huyết mạch, kết nối giao thương, phát triển kinh tế - xã hội của đồng bào các dân tộc tỉnh Hà Giang và vùng Tây - Đông Bắc, ngày nay còn là điểm du lịch hấp dẫn, hội tụ những tinh hoa, vẻ đẹp, sự hùng vĩ ở vùng cực Bắc của Tổ quốc. Xin mượn lời bài hát Cung đường mùa xuân của nhạc sỹ Nguyễn Trùng Thương để thay cho lời kết: “Từng giọt mồ hôi thấm vào đá núi, Cổng trời hiên ngang mang dáng mẹ cao nguyên. Mã Pì Lèng xưa, núi đá xưa nay đã thành những con đường lớn, đường lên phía bắc, đường sang phía tây là con đường ý Đảng, lòng dân, đường Bác Hồ đưa ta tới mùa xuân”.
Nguyễn Khánh