Những ngày Thu tháng 8, sắc cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay dưới ánh nắng vàng, với các cựu chiến binh (CCB) từng là những người lính vinh dự được tham gia lễ duyệt binh dịp Quốc khánh 2/9/1975 lại trào dâng niềm cảm xúc không bao giờ quên trong cuộc đời. Niềm tự hào như vẫn vẹn nguyên trong những người lính ưu tú năm xưa ấy.
Say sưa kể về quãng thời gian đáng nhớ trong cuộc đời binh nghiệp của mình, CCB Nguyễn Công Lễ, tổ 3, Phường Quang Trung (TP Phủ Lý) cho biết, ông không bao giờ quên thời khắc lịch sử quan trọng ngày 2/9/1975, bởi đó là dấu mốc quan trọng đánh dấu sự thống nhất nước nhà và bởi đó là một dấu ấn, là kỷ niệm tuyệt vời nhất trong cuộc đời quân ngũ của ông. Thật hạnh phúc và sung sướng biết bao trong giờ phút thiêng liêng đứng dưới Quảng trường Ba Đình, được lắng nghe những âm hưởng của cuộc sống hòa bình, được hòa vào niềm vui chung của cả dân tộc khi không còn bom đạn của chiến tranh, với một người từng trải qua sự khốc liệt của cuộc chiến như ông quả là một điều kỳ diệu vô cùng không gì sánh bằng.
Ông Nguyễn Công Lễ nhập ngũ tháng 12 năm 1971, vào đơn vị bộ binh thuộc Trung đoàn 64, Sư đoàn 320B (sau này là Sư đoàn 390, Quân đoàn 1). Sau thời gian huấn luyện 6 tháng, đơn vị ông hành quân vào chiến trường, lập tức tham gia chiến dịch Quảng Trị 1972 – một chiến dịch kéo dài và ác liệt nhất trong cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam. Kể về mối duyên được tham gia lễ duyệt binh năm 1975, CCB Nguyễn Công Lễ nhớ lại: Sau khi Sài Gòn giải phóng, tôi được đơn vị cho ra căn cứ Sóng Thần nghỉ dưỡng ít ngày rồi ra Bắc huấn luyện duyệt binh ở sân bay Miếu Môn (Hà Nội). Tôi được giao nhiệm vụ tham gia huấn luyện khối thanh niên xung phong toàn quốc chuẩn bị cho lễ duyệt binh dịp Quốc khánh 2/9. Sau 3 tháng huấn luyện, sáng ngày 2/9, lễ duyệt binh được tổ chức trang trọng. Thời khắc được đứng dưới Quảng trường Ba Đình thật thiêng liêng và xúc động. Cho đến tận bây giờ tôi vẫn không thể nào quên cảm xúc vui sướng, xúc động khi được đứng trong hàng quân thẳng tắp, hành quân dưới lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong nắng gió mùa thu Hà Nội.
Với CCB Nguyễn Đức Thăng, thôn Phú Đa, xã Bối Cầu (Bình Lục) và CCB Phạm Đức Hiểu, tổ 2, Phường Quang Trung (TP Phủ Lý) cơ duyên khi cả hai ông cùng là lính xe tăng, nhập ngũ cùng đơn vị và cùng được cử về Hà Nội để huấn luyện tham gia lễ duyệt binh lịch sử năm 1975. Về huấn luyện tại sân bay Bạch Mai 3 tháng, 2 ông tham gia duyệt binh ở khối xe tăng, thiết giáp. Ông Nguyễn Đức Thăng được chọn ngồi ở xe quân kỳ (xe đi đầu đoàn) phụ trách máy vô tuyến 2W làm nhiệm vụ thông tin liên lạc cho toàn khối theo mệnh lệnh của chỉ huy. Ông Hiểu là trung đội trưởng đi xe hàng đầu của khối. Hai ông cho rằng: Vinh dự lớn là trước khi vào lễ duyệt binh, chúng tôi được cùng đoàn cán bộ cấp cao vào lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sáng 2/9, trong đoàn quân tiến vào Quảng trường Ba Đình, cảm thấy thật vinh hạnh vì là một trong những lực lượng hùng mạnh của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng. Sau khi diễu qua quảng trường, các đoàn quân tiếp tục tỏa ra các phố phường Hà Nội diễu binh, đi đến đâu đoàn quân cũng được nhân dân chào đón trong niềm vui mừng khôn siết vì từ nay đất nước đã thống nhất, hòa bình, độc lập dân tộc đã hoàn toàn thuộc về nhân dân Việt Nam.
Với ông Nguyễn Đức Thăng, dịp Quốc khánh 2/9/1975 còn là một dấu ấn quan trọng trong cuộc đời, bởi ngay sau khi hoàn thành nhiệm vụ tại lễ duyệt binh, ông được khen thưởng và chi bộ tổ chức lễ kết nạp Đảng cho ông ngay tại sân bay Bạch Mai. Ông kể: Ngày 3/9, khi vừa hoàn thành nhiệm vụ tại lễ duyệt binh, tối hôm đó toàn thể cán bộ, chiến sĩ các đơn vị được đi xem văn công (xem văn công thời đó là đặc sản), riêng tôi được đồng chí chỉ huy giao nhiệm vụ ở lại đơn vị gác. Tôi vui vẻ nhận lời và tự nhủ mình sẽ hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Và ngay sáng hôm sau, tôi được đồng chí bí thư chi bộ gọi lên chuẩn bị làm công tác kết nạp Đảng; ngày 5/9/1975, tôi được tổ chức kết nạp ngay tại lán trại của đơn vị, khi đó tôi mới 21 tuổi.
Với niềm vinh dự, tự hào đó, những năm sau này, những người lính ấy đã luôn phát huy tinh thần, trách nhiệm của người chiến sĩ cách mạng kiên trung, sống, chiến đấu, lao động, học tập theo tấm gương của Bác Hồ vĩ đại. Ngày nay khi đã rời quân ngũ trở về, các ông vẫn luôn là những CCB gương mẫu trên mọi mặt trận, góp sức xây dựng quê hương ngày càng đổi mới.
Phương Dung