kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
Các gia đình công nhân chắt chiu lo tiền đóng học cho con

Các gia đình công nhân chắt chiu lo tiền đóng học cho con

Khác so với những năm học trước, bước vào năm học mới 2021-2022, nhiều học sinh là con em công nhân gặp khó khăn. Tiết kiệm hết mức với khoản thu nhập từ 5 đến 7 triệu đồng/tháng, cha mẹ các em phải “cân” từng ly những thứ phải chi tiêu hằng ngày để có đủ tiền đóng cho các con đầu năm học.

Một tháng trôi qua, chị Phạm Thị Phương, công nhân Công ty cổ phần Sơn Nishu, KCN Đồng Văn (thị xã Duy Tiên) quá bận bịu với cậu con trai bắt đầu học lớp 1. Tiếp cận chương trình sách giáo khoa mới, vợ chồng chị Phương thay nhau ngồi cạnh con kèm cặp. Cả nhà chỉ dùng có một bóng đèn để ở bàn học, xung quanh tối om. Chị Phương nói nghe có vẻ khó tin: “Cả nhà chỉ có một bóng đèn bàn của cháu thôi, dùng nhiều bóng sợ tốn tiền điện. Tiết kiệm được tí nào hay tí đó chị ạ”. 

Công việc của vợ chồng anh chị so với năm ngoái không tốt lắm. Dịch bệnh Covid-19 bùng phát liên tục đã làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty. Thời gian làm việc phải cắt giảm, tính ra mỗi tuần chỉ còn làm ba buổi để thực hiện giãn cách. Vì thế, thu nhập cũng giảm hơn. Giờ, lương hai vợ chồng chị cộng lại chỉ ngót 10 triệu đồng, gửi về quê để ông bà nuôi đứa lớn một khoản; trả tiền điện nước, nhà ở một khoản và ăn một khoản… cũng chẳng còn bao.

Chị Phương bảo: “Mới chỉ đầu năm học thôi, chúng em đã phải chi hơn 2 triệu đồng mua sách vở, đồng phục, cặp và đồ dùng học tập cho con. Tới đây còn một số khoản ở trường phải đóng thêm. Đấy là chưa kể tiền học thêm, tiền thuê người đưa đón, trông cháu buổi trưa”. 

Được biết, anh chị là người từ Hải Dương sang đây làm việc, nên ngoài các khoản chi phí sinh hoạt thì tiền thuê nhà hằng tháng cũng trở thành áp lực đối với khoản thu nhập ít ỏi của hai vợ chồng chị trong thời điểm dịch Covid-19 vẫn đang có những diễn biến phức tạp.

Các gia đình công nhân chắt chiu lo tiền đóng học cho con
Chị Nguyễn Thị Tám, công nhân Công ty TNHH JY Hà Nam kèm các con học bài mỗi tối.

Thời điểm dịch bệnh, đời sống công nhân xa nhà vô cùng khó khăn. Hầu như doanh nghiệp nào cũng giảm giờ làm, thực hiện giãn cách theo chỉ đạo của các cấp, các ngành để chống dịch Covid-19. Có doanh nghiệp không đủ nguyên liệu sản xuất hoặc không xuất được hàng do dịch bệnh bùng phát mạnh ở các tỉnh phía Nam, vận tải bị hạn chế. Từ đó, việc làm và thu nhập của công nhân cũng bị ảnh hưởng theo. 

May mắn hơn chị Phương, chị Nguyễn Thị Tám, công nhân Công ty TNHH JY Hà Nam (xã Nhân Chính, huyện Lý Nhân) không phải thuê nhà, là người địa phương nên sáng đi, tối về. Khổ nỗi, ở đợt dịch lần thứ 4, công ty của chị phải dừng hoạt động một thời gian ngắn do có liên quan đến vài công nhân là F1. Bản thân chị cũng tiếp xúc với F1, phải ở nhà cách ly cùng chồng, con 14 ngày. Trở lại làm việc trong tình hình dịch bệnh mỗi ngày một phức tạp hơn, công nhân công ty chỉ được bảo đảm mức lương từ 4 triệu đồng trở lên. Với chị, tháng nào làm tốt, làm tăng ca nhiều cũng chỉ đạt 6 đến 7 triệu đồng. Chồng làm lao động tự do, thất nghiệp vì dịch bệnh nên cả nhà trông chờ vào số tiền ít ỏi đó.

Chị Nguyễn Thị Tám nói: Bình quân mỗi tháng em chỉ có khoảng 5 triệu đồng, lo 5 người ăn, học. 3 đứa con lít nhít, tiền học và tiền ăn cũng khó rồi. Đầu năm học mới, nhà trường chưa thông báo đóng góp gì, nhưng chỉ sắm sửa quần áo đồng phục, cặp, sách vở, đồ dùng học tập cho hai đứa lớn cũng mất vài triệu đồng rồi, nhưng so với nhiều người, chúng em còn may chán, vì không mất tiền thuê nhà, dùng điện nước  sinh hoạt giá bình dân. Nếu phải thuê nhà, chi trả điện nước theo giá dịch vụ thì đúng là khó chồng khó. 

Theo chương trình giáo dục mới, học sinh lớp 2, lớp 6 trong năm học này tiếp cận với sách giáo khoa mới, nên cũng tạo áp lực cho phụ huynh. Chị Nguyễn Thị Thu, công nhân Công ty TNHH Sản xuất Best Four Việt Nam (KCN Châu Sơn, thành phố Phủ Lý) nói: Điều em lo nhất là chuyện học của cháu. Năm nay, con vào lớp 1 nên mấy tháng hè phải thuê người dạy trước chương trình cho cháu. Vào năm học được hai tuần rồi, cháu đã dần quen, nhưng còn mải chơi. Em phải kiên trì kèm cháu học.

Áp lực chuyện học hành của con, áp lực tiền bạc, áp lực công việc…, người lao động chưa bao giờ cảm thấy cuộc sống khó khăn như thời gian này. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh ta ai cũng nghĩ vẫn còn may mắn. Bởi, con em vẫn được cắp sách đến trường, được hoà mình vào nhịp sống bình thường không dịch bệnh, không phải học online. Các con khỏe mạnh và được đến trường lúc này vẫn là điều hạnh phúc với nhiều gia đình. Mỗi người cần tích cực góp sức ngăn ngừa dịch bệnh Covid-19.

Chu Uyên

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy