Cùng với nắng nóng, tia cực tím ở Hà Nội và các tỉnh Trung Bộ, Nam Bộ đều ở ngưỡng nguy cơ gây hại rất cao (8-10) trong khung giờ chủ yếu từ 10 đến 13 giờ.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, ngày 7/8, khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ tiếp tục có nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-38 độ C, có nơi trên 39 độ C. Độ ẩm tương đối thấp nhất ngày phổ biến 45-60%. Thời gian có nhiệt độ trên 35 độ C từ 10-18 giờ.
Cùng với nắng nóng, tia cực tím ở Hà Nội và các tỉnh Trung Bộ, Nam Bộ đều ở ngưỡng nguy cơ gây hại rất cao (8-10) trong khung giờ chủ yếu từ 10 đến 13 giờ.
Riêng thành phố Hải Phòng, Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) ở mức thấp hơn, chỉ ở ngưỡng nguy cơ gây hại cao. Thành phố Cà Mau (tỉnh Cà Mau) đạt mức cao nhất cả nước, chỉ số 10 lúc 12 giờ và gây hại ở mức rất cao kéo dài từ 10 đến 14 giờ.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, mức 8-10 là rất cao, gây bỏng trong 25 phút tiếp xúc liên tục với nắng.
Theo các bác sỹ, trong những ngày oi bức, nắng nóng gay gắt, làn da tăng tiết mồ hôi, bã dầu dễ gây nên các bệnh về da như mụn, trứng cá, tàn nhang, sạm da... Việc đeo khẩu trang hoặc chăm sóc da không đúng cách có thể khiến làn da bị ảnh hưởng.
Một lưu ý khác là thời tiết oi bức, nhiệt độ cao khiến nhiều người khó chịu nên liên tục tắm. Điều này là không nên bởi tắm nhiều sẽ khiến làn da bị khô, do đó chỉ nên tắm 1-2 lần/ngày, hạn chế tắm nước quá lạnh hay nóng làm hại làn da. Ngoài ra, cần rửa mặt thường xuyên, đặc biệt khi rửa mặt, điều quan trọng là bàn tay phải sạch.
Ngoài ra, để bảo vệ làn da trước ảnh hưởng của nắng nóng, mọi người cần có một chế độ ăn hợp lý.
Cụ thể là tăng cường các vitamin và khoáng chất từ hoa quả, hạn chế đồ chiên, mỡ, ăn sáng đầy đủ, kiểm soát chế độ sinh hoạt, tập luyện thể dục đều đặn, nghỉ ngơi đúng giờ, tránh thức khuya, căng thẳng...
Đặc biệt, mỗi người cần bảo đảm chế độ bù đủ nước với 2-2,5 lít nước/ngày./.
Vietnam+