Dấu ấn Việt Nam trên Biển Đông – Chương 3 (Phần 5)

Sau chiến thắng Buôn Mê Thuột, thời cơ chiến lược giải phóng miền Nam đã đến. Bộ Chính trị quyết định giải phóng hoàn toàn miền Nam ngay trong mùa khô năm 1975, bao gồm các đảo và các quần đảo Trường Sa, Côn Lôn, Phú Quốc...

V. Nhà nước Việt Nam thống nhất đã tiếp tục thực thi chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa từ sau năm 1975

Ngày 5/4/1975, Bộ Tư lệnh Hải quân đã triển khai kế hoạch chiến đấu giải phóng quần đảo Trường Sa. Lực lượng tham gia giải phóng gồm có các tàu của đoàn vận tải quân sự 125, đoàn 126 đặc công, tiểu đoàn 471, đặc công quân khu 5 và tiểu đoàn 407 cùng lực lượng đặc công tỉnh Khánh Hoà. Bộ Tư lệnh hải quân chủ trương nhanh chóng đánh đảo Song Tử Tây trước để làm bàn đạp và rút kinh nghiệm đánh tiếp các đảo Nam Yết, Sơn Ca, Sinh Tồn, Trường Sa và các đảo còn lại của quần đảo. Và từ ngày 13 đến ngày 28 tháng 4, hải quân nhân dân Việt Nam đã giải phóng và tiếp quản các đảo có quân đội VNCH đang quản lí, đồng thời triển khai lực lượng tại các đảo và một số vị trí khác để bảo vệ quần đảo Trường Sa.

Chiến sĩ Hải quân tuần tra trên đảo Trường Sa Lớn. Ảnh: hanoimoi.com.vn

Ngày 9/9/1975, đại biểu Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Khí tượng thế giới đã tiếp tục đăng ký đài khí tượng Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa vào hệ thống SYNOP của Tổ chức Khí tượng quốc tế, với ký hiệu 48.860 và khẳng định chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.

Ngày 24/9/1975, trong cuộc gặp đoàn đại biểu Đảng và chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà do Tổng Bí thư Lê Duẩn dẫn đầu, nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình tuyên bố sau này hai bên sẽ bàn bạc về vấn đề chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc gọi là Tây Sa và quần đảo Trường Sa mà Trung Quốc gọi là Nam Sa.

Ngày 5 tháng 6 năm 1976, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tuyên bố khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và có quyền bảo vệ chủ quyền đó.

Ngày 2 tháng 7 năm 1976, tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa VI (1976 -1981) được bầu ngày 25 tháng 4 năm 1976, là quốc hội của nước Việt Nam thống nhất, đã quyết định đổi tên nước là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoàn toàn có nghĩa vụ, quyền hạn tiếp tục quản lý và bảo vệ chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Ngày 12/5/1977, chính phủ Việt Nam ra tuyên bố về các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam, trong đó đã khẳng định quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam có các vùng biển và thềm lục địa riêng. Đoạn 5 của Tuyên bố viết: các đảo và quần đảo thuộc lãnh thổ Việt Nam ở ngoài vùng lãnh hải nói ở Điều 1 đều có lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa riêng như đã quy định trong các điều 1, 2, 3 và 4 của Tuyên bố này.

Tại phiên họp thứ 7 cuộc đàm phán về biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc, cuộc đàm phán này bắt đầu từ ngày 9 tháng 10 năm 1977, trưởng đoàn Việt Nam, Phan Hiền đã bác bỏ vu cáo của phía Trung Quốc đối với việc hải quân nhân dân Việt Nam đã tiếp quản các đảo thuộc quần đảo Trường Sa và tái khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ông Phan Hiền đề nghị với ông Hàn Niệm Long, Trưởng đoàn Trung Quốc, về việc đưa vấn đề hai quần đảo vào chương trình nghị sự nhưng phía Trung Quốc từ chối.

Ngày 30/12/1978, người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra Tuyên bố bác bỏ luận điệu nêu trong tuyên bố ngày 29/2/1978 của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc về vấn đề quần đảo Trường Sa, khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nhắc lại lập trường của Việt Nam chủ trương giải quyết mọi tranh chấp hoặc bất bình bằng thương lượng hoà bình.

Ngày 15 tháng 3 năm 1979, Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam công bố Bị vong lục về vấn đề biên giới Việt - Trung. Điểm 9 của Bị vong lục đã tố cáo Trung Quốc đánh chiếm trái phép quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam vào tháng 01 năm 1974.

Ngày 7 tháng 8 năm 1979, Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ra tuyên bố về quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, bác bỏ sự xuyên tạc của Trung Quốc trong việc công bố một số tài liệu của Việt Nam liên quan đến các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, khẳng định lại chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này, nhắc lại lập trường của Việt Nam về việc giải quyết tranh chấp về hai quần đảo giữa hai nước bằng thương lượng hoà bình.

Ngày 28/9/1979, Bộ Ngoại giao Việt Nam công bố Sách trắng: chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, trong đó đã giới thiệu 19 tài liệu liên quan đến chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo.

Ngày 22 tháng 10 năm 1979, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam tuyên bố phản đối việc Trung Quốc lập ra 4 vùng nguy hiểm trên vùng biển quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, cắt ngang các đường bay quốc tế qua Biển Đông.

Ngày 28 tháng 11 năm 1979, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam tuyên bố bác bỏ các quy định của Trung Quốc chỉ đạo hoạt động của máy bay dân dụng nước ngoài qua vùng trời quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam

Ngày 30 tháng 01 năm 1980, Bộ Ngoại giao Trung Quốc công bố văn kiện về Tây Sa và Nam Sa. Ngày 05/02/1980, Bộ Ngoại giao Việt Nam ra tuyên bố vạch trần thủ đoạn xuyên tạc của Trung Quốc trong văn kiện ngày 30/01/1980.

Tháng 6 năm 1980, tại Hội nghị Khí tượng khu vực châu Á lần II họp tại Genève, đại biểu Việt Nam tuyên bố trạm khí tượng của Trung Quốc tại Sanhudao (đảo Hoàng Sa của Việt Nam) là bất hợp pháp. Kết quả là trạm Hoàng Sa của Việt Nam vẫn được giữ nguyên trạng trong danh sách các trạm như cũ.

Tháng 7 năm 1980, tại Hội nghị Địa chất quốc tế lần thứ 26 ở Paris (từ 7 đến 17/7/1980), Trưởng đoàn đại biểu Việt Nam, Phạm Quốc Tường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất Việt Nam đã gửi Công hàm cho Chủ tịch Hội nghị Địa chất quốc tế và Tổng Thư ký Hội nghị vạch trần và tố cáo hành động của đoàn đại biểu Trung Quốc đã lợi dụng hội nghị để tuyên truyền cái gọi là Trung Quốc có chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa vì chúng là sự kéo dài của lục địa Trung Hoa.

Tháng 12 năm 1981, Tổng cục Bưu điện Việt Nam điện cho Chủ tịch Ủy ban Đăng ký tần số tại Genève phản đối việc Trung Quốc được phát một số tần số trên vùng trời Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Tháng 12 năm 1981, Bộ Ngoại giao Việt Nam công bố sách trắng: "Quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, lãnh thổ Việt Nam". Cuốn sách gồm hai phần: Phần I: Nhà nước Việt Nam đã từ lâu và liên tục thực hiện chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa; Phần II: Từ trước tới nay, quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa chưa hề bao giờ là lãnh thổ của Trung Quốc.

Tháng 10 tháng 1982, tại Hội nghị Toàn quyền của UIT, đại biểu Việt Nam tuyên bố không chấp nhận việc thay đổi phát sóng đã được phân chia năm 1978 tại Genève.

Ngày 12 tháng 11 năm 1982, Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra tuyên bố về hệ thống đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải ven bờ lục địa Việt Nam.

Ngày 11 tháng 12 năm 1982, Chính phủ Việt Nam quyết định thành lập huyện Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng (Quyết định số 194/HĐBT ngày 11 tháng 12 năm 1982).

Ngày 28/12/1982, Quốc hội Khóa 7 sáp nhập huyện Trường Sa vào tỉnh Phú Khánh.

Âu tàu tại đảo Song Tử Tây có thể chứa từ 120-150 tàu cá của ngư dân vào trú bão. Ảnh: tuoitre.vn

Tháng 01 năm 1983, Hội nghị Hành chính Thế giới về thông tin vô tuyến đồng ý sẽ xem xét đề nghị của Việt Nam về việc phát sóng trên vùng trời Hoàng Sa và Trường Sa tại Hội nghị sắp tới.

Cũng tháng 01 năm 1983, Hội nghị Hàng không khu vực châu Á Thái Bình Dương họp ở Singapore. Trung Quốc muốn mở rộng vùng thông báo bay (FIR) Quảng Châu lấn vào FIR Hà Nội và FIR TP Hồ Chí Minh, nhưng Hội nghị quyết định duy trì nguyên trạng.

Ngày 25/4/1984, Ủy ban Địa danh Trung Quốc công bố tên mới cho các đảo, bãi, đá trong Biển Đông, trong đó có đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ngày 06/05/1984, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam phản đối việc đặt tên của Trung Quốc.

Tại Hội nghị Tổ chức Thông tin Vũ trụ Quốc tế (IntelSat) lần thứ 13 họp tại Bangkok, đại biểu Việt Nam đã phản đối việc Trung Quốc sử dụng những bản đồ ghi Hoàng Sa, Trường Sa (mà Trung Quốc gọi là Tây Sa, Nam Sa) là của Trung Quốc.

Ngày 6 tháng 5 năm 1983, người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã tuyên bố phản đối việc Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đặt tên cho các đảo, đá, bãi cạn... thuộc quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa.

Tháng 12 năm 1985, Việt Nam phê chuẩn công ước Narobi 1982, tuyên bố yêu cầu ITU sửa đổi phụ lục AER2 của thể lệ vô tuyến viễn thông, khẳng định quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ Việt Nam, vì vậy Việt Nam không chấp nhận những thay đổi có liên quan đến các tần số đã được phân chia ở vùng 6D, 6F, 6G nêu trong biên bản Hội nghị Hành chính thế giới về thông tin vô tuyến năm 1978.

Ngày 05 tháng 01 năm 1986, Bộ Ngoại giao Việt Nam tuyên bố việc Hồ Diệu Bang, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, cùng với Lưu Hoa Thanh, Trương Trọng Tiên, đi thị sát quần đảo Hoàng Sa, vào ngày 01 tháng 01, là hoạt động phi pháp, xâm phạm chủ quyền Việt Nam.

Ngày 28 tháng 11 năm 1987, Thông tấn xã Việt Nam ra tuyên bố khẳng định quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa là lãnh thổ của Việt Nam. Mọi biện pháp hành chính và các hoạt động thăm dò, khảo sát của nước khác ở khu vực hai quần đảo này đều bất hợp pháp, không có giá trị và vi phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam.

Ngày 11 tháng 4 năm 2007, bằng Nghị định số 65/NĐ/CP, Chính phủ Việt Nam đã quyết định thành lập ba đơn vị hành chính trực thuộc huyện Trường Sa:

- Thị trấn Trường Sa (gồm đảo Trường Sa lớn và phụ cận).

- Xã Song Tử Tây (gồm đảo Song Tử Tây và phụ cận).

- Xã Sinh Tồn (gồm đảo Sinh Tồn và phụ cận).

Tháng 01 năm 1988, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã huy động một lực lượng hải quân gồm nhiều tàu khu trục và tàu tên lửa xuất phát từ Hải Nam tiến xuống phía Nam, trong đó có 4 chiếc đến khu vực phía Tây Bắc quần đảo Trường Sa, khiêu khích và cản trở hoạt động các tàu vận tải của Việt Nam trong khu vực biển gần bãi đá Chữ Thập và bãi đá Châu Viên. Lực lượng tàu chiến này đặt dưới sự chỉ huy của một Bộ Tư lệnh đặc biệt được thành lập để tổ chức triển khai chiến dịch đánh chiếm một phần quần đảo Trường Sa, bắt đầu từ ngày 14 tháng 3 năm 1988, nấp dưới luận điệu quen thuộc "phản công để tự vệ".

Trong chiến dịch này, Trung Quốc đã sử dụng một liên đội tàu chiến gồm 6 chiếc, trong đó có 3 tàu hộ vệ số 502, 509, 531 trang bị tên lửa và pháo 100mm, các tàu chiến này đã tấn công, bắn chìm 3 tàu vận tải của Việt Nam đang làm nhiệm vụ tiếp tế cho các bãi đá Lan Đao, Cô Lin, Gạc Ma thuộc cụm đảo Sinh Tồn đang do Việt Nam quản lý.

Tính đến ngày 6 tháng 4 năm 1988, Trung Quốc đã chiếm đóng đá Chữ Thập, đá Châu Viên, đá Ga Ven, đá Tư Nghĩa, đá Gạc Ma, đá Su Bi.

Năm 1988, Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông báo cho Liên Hợp quốc, gửi nhiều công hàm phản đối đến Bắc Kinh và đặc biệt là các công hàm ngày 16, 17, 23 tháng 3 năm 1988 đề nghị hai bên thương lượng giải quyết vấn đề tranh chấp. Trung Quốc tiếp tục chiếm giữ các bãi đá đã chiếm được và khước từ thương lượng. Ngày 14 tháng 4 năm 1988, Bộ Ngoại giao Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam phản đối việc Quốc hội Trung Quốc sáp nhập hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vào tỉnh Hải Nam (Nghị quyết ngày 13/4/1988 thành lập tỉnh Hải Nam).

Tháng 4/1988, Bộ Ngoại giao Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam công bố Sách trắng "Các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và luật pháp quốc tế".

Ngày 01 tháng 7 năm 1989, tỉnh Phú Khánh được tách làm hai tỉnh: Phú Yên và Khánh Hòa, huyện đảo Trường Sa trực thuộc tỉnh Khánh Hòa.

Ngày 4 tháng 3 năm 1992, Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi Công hàm phản đối "Pháp lệnh về lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải của CHND Trung Hoa". Công hàm khẳng định Việt Nam có chủ quyền không thể tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Ngày 22 tháng 01 năm 1994, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam tuyên bố Việt Nam có quyền kiểm soát đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Việt Nam là nước đầu tiên chiếm hữu và quản lý nhà nước hai quần đảo này từ thế kỷ XVII.

Ngày 23 tháng 6 năm 1994, Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra Nghị quyết phê chuẩn Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển 1982, trong đó có đoạn ghi: "Quốc hội một lần nữa khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và chủ trương giải quyết các vấn đề tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ cũng như các hành động khác có liên quan đến Biển Đông thông qua luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước năm 1982 về Luật Biển của Liên Hợp quốc, tôn trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia ven biển đối với vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa; trong khi nỗ lực thúc đẩy đàm phán để tìm giải pháp cơ bản, lâu dài, các bên liên quan cần duy trì ổn định trên cơ sở giữ nguyên trạng, không có hành động làm phức tạp thêm tình hình, không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực".

Ngày 01 tháng 01 năm 1997, Đà Nẵng tách khỏi tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, huyện đảo Hoàng Sa được đặt dưới sự quản lý của chính quyền thành phố Đà Nẵng. Địa điểm của UBND huyện Hoàng Sa được đặt tại 132 đường Yên Bái, phường Phước Ninh, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng.

Song song với việc tuyển dụng cán bộ nhân viên hành chính ngày 25 tháng 4 năm 2009, UBND Thành phố Đà Nẵng đã ra quyết định bổ nhiệm Chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa.

Ngư dân sinh sống trên xã đảo Sinh Tồn chuẩn bị ra khơi buông lưới đánh bắt cá cải thiện đời sống. Ảnh: qdnd.vn

Ngày 02 tháng 6 năm 1999, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã thông báo lập trường của Việt Nam phản đối lệnh cấm đánh bắt cá tại vùng phía bắc Biển Đông, trong đó có khu vực quần đảo Hoàng Sa, từ ngày 1 tháng 6 đến ngày 31 tháng 7 năm 1999.

Ngày 27 tháng 12 năm 2000, Việt Nam bác bỏ tuyên bố của Trung Quốc ngày 26 tháng 12 năm 2000 nói rằng họ mới là chủ nhân của hai quần đảo mà cả hai nước đều nhận. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định Việt Nam có đầy đủ các bằng chứng pháp lý và lịch sử để chứng minh chủ quyền không thể tranh cãi đối với hai quần đảo này.

Ngày 01 tháng 6 năm 2002, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam phản đối việc Trung Quốc tiếp tục ban hành lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông từ ngày 01 tháng 6 đến ngày 01 tháng 8 năm 2002.

Ngày 24 tháng 4 năm 2003, Việt Nam trao Bản ghi nhớ cho phía Trung Quốc phản đối việc Trung Quốc đưa tàu đến vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa và Thềm lục địa Việt Nam để tiến hành khảo sát địa chấn.

Ngày 29 tháng 01 năm 2004, Bảo tàng Đà Nẵng đã mở cửa Phòng trưng bày những tư liệu lịch sử về huyện đảo Hoàng Sa, Thành phố Đà Nẵng, tại 78 Lê Duẩn, quận Hải Châu, Đà Nẵng. Những tư liệu được trưng bày do UBND huyện Hoàng Sa cung cấp, với gần 100 loại bản đồ, sơ đồ, bút tích, mô hình, tư liệu gốc...

Ngày 02 tháng 10 năm 2004, Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội và Đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc tại Bắc Kinh phản đối và yêu cầu phía Trung Quốc dừng ngay việc tập trận tại khu vực biển quần đảo Hoàng Sa.

Ngày 17 tháng 02 năm 2005, người phát ngôn Bộ Ngoại giao đã lên tiếng phản đối những hoạt động thăm dò, khảo sát của Trung Quốc tại khu vực hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Ngày 28 tháng 12 năm 2006, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng phản đối việc Trung Quốc dựng bia chủ quyền ở Hoàng Sa, lên án việc làm này đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.

Ngày 24 tháng 4 năm 2007, Hội đồng bầu cử Quốc hội đã công bố danh sách ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XII theo từng Đơn vị bầu cử, trong đó có khu vực bầu cử thuộc huyện đảo Hoàng Sa (Đà Nẵng) và huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa).

Ngày 03 tháng 12 năm 2007, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã phản đối Quốc vụ viện Trung Quốc phê chuẩn việc thành lập thành phố Tam Sa để quản lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Ngày 7 tháng 12 năm 2007, tại phiên bế mạc kỳ họp thứ 10 Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng, toàn thể đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố đã thống nhất kiến nghị đưa nội dung lên án và phản đối việc Trung Quốc thành lập thành phố Tam Sa bao gồm quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vào Nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố năm 2008.

Cũng trong thời gian này, các tổ chức người Việt ở nước ngoài đã công bố văn bản khẳng định lập trường của người Việt Nam trên toàn cầu, lên án chủ nghĩa bá quyền Trung Quốc trong việc thành lập thành phố Tam Sa để quản lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Ngày 9 tháng 12 năm 2007, tại Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, hàng trăm người Việt Nam đã xuống đường biểu tình ôn hòa phản đối Trung Quốc vi phạm chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong việc Trung Quốc đã thành lập đơn vị hành chính cấp huyện nhằm quản lý quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Ngày 11 tháng 12 năm 2007, UBND huyện Hoàng Sa đã tổ chức cuộc gặp gỡ với những người đã từng sống và làm việc trên đảo Hoàng Sa. Đó là những cựu nhân viên của trạm quan trắc khí tượng Hoàng Sa, hiện đang sống tại thành phố Đà Nẵng.

Ngày 13 tháng 3 năm 2009, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao đã lên tiếng phản đối quyết định của Trung Quốc cho phép một công ty du lịch mở tuyến du lịch đến quần đảo Hoàng Sa.

Ngày 17 tháng 3 năm 2009, mạng RFA đưa tin, hôm thứ ba, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã tuyên bố Việt Nam đang theo dõi sát sao hoạt động của tàu Ngư chính 311 của Trung Quốc trên Biển Đông và khẳng định rằng Việt Nam có chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Ngày 6 tháng 4 năm 2009, báo Tiền Phong đưa tin các thế hệ gia tộc họ Đặng ở huyện đảo Lý Sơn đã gìn giữ các bản gốc chứng chỉ, sắc phong... của nhà Nguyễn có liên quan đến hoạt động của đội Hoàng Sa. Sáng ngày 9 tháng 4 năm 2009, dòng tộc họ Đặng ở thôn Đồng Hộ, xã An Hải, huyện Lý Sơn tổ chức lễ hiến tặng và bàn giao tờ lệnh quý liên quan đến hoạt động của đội Hoàng Sa cho Nhà nước.

Ngày 25 tháng 4 năm 2009, Thành phố Đà Nẵng đã tổ chức trọng thể lễ Công bố quyết định bổ nhiệm chức danh Chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa cho ông Đặng Công Ngữ.

Ngày 29 tháng 6 năm 2009, tại Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, nhà nghiên cứu Huế, Phan Thuận An, đã bàn giao tờ châu bản có chữ ký và ngự phê của vua Bảo Đại liên quan đến chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa cho Bộ Ngoại giao Việt Nam.

Ngày 16 tháng 11 năm 2009, Việt Nam phản đối về việc ngày 8 tháng 11 năm 2009 chính quyền tỉnh Hải Nam đã quyết định thành lập ủy ban thôn đảo Vĩnh Hưng và Triệu Thuật, tức là đảo Phú Lâm và Đảo Cây thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Ngày 15 tháng 6 năm 2010, Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội phản đối các hoạt động của Trung Quốc ở quần đảo Hoàng Sa, trong đó có việc Trung Quốc đã thuê tàu Panama (M/V Western Spirit) tiến hành khảo sát địa chấn khu vực xung quanh đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa.

Ngày 22 tháng 6 năm 2010, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng phản đối việc Ủy ban Cải cách và Phát triển nhà nước Trung Quốc đã phê duyệt "Cương yếu quy hoạch xây dựng và phát triển đảo du lịch quốc tế Hải Nam năm 2010 - 2020", bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, trong đó có kế hoạch tăng cường mở tuyến du lịch đường không và đường biển ra quần đảo Hoàng Sa.

Ngày 6 tháng 11 năm 2010, Việt Nam phản đối việc Cục Đo đạc và Bản đồ quốc gia Trung Quốc đã khai trương mạng Map World, thể hiện đường biên giới biển 9 đoạn bao trùm 80% Biển Đông.

Ngày 17 tháng 2 năm 2011, trước việc Trung Quốc tiến hành tập trận tại khu vực quần đảo Hoàng Sa, tại cuộc họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã yêu cầu Trung Quốc chấm dứt mọi hoạt động vi phạm chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo này, yêu cầu Trung Quốc thực hiện nghiêm túc Tuyên bố về cách ứng xử Biển Đông (DOC), góp phần giữ gìn hòa bình, ổn định ở Biển Đông.

Ngày 3 tháng 5 năm 2011, Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hợp quốc đã gửi thư lên Ban phụ trách các vấn đề đại dương và Luật Biển nêu rõ quan điểm của Việt Nam đối với hai văn bản do Philippines và Trung Quốc gửi lên Tổng Thư ký Liên Hợp quốc trước đó và khẳng định hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ của Việt Nam, Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo này.

Ngày 24 tháng 11 năm 2011, Bộ Ngoại giao Việt Nam tuyên bố phản đối chính quyền tỉnh Hải Nam ngày 22 tháng 11 năm 2011 đã cấp phép cho 1 công ty du lịch đưa khách đi tham quan từ Hải Nam đến quần đảo Hoàng Sa, khẳng định việc làm này là vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.

Điểm qua các sự kiện chủ yếu xảy ra có liên quan đến quần đảo Hoàng Sa trong các giai đoạn khác nhau, với những diễn biến thăng trầm của lịch sử, chúng ta hoàn toàn có đủ cơ sở để khẳng định được rằng: Nhà nước Việt Nam là nhà nước đầu tiên trong lịch sử đã chiếm hữu và thực thi chủ quyền của mình tại quần đảo Hoàng Sa, ít nhất là từ thế kỷ XVII. Việc chiếm hữu và thực thi chủ quyền này là thực sự, liên tục, hòa bình phù hợp với nguyên tắc của luật pháp và thực tiễn quốc tế.

(Còn nữa)

Tòa soạn

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy