Sàng lọc trước sinh và sơ sinh: Tăng cơ hội sinh con khỏe mạnh

Thực hiện sàng lọc trước sinh và sơ sinh là biện pháp dự phòng hiệu quả giúp phát hiện, chẩn đoán những bất thường của trẻ từ khi ở trong bào thai đến khi được sinh ra. Từ đó, đưa ra các biện pháp can thiệp kịp thời, giúp thai nhi và trẻ sơ sinh phát triển khỏe mạnh, từng bước nâng cao chất lượng dân số.

Cán bộ Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh truyền thông về lợi ích của sàng lọc trước sinh và sơ sinh cho người dân xã An Đổ, Bình Lục.

Sàng lọc trước sinh và sơ sinh là hai quy trình tách biệt. Sàng lọc trước sinh chủ yếu sử dụng hình thức siêu âm chẩn đoán xác định các trường hợp bệnh do rối loạn di truyền nhiễm sắc thể ở giai đoạn bào thai, như: hội chứng Down, rối loạn di truyền, dị tật ống thần kinh, khuyết tật về tim… Còn kỹ thuật sàng lọc sơ sinh là biện pháp dự phòng hiện đại giúp phát hiện sớm các bệnh lý ngay trong những ngày đầu bé chào đời. Tốt nhất là sau 48 giờ sau sinh, trẻ được nhân viên y tế dùng giấy thấm khô chuyên biệt để lấy mẫu máu ở gót chân phục vụ cho quá trình thực hiện các xét nghiệm cần thiết. Từ đó, phát hiện kịp thời tình trạng thiếu hụt men G6PD, suy giáp bẩm sinh, tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh hay tử vong sớm do tan máu bẩm sinh… Khi được phát hiện và điều trị sớm, sức khỏe của bé sẽ hoàn toàn khỏe mạnh như những đứa trẻ bình thường khác.

Những năm qua, nhờ công tác truyền thông được đẩy mạnh với nội dung, hình thức đa dạng nên nhận thức của người dân về thực hiện tầm soát, chẩn đoán sớm bệnh tật lúc chuẩn bị và đang mang thai, sau khi sinh được nâng lên khá nhiều. Hầu hết phụ nữ mang thai được tư vấn, quản lý và khám thai định kỳ đúng quy định. Việc khám sức khỏe tiền hôn nhân cũng được các cặp đôi ngày càng chú trọng.

Ông Tạ Văn Hòa, Trưởng phòng Truyền thông-Dân số, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) tỉnh khẳng định: Cả hai biện pháp sàng lọc trên đều rất cần thiết đối với sự phát triển của trẻ. Bởi một số bệnh nếu được phát hiện, điều trị sớm ngay từ giai đoạn bào thai và sơ sinh sẽ giúp trẻ tránh được những hậu quả nặng nề trong quá trình phát triển về trí tuệ và thể chất. Thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng dân số thông qua tuyên truyền, vận động phát hiện, can thiệp sớm tật, bệnh ở thai nhi và sơ sinh”, năm 2019, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh đã sàng lọc trước sinh cho 5.710 bà mẹ mang thai, đạt tỷ lệ 67,1%; sàng lọc sơ sinh cho 3.070 trẻ, đạt 23,5%. Cấp phát trên 20.000 tờ rơi tuyên truyền về lợi ích của việc sàng lọc trước sinh và sơ sinh. Trang bị kiến thức về sàng lọc trước sinh, sơ sinh, chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng cho gần 5.500 phụ nữ mang thai và phụ nữ chuẩn bị mang thai tại 86 xã, phường, thị trấn.

Dù đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhưng công tác DS-KHHGĐ tỉnh hiện vẫn còn một số khó khăn, hạn chế. Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên và tỷ số mất cân bằng giới tính khi sinh có chiều hướng gia tăng. Tỷ lệ lấy máu gót chân trẻ sơ sinh để sàng lọc còn rất thấp so với tổng số trẻ được sinh ra trong năm. Nguồn kinh phí cấp cho các chương trình, đề án còn hạn chế. Do vậy, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hạn chế đến mức thấp nhất người khuyết tật do các bệnh bẩm sinh gây ra là một trong những vấn đề được đặc biệt chú trọng để nâng cao chất lượng dân số. Nghị quyết số 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về công tác dân số trong tình hình mới cũng đặt mục tiêu đến năm 2030, duy trì vững chắc mức sinh thay thế; 70% phụ nữ mang thai được tầm soát ít nhất bốn loại bệnh tật bẩm sinh phổ biến nhất; 90% trẻ sơ sinh được tầm soát ít nhất năm bệnh bẩm sinh phổ biến nhất…

Sàng lọc trước sinh và sơ sinh không chỉ là chuyện cá nhân của mỗi gia đình mà là bước đi lâu dài của ngành dân số nói riêng và cả xã hội nói chung vì mục tiêu cải thiện, nâng cao chất lượng giống nòi và sự phồn vinh của xã hội, hướng tới một tương lai hạn chế đến mức thấp nhất người khuyết tật do các bệnh bẩm sinh gây ra. Do đó, để thực hiện mục tiêu mà Nghị quyết 21 đề ra cũng như góp phần nâng cao chất lượng các dịch vụ sàng lọc trước sinh và sơ sinh; Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh đang đề xuất Sở Y tế tham mưu với UBND tỉnh triển khai xã hội hóa dịch vụ tầm soát, chẩn đoán sớm bệnh tật trước sinh và sơ sinh, huy động các cơ sở khám, chữa bệnh công lập và ngoài công lập, các cơ sở y tế tham gia cung cấp dịch vụ sàng lọc trước sinh và sơ sinh có chất lượng. 

Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động truyền thông; lồng ghép tuyên truyền về tầm quan trọng của sàng lọc trước sinh và sơ sinh vào các hoạt động trọng tâm của ngành đang được triển khai tại cộng đồng, như: tiêm chủng mở rộng, chiến dịch truyền thông lồng ghép với dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản; mô hình “Tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân”, “Hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái”… Cùng với sự nỗ lực của ngành dân số, mỗi gia đình, đặc biệt là những phụ nữ có ý định mang thai hãy quan tâm, chủ động thực hiện khám sàng lọc ngay từ khi mang thai để sinh ra những em bé khỏe mạnh, bảo đảm cho sự phát triển tốt cả về thể chất và trí tuệ sau này của trẻ.

Hoàng Hải

Hải Yến

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.