Nỗ lực thực hiện các chỉ tiêu giáo dục và đào tạo

Căn cứ theo các chỉ tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và các mục tiêu phát triển giáo dục và đào tạo chung, ngành giáo dục đã chủ động xây dựng các chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể cho phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực… Qua những năm thực hiện đổi mới giáo dục và đào tạo, thấy rõ những kết quả đáng phấn khởi và sự nỗ lực của toàn ngành. Kết quả đó không chỉ khẳng định vị thế của ngành giáo dục và đào tạo Hà Nam trong quá trình đổi mới, mà còn góp phần không nhỏ vào việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Những con số ấn tượng

Những năm qua, hệ thống trường lớp trên địa bàn tỉnh đã được bố trí, sắp xếp, xây dựng theo yêu cầu của Quy hoạch phát triển giáo dục và đào tạo Hà Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; bảo đảm tính lâu dài, bố trí hợp lý, đáp ứng nhu cầu học tập của người dân. Đến nay, mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên tiếp tục được duy trì, ổn định. Theo đó, toàn tỉnh có 371 trường mầm non, phổ thông cùng hệ thống trung tâm giáo dục thường xuyên hướng nghiệp tỉnh, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên huyện, các trung tâm học tập cộng đồng cấp xã, phường, thị trấn và các trường đại học, cao đẳng, trung cấp đứng chân trên địa bàn.

Nỗ lực thực hiện các chỉ tiêu giáo dục và đào tạo
Một tiết học của cô và trò Trường THPT B Phủ Lý.

 Tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở giáo dục triển khai thực hiện các nhiệm vụ giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chủ động tham mưu với UBND tỉnh và tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành tạo cơ chế xây dựng, đẩy nhanh tiến độ, bàn giao cơ sở vật chất phục vụ dạy và học. Đến năm học 2022 - 2023, toàn ngành có gần 6.400 phòng học các cấp, tỉ lệ phòng học kiên cố đạt trên 99,7%. Tổng kinh phí xây mới và sửa chữa các hạng mục công trình trong các nhà trường trên địa bàn toàn tỉnh trung bình mỗi năm lên tới hàng chục tỉ đồng. Sự quan tâm đầu tư này có giá trị rất lớn giúp toàn ngành đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia. Đến nay, tổng số trường công lập thuộc tỉnh đạt chuẩn quốc gia là 369 trường (đạt 99,45%), trong đó 100% trường mầm non, 100% trường tiểu học, 99,1% trường THCS và 95,65% trường THPT đạt chuẩn; tỉ lệ trường học các cấp đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 chiếm trên 48,5%. Các xã, thị trấn đều hoàn thành tiêu chí số 5 về xây dựng trường học và tiêu chí số 14 về giáo dục và đào tạo trong xây dựng nông thôn mới. Đây là nền tảng quan trọng giúp các cơ sở giáo dục và toàn ngành có điều kiện triển khai hiệu quả các nhiệm vụ giáo dục theo từng năm học.

Về chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn, tỉ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp các cấp, kết quả thi học sinh giỏi… cũng ghi nhiều dấu ấn. Từ năm 2016 đến năm 2022, tỉ lệ tốt nghiệp THPT của tỉnh luôn đạt ngưỡng cao, bình quân đạt trên 97%/năm; điểm trung bình tất cả các môn thi của tỉnh thường xuyên ở vị trí tốp đầu cả nước. Chất lượng giáo dục của tỉnh được khẳng định mạnh mẽ hơn nữa khi đạt được nhiều giải cao trong các cuộc thi khu vực, quốc tế và các kỳ thi chọn học sinh giỏi. Mỗi năm học, tỉnh ta đều có gần 50 học sinh đạt giải trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia. Đặc biệt, trong năm học 2021 - 2022 vừa qua, từ giáo dục mũi nhọn đã giúp Hà Nam có thêm 1 tấm Huy chương Vàng Olympic Hóa học quốc tế, tạo dấu ấn và niềm tự hào cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo.

Quan tâm phát triển nhân lực giáo dục

Thực hiện mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, ngành giáo dục luôn xác định con người, đội ngũ là yếu tố quan trọng nhất làm nên chất lượng các chỉ tiêu, nhiệm vụ giáo dục. Theo đó, ngành chủ động thực hiện và phối hợp thực hiện công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ quản lý; thăng hạng, bổ nhiệm hạng chức danh cho đội ngũ ở các cơ sở giáo dục. Công tác tuyển dụng, bổ sung đội ngũ được thực hiện thường xuyên, liên tục đáp ứng kịp thời các yêu cầu và tạo sự ổn định, bảo đảm về năng lực chuyên môn nghiệp vụ, đồng bộ về cơ cấu, đáp ứng tốt các yêu cầu thực tế. Việc sử dụng đội ngũ cũng được chủ trương thực hiện theo hướng tiết kiệm tối đa; bảo đảm đúng biên chế được giao và cơ cấu giáo viên cho các nhà trường. Hiện, tỉ lệ giáo viên của cấp học mầm non đạt 1,88 giáo viên/lớp; cấp tiểu học đạt 1,27 giáo viên/lớp; cấp THCS đạt 1,85 giáo viên/lớp; cấp THPT đạt 2,15 giáo viên/lớp. Năm 2022, biên chế được giao cho ngành giáo dục là 1.400 biên chế, trong đó số viên chức hiện có là 1.330 người (gồm 70 cán bộ quản lý và 1.245 giáo viên, 15 nhân viên) và 70 lao động hợp đồng trong chỉ tiêu biên chế được giao.

Nỗ lực thực hiện các chỉ tiêu giáo dục và đào tạo
Học sinh Trường Tiểu học Hòa Mạc (Duy Tiên) đọc sách tại “Thư viện xanh” trong sân trường.

Ông Phạm Anh Tuấn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Để nâng cao chất lượng nhân lực giáo dục, ngành đã quan tâm thực hiện tốt công tác bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục các cấp; nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, phẩm chất, năng lực; cử cán bộ công chức, viên chức tham gia bồi dưỡng kiến thức, kĩ năng theo yêu cầu vị trí việc làm; kịp thời triển khai đào tạo nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên các cấp học. Sở Giáo dục và Đào tạo cũng chủ động tham mưu với UBND tỉnh có kế hoạch về thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn tỉnh theo từng năm. Tỉ lệ giáo viên có trình độ đạt chuẩn trở lên ở các cấp học ngày càng hoàn thiện với 93,7% ở cấp mầm non (trong đó trên chuẩn 38,6%), ở cấp tiểu học là 69,2% (trong đó trên chuẩn 7,7%), cấp THCS đạt 89,18% (trong đó trên chuẩn 12%) và cấp THPT đạt 100% (trong đó trên chuẩn 20,3%). Hằng năm, tỉ lệ giáo viên được xếp loại năng lực khá, tốt ở mức cao, hầu hết giáo viên các cấp học đều hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Mục tiêu về xây dựng đội ngũ theo hướng ổn định và phát triển đã được quan tâm thực hiện tốt, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nhất là đáp ứng yêu cầu giảng dạy chương trình giáo dục phổ thông mới.

Nhiệm vụ và các mục tiêu mới

Đến nay, việc thực hiện Quy hoạch phát triển giáo dục và đào tạo tỉnh Hà Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của tỉnh đã cơ bản hoàn thành nhiều mục tiêu như: Mạng lưới trường lớp cơ bản bảo đảm theo kế hoạch; chất lượng giáo dục được giữ vững và có bước phát triển; quan tâm thu hút, phát triển giáo dục chuyên nghiệp và dạy nghề… Trên cơ sở chỉ đạo của tỉnh và điều kiện thực tế, ngành giáo dục tiếp tục rà soát, dự báo số liệu khảo sát ở tất cả các cấp học, từng giai đoạn để đề xuất các mục tiêu về phát triển giáo dục và đào tạo.

Trong đó, tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với giáo dục mầm non; giải quyết tình trạng thiếu giáo viên; tăng cường các điều kiện để nâng cao chất lượng thực hiện chương trình giáo dục mầm non; quyết tâm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới, tích cực chuẩn bị các điều kiện thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đúng lộ trình; nâng cao chất lượng công tác tổ chức thi, kiểm tra, đánh giá, đặc biệt là kỳ thi tốt nghiệp THPT, giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng trong giáo dục phổ thông; tiếp tục đổi mới công tác quản trị, tăng quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục phổ thông. Đồng thời, thực hiện đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện dồn dịch các điểm trường lẻ, sáp nhập các cơ sở giáo dục có quy mô nhỏ tại các địa phương để có sự điều chỉnh thực hiện quy hoạch mạng lưới trường lớp và tăng cường các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục, nâng cao hiệu quả đầu tư, phù hợp với nhu cầu xã hội.

Tiếp tục quan tâm nâng cao hơn nữa chất lượng đội ngũ các cấp; thường xuyên rà soát, sắp xếp lại đội ngũ giáo viên gắn với việc bảo đảm các quy định về định mức số lượng giáo viên đối với các cấp học và trình độ đào tạo. Đồng thời, xây dựng và thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu thực tế; thực hiện tốt các chính sách phát triển đội ngũ: Thăng hạng chức danh nghề nghiệp, chế độ tiền lương và các phụ cấp theo lương, trợ cấp khác; đánh giá giáo viên bảo đảm thực chất, gắn với khen thưởng nhằm nâng cao đời sống, tạo động lực cho đội ngũ nhà giáo chuyên tâm với nghề.

Toàn ngành tập trung thực hiện tốt mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục cơ bản, giáo dục chất lượng cao ở cấp phổ thông; củng cố và nâng cao năng lực trường THPT chuyên trong việc bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia, quốc tế và dạy thí điểm song ngữ đối với một số môn học… góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và giữ vững chất lượng giáo dục phổ thông, giáo dục mũi nhọn ở thứ hạng cao trong cả nước. Tích cực triển khai thực hiện Đề án nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển kinh tế, tiếp tục thực hiện chế độ chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức được cử đi đào tạo sau đại học và chính sách thu hút nguồn nhân lực có trình độ cao. Xây dựng và thực hiện hiệu quả các đề án về giáo dục; tăng cường đổi mới quản lý nhà nước trong tổ chức hoạt động dạy và học cũng như công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên; nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ ở các cấp học; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục; đẩy mạnh việc phân cấp và thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở giáo dục theo quy định.

Thanh Hà

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.