Ngày Quốc tế Lao động và những hoạt động hưởng ứng tại Việt Nam

Để ghi nhận thành quả phong trào đấu tranh của công nhân, ngay trong Đại hội thành lập Quốc tế thứ II (ngày 14/7/1889), các đại biểu của giai cấp công nhân các nước đã thông qua nghị quyết lấy ngày 1/5 làm ngày đoàn kết đấu tranh của công nhân lao động trên toàn thế giới. Từ đó ngày 1/5 chính thức trở thành Ngày Quốc tế Lao động.

Từ nửa cuối thế kỷ XIX, cùng với sự phát triển mạnh của nền kinh tế tư bản, giai cấp tư sản cũng ra sức bóc lột, bần cùng hóa công nhân lao động, dẫn đến mâu thuẫn giai cấp và các cuộc đấu tranh giữa giai cấp vô sản với giai cấp tư sản càng trở nên gay gắt. Trong cuộc đấu tranh đó, vấn đề thời gian lao động luôn có ý nghĩa rất quan trọng, thu hút sự quan tâm của công nhân lao động các ngành, giới. Chính vì thế, ngay sau khi thành lập Quốc tế I (năm 1864), C.Mác đã luôn coi việc rút ngắn thời gian lao động là nhiệm vụ đấu tranh trọng tâm của giai cấp vô sản. Tại Đại hội lần thứ nhất của Quốc tế I (họp tại Geneva, Thụy Sĩ, tháng 9/1866), nhiệm vụ tổ chức đấu tranh đòi ngày làm việc 8 giờ được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng của phong trào công nhân. Sau đó, khẩu hiệu “Ngày làm 8 giờ” bắt đầu xuất hiện ở một số nơi tại nước Anh (nước có nền công nghiệp phát triển sớm nhất thế giới) và nhanh chóng lan sang các nước khác.

Ngày Quốc tế Lao động và những hoạt động hưởng ứng tại Việt Nam
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Nhà máy bóng đèn phích nước Rạng Đông, Hà Nội (28/4/1964). Ảnh: hochiminh.vn

Với nước Mỹ, từ một quốc gia có nền kinh tế lạc hậu, phụ thuộc vào châu Âu đã nhanh chóng phát triển trở thành nước công nghiệp hàng đầu thế giới. Các nhà tư bản nước Mỹ lao vào cuộc chạy đua cạnh tranh tư bản quyết liệt. Các guồng máy chạy hết công suất, hàng vạn công nhân bị buộc làm việc 14 - 18 giờ/ngày, phụ nữ cũng bị buộc lao động với cường độ không kém trong khi đồng lương chỉ bằng 1/2 nam giới, cả tuần không có ngày nghỉ; trẻ em phải làm việc 12 giờ/ngày. Trong bối cảnh đó, ngày 1/5/1886, tại thành phố Chi-ca-gô (trung tâm thương nghiệp của Mỹ), hưởng ứng lời kêu gọi của Liên đoàn Lao động Mỹ, hàng chục ngàn công nhân toàn thành phố đã tiến hành bãi công, tổ chức mít tinh, biểu tình trên đường phố. Khẩu hiệu “Ngày làm việc 8 giờ” trở thành tiếng nói chung của giai cấp công nhân ở khắp các nhà máy thuộc thành phố Chi-ca-gô, khiến chính quyền tư sản tại đây rơi vào thế lúng túng, bị động. Cuộc đấu tranh vì mục tiêu dân sinh, dân chủ và tiến bộ xã hội của công nhân lao động thành phố Chi-ca-gô sau đó bị đàn áp đẫm máu, song đã tạo được sự hưởng ứng, ủng hộ mạnh mẽ của công nhân trên khắp nước Mỹ. Ở châu Âu, công nhân các nước Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Hà Lan… cũng tổ chức nhiều cuộc mít tinh bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ với phong trào đấu tranh của công nhân Mỹ.

Để ghi nhận thành quả phong trào đấu tranh của công nhân, ngay trong Đại hội thành lập Quốc tế thứ II (ngày 14/7/1889), các đại biểu của giai cấp công nhân các nước đã thông qua nghị quyết lấy ngày 1/5 làm ngày đoàn kết đấu tranh của công nhân lao động trên toàn thế giới. Từ đó ngày 1/5 chính thức trở thành Ngày Quốc tế Lao động.

Thực hiện nghị quyết của Quốc tế thứ II, ngày 1/5/1890, lần đầu tiên Ngày Quốc tế Lao động được kỷ niệm với quy mô toàn thế giới. Công nhân ở các nước Mỹ, Canada, Pháp, Đức, Áo, Đan Mạch, Bỉ, Thụy Điển, Hà Lan, Ý và nhiều nước khác đã đồng loạt tiến hành bãi công, mít tinh, xuống đường biểu tình, mang theo biểu ngữ “Ngày làm 8 giờ”, “Vô sản tất cả các nước đoàn kết lại”... Ngày Quốc tế Lao động 1/5 sau đó đã trở thành ngày lễ chính thức tại nhiều quốc gia trên thế giới, dành để tôn vinh lao động, là ngày hội đoàn kết của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới trong cuộc đấu tranh hướng tới mục tiêu hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, tiến bộ xã hội.

Với Việt Nam, từ những năm đầu của thế kỷ XX, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê nin vào Việt Nam, giúp công nhân lao động Việt Nam hiểu rõ về phong trào cộng sản, công nhân, công đoàn thế giới, nhất là về Cách mạng Tháng Mười Nga và Ngày Quốc tế Lao động 1/5. Ngày 1/5/1925, công nhân khu vực Chợ Lớn, Sài Gòn (nay là Thành phố Hồ Chí Minh), công nhân đường sắt Dĩ An (nay thuộc tỉnh Bình Dương) và công nhân thành phố cảng Đà Nẵng đã rầm rộ tổ chức biểu tình, bày tỏ tình đoàn kết và ý chí ủng hộ, bảo vệ Liên bang Xô - Viết. Tháng 2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và ngay trong Cương lĩnh đầu tiên, Đảng ta đã xác định vai trò, sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân Việt Nam là giai cấp lãnh đạo cách mạng, lực lượng nòng cốt trong khối liên minh công - nông. Phong trào đấu tranh ngày 1/5/1930 đã mở đầu cho cao trào cách mạng 1930 - 1931. Lần đầu tiên dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự hướng dẫn, vận động của tổ chức Công hội đỏ, công nhân cùng nông dân đã tiến hành mít tinh, biểu tình kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động 1/5, đấu tranh đòi quyền lợi, bày tỏ tình đoàn kết với công nhân lao động toàn thế giới. Tiếp đó, trong các cao trào đấu tranh cách mạng giai đoạn 1936-1939 và cao trào đấu tranh cách mạng tiến tới Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8/1945, giai cấp công nhân Việt Nam luôn thể hiện vai trò lực lượng tiên phong, nòng cốt, đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

Sau khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, ngay trong thời gian đầu xây dựng, củng cố, bảo vệ nhà nước công nông non trẻ với bao khó khăn, thử thách, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 22c (ngày 18/2/1946) quy định ngày 1/5 là một trong những ngày lễ chính thức của nước ta. Tiếp đó, ngày 29/4/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 56 quy định công nhân được hưởng lương trong ngày nghỉ lễ Quốc tế Lao động 1/5. Và ngày 1/5/1946, lần đầu tiên trong lịch sử nước ta, Ngày Quốc tế Lao động được tổ chức kỷ niệm trọng thể tại Thủ đô Hà Nội với sự tham dự của 20 vạn nhân dân lao động. Từ đó, Ngày Quốc tế Lao động 1/5 hằng năm là một trong những ngày lễ lớn của đất nước, ngày hội đoàn kết của giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam.

Ngày Quốc tế Lao động và những hoạt động hưởng ứng tại Việt Nam
Sản xuất quần áo thời trang tại Công ty thời trang GenViet (CCN Cầu Giát, Duy Tiên).  Ảnh: Trương Dũng

Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, ngày 1/5/1951, trong lời kêu gọi nhân Ngày Quốc tế Lao động, Bác Hồ xác định “Trọng tâm thi đua là: Quân đội thi đua giết giặc lập công. Công nhân thi đua tăng gia sản xuất. Nông dân thi đua sản xuất lương thực. Trí thức thi đua sáng tác, phát minh. Cán bộ thi đua cần, kiệm, liêm, chính. Toàn dân thi đua tích cực tham gia kháng chiến”. 

Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trong “Lời kêu gọi nhân Ngày Quốc tế Lao động” (1/5/1958), Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Hôm nay, cùng với nhân dân lao động toàn thế giới, chúng ta nhiệt liệt chào mừng Ngày 1/5 trong lòng đầy tin tưởng và phấn khởi quyết tâm vượt mọi khó khăn, tiến lên làm tròn những nhiệm vụ mới...”. Tiếp đó, ngày 1/5/1964, nhân Ngày Quốc tế Lao động, Bác Hồ gửi điện khen ngợi thanh niên trên công trường khôi phục đường sắt Thanh Hoá - Vinh, trong đó có việc xây lại cầu Hàm Rồng.

Kể từ sau năm 1975, hoạt động kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động 1/5 hằng năm ở Việt Nam càng có ý nghĩa sâu sắc hơn khi được hòa đồng cùng với hoạt động kỷ niệm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Đây là dịp giai cấp công nhân và nhân dân lao động cả nước ôn lại truyền thống đấu tranh chống ngoại xâm và sôi nổi hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước. Đây cũng là dịp chúng ta bày tỏ lòng tưởng nhớ, biết ơn sâu sắc đối với Bác Hồ kính yêu, vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc ta, người có công rất lớn giúp chúng ta ý thức được đầy đủ hơn ý nghĩa lịch sử và tác động của việc kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động 1/5, từ đó thêm tin tưởng, quyết tâm đi theo con đường cách mạng mà Đảng và Bác kính yêu đã lựa chọn. 

Thế Vĩnh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy