Năm 2018, tỷ số mất cân bằng giới tính khi sinh tăng cao

Năm 2018, tỷ số giới tính khi sinh (GTKS) của Hà Nam là 113,6 trẻ trai/100 trẻ gái, tăng 0,8 điểm % so với cùng kỳ năm 2017 và tăng 0,6 điểm % so với kế hoạch đặt ra. Với mức tăng này đã đưa Hà Nam là một trong những tỉnh có tỷ số GTKS cao của khu vực Đồng bằng sông Hồng - khu vực được coi có tình trạng mất cân bằng giới cao nhất cả nước.

“Không đẻ con trai ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình?”

Đó là câu chuyện tôi nghe được từ cán bộ chuyên trách dân số ở một xã của huyện Thanh Liêm. Đã có 10 năm thâm niên làm công tác dân số, chị cho biết dù xã hội đã tiến bộ hơn nhiều nhưng phụ nữ nông thôn vẫn còn rất nhiều thiệt thòi, bị phụ thuộc vào chồng và gia đình nhà chồng cùng những quan niệm lạc hậu. Một trong những quan niệm đó là phải có con trai để nối dõi tông đường.

Chị cho biết thực ra nhiều chị em nông thôn cũng đã nhận thức được rõ sinh nhiều con mình khổ, con khổ nên chỉ muốn sinh vừa đủ. Nhưng rất khó, chị em phải chịu áp lực rất lớn từ chồng, gia đình nhà chồng về việc phải có con trai. Có gia đình đã có 3 con gái nhưng người vợ hiện tiếp tục mang thai lần thứ 4 trong tâm trạng lo âu thấp thỏm. Người chồng nói phải đẻ bằng được con trai mới thôi, nếu không anh ta sẽ đi lấy vợ khác. Anh chồng nói thật chứ không hề dọa. Và vì hạnh phúc gia đình, người vợ đành phải cắn răng đẻ tiếp.

Thực tế ở địa phương và các vùng lân cận đã có không ít trường hợp vì vợ không đẻ được con trai nên người chồng hoặc tìm cách ly dị, hoặc đi tìm người phụ nữ khác ở bên ngoài, dẫn đến gia đình tan đàn xẻ nghé hoặc suốt ngày lục đục vì chuyện vợ nọ con kia.

Chị cán bộ dân số cũng chia sẻ chính vì điều này mà những bà vợ ở nông thôn đã nghĩ ra một cách khác: Cố gắng có con trai ngay từ lần sinh đầu và lần sinh thứ 2. Như thế vừa không phải sinh nhiều, vừa vẫn có con trai để chồng hài lòng. Thường trước đây sau khi sinh xong con thứ 2 mà không có con trai, các gia đình mới tìm    cách để sinh được con trai. Đây có thể là một trong những lý do khiến tỷ lệ mất cân bằng giới tính tiếp tục tăng cao, trong khi tỷ lệ sinh giảm.

Ngoài ra, việc nới hình thức kỷ luật đối với cán bộ, đảng viên sinh con thứ 3 trở lên cũng là lý do khiến không ít gia đình có 2 con gái cố sinh thêm con trai. Cũng không ít gia đình dù đã có đủ “nếp, tẻ” nhưng vẫn sinh thêm con để “dự phòng”, để cho đông anh em, và thường họ muốn sinh nhiều con trai hơn. 

 Ở các khu dân cư, trường học luôn thấy rõ số trẻ trai nhiều hơn số trẻ gái. Trong một ngõ xóm ở thôn 2, xã Phù Vân, TP. Phủ Lý có 7 hộ gia đình với 13 trẻ em thì chỉ có 2 cháu gái, còn lại có tới 11 cháu trai. Trong ảnh: Một số cháu trai của các gia đình trong ngõ. Ảnh: Đan Vũ

86/116 xã, phường, thị trấn của tỉnh có số trẻ trai sinh ra nhiều hơn trẻ gái

Số liệu từ Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình tỉnh, năm 2018, toàn tỉnh có tổng số 12.939 trẻ em được sinh ra, giảm 56 trẻ so với cùng kỳ năm 2017 (tương đương 0,4%), trong đó số trẻ trai là 6.880 trẻ, trẻ gái là 6.059 trẻ. Số trẻ sinh ra là con thứ 3 trở lên là 1.809 trẻ,  chiếm 14%, tăng 3,76% so với năm 2017 và tăng 4,16% so với kế hoạch.

Huyện Bình Lục là đơn vị có tỷ số mất cân bằng GTKS cao nhất tỉnh: 118,8 trẻ trai/100 trẻ gái, có 12/19 xã, thị trấn tỷ lệ trẻ trai sinh ra nhiều hơn so với trẻ gái. Có những xã số trẻ trai sinh ra cao hơn nhiều so với trẻ gái, như ở An Lão có 88 trẻ trai nhưng chỉ có 54 trẻ gái; An Mỹ 48 trẻ trai, 32 trẻ gái; La Sơn 52 trẻ trai, 36 trẻ gái; An Đổ 61 trẻ trai, 44 trẻ gái.

Cao thứ hai toàn tỉnh, sau huyện Bình Lục là huyện Lý Nhân, 114,6 trẻ trai/100 trẻ gái, huyện Kim Bảng 113,8 trẻ trai/100 trẻ gái, Duy Tiên 112,1 trẻ trai/100 trẻ gái.

Trong tỉnh, có những địa phương chênh lệch tỷ số GTKS cao ngất ngưởng như: xã Thanh Nguyên (huyện Thanh Liêm) 169 trẻ trai/100 trẻ gái; xã Châu Sơn (Duy Tiên) 166,7 trẻ trai/100 trẻ gái; xã Bắc Lý (Lý Nhân) 160,7 trẻ trai/100 trẻ gái; xã Tiên Hiệp (TP. Phủ Lý), Tiên Ngoại (Duy Tiên) 160 trẻ trai/100 trẻ gái,...

Toàn tỉnh có 86/116 xã, phường, thị trấn có số trẻ trai sinh ra nhiều hơn trẻ gái.

Nhiều năm qua, tỷ số mất cân bằng GTKS luôn năm sau cao hơn năm trước. Hậu quả của việc thiếu phụ nữ, dư thừa đàn ông đã được dự báo trước. Đã có các giải pháp được đưa ra nhưng việc thực hiện còn nhiều bất cập, hiệu quả còn thấp. Nhận thức của người dân về vấn đề này còn chưa cao. Các biện pháp kiểm soát lựa chọn giới tính thai nhi chưa mang lại hiệu quả.                    

Đỗ Hồng

Đỗ Hồng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.