Cháu bé 11 tuổi ở Vũ Bản mắc viêm não Nhật Bản

Tuần qua theo dõi từ hệ thống phần mềm báo cáo bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh ghi nhận 1 trường hợp có địa chỉ tại xã Vũ Bản, huyện Bình Lục có kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh viêm não Nhật Bản nằm điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

Điều tra dịch tễ của Trung tâm Y tế huyện Bình Lục cho thấy, cháu bé sinh năm 2007 và đã tiêm 2 mũi vắc-xin phòng bệnh viêm não Nhật Bản. Hiện ở địa phương không có ca nào bị mắc bệnh như cháu. Trước thời gian bị bệnh cháu có đi chơi ở Hà Nội 1 ngày. Như vậy, toàn tỉnh từ đầu năm đến nay ghi nhận 2 trường hợp mắc bệnh viêm não Nhật Bản.

Vệ sinh nơi ở và xung quanh là một trong những cách phòng bệnh viêm não Nhật Bản (Trong ảnh: Phun thuốc khử khuẩn ở xã Phù Vân, thành phố Phủ Lý sau đợt mưa lớn  kéo dài)

Theo bác sỹ ở Bệnh viện Nhi trung ương, bệnh viêm não Nhật Bản là một bệnh nhiễm khuẩn thần kinh. Bệnh lây truyền sang người do muỗi đốt (muỗi đốt vật bị bệnh, thường là chim và lợn, sau đó đốt sang người sẽ lây bệnh). Bệnh có tỷ lệ tử vong cao, tử vong thường xảy ra trong 7 ngày đầu khi bệnh nhân có hôn mê sâu, co giật và những triệu chứng tổn thương hành não. Những bệnh nhân qua khỏi có thể để lại những di chứng nặng nề mà hay gặp là rối loạn tâm thần, rối loạn vận động.

Tiêm vắc-xin đầy đủ là cách tốt nhất phòng bệnh này. Trẻ tiêm vắc-xin không đầy đủ vẫn dễ bị mắc bệnh. Để phòng bệnh, ngoài tiêm vắc-xin đầy đủ cần luôn vệ sinh nơi ở sạch sẽ, ngủ màn để không bị muỗi đốt, không để khu chăn nuôi gần nơi ở. Khi trẻ có dấu hiệu sốt cao cùng với các triệu chứng tổn thương hệ thần kinh trung ương cần đưa ngay đến cơ sở y tế để được khám và điều trị.

* Trong chương trình tiêm chủng mở rộng, vắc-xin phòng bệnh Viêm não Nhật Bản được tiêm chủng mũi 1 cho trẻ lúc 12 tháng tuổi, mũi 2 cách mũi 1 từ 1 đến 2 tuần và mũi 3 cách mũi 2 tối thiểu 1 năm. Mũi nhắc lại: Sau mỗi 3-4 năm để tăng cường kháng thể.

3 mũi tiêm ban đầu có khả năng bảo vệ trẻ trong khoảng 5-7 năm, sau đó nồng độ kháng thể trong máu giảm dần, nguy cơ mắc bệnh lại tăng lên. Do đó sau khi tiêm mũi 3, các bậc phụ huynh cần cho trẻ tiêm nhắc lại vắc-xin này sau 3-4 năm, đến khi trẻ được 15 tuổi.

Đ.H

Đỗ Hồng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy