Các giải pháp hỗ trợ dạy và học trực tuyến

Để hỗ trợ việc dạy và học của giáo viên và học sinh các cấp trong thời gian nghỉ dài do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, ngành giáo dục và các nhà trường đã xây dựng và triển khai nhiều hình thức, biện pháp dạy và học trực tuyến. Các hình thức dạy học trực tuyến đang được triển khai là những giải pháp hỗ trợ tích cực giúp các nhà trường, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh tăng cường quản lý việc học của học sinh, đội ngũ giáo viên có thêm điều kiện cập nhật thường xuyên kiến thức cho học sinh.

Các giải pháp hỗ trợ dạy và học trực tuyến
Giáo viên Trường Tiểu học Minh Khai (TP Phủ Lý) dạy học trực tuyến.

Từ năm học 2020-2021, với sự hỗ trợ của VNPT Hà Nam, ngành giáo dục đã chính thức triển khai hình thức dạy và học trực tuyến VNPT E-learning, mang tới cho cả người dạy và người học nhiều lợi ích, tiện ích. Trong đó, với đội ngũ giáo viên các nhà trường, việc tham gia dạy học trực tuyến theo giải pháp này đã giúp giáo viên thuận lợi khi sử dụng toàn bộ các học liệu, tài liệu bằng hệ thống bản mềm, tiết kiệm chi phí khi sử dụng tài liệu, giáo án truyền thống; thực hiện việc thiết lập và lưu giữ bài giảng, giáo án điện tử vừa dễ tìm kiếm, vừa tránh thất lạc. Giáo viên cũng dễ dàng giao bài tập trực tuyến và theo dõi tiến trình học tập của học sinh do mình quản lý; có thể thiết lập được những bài kiểm tra, thi thử trực tuyến để đánh giá chất lượng học tập của học sinh theo từng thời gian. Về phía học sinh, khi tham gia học trực tuyến VNPT E-learning ngoài việc tăng cường khả năng tự học, sử dụng tốt máy tính, còn có thể vào xem và học lại theo các bài giảng, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu và cập nhật kiến thức… 

Thầy giáo Lương Văn Dương, Phó Hiệu trưởng Trường THPT A Phủ Lý, cho biết: Những năm qua, việc áp dụng công nghệ thông tin trong hoạt động giảng dạy được nhà trường thực hiện rất bài bản, có sự đầu tư chu đáo về cơ sở hạ tầng mạng, vận động giáo viên tăng cường ứng dụng công nghệ. Với hình thức dạy và học từ xa VNPT E-learning, chúng tôi cho rằng đây là một giải pháp dạy học tích cực, đặc biệt với các môn học có sử dụng công nghệ thường xuyên, như Ngoại ngữ, Tin học và việc học ôn của các đội tuyển học sinh giỏi. Qua hơn một năm học triển khai, nhà trường nhận thấy hình thức dạy học này không chỉ có tác dụng trong thời điểm học sinh nghỉ học dài do dịch bệnh Covid-19 hiện nay mà hoàn toàn có thể triển khai thực hiện lâu dài, trong mọi điều kiện dạy và học thực tế. 

Thực chất, từ nhiều năm qua, giáo viên đã được tiếp cận, làm quen và áp dụng khá tốt việc dạy học theo phương pháp E-learning do Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai. Tuy đây chỉ là phương pháp dạy học một chiều, hạn chế tính hiệu quả vì thiếu sự tương tác, trao đổi hai chiều giữa người dạy với người học, song với giải pháp dạy học từ xa đã mang tới nhiều tính năng tích cực, như: có tính ứng dụng cao; tạo hiệu quả dạy và học tốt hơn khi giải quyết được yêu cầu về tính tương tác trong suốt quá trình dạy và học; giáo viên có sự chủ động hơn trong việc tìm hiểu, nghiên cứu về chức năng của các phần mềm dạy học được cung cấp; việc rà soát, đánh giá chất lượng học tập của học sinh được thực hiện nền nếp theo từng tuần, từng tháng; giúp các nhà trường thiết lập được hệ thống quản lý chất lượng giáo dục chuyên nghiệp, hiệu quả từ khâu điểm danh, xây dựng danh sách khóa học cho tới việc quản lý chặt chẽ các khóa học, kết quả học tập; quản lý và đào tạo giáo viên…

Các giải pháp hỗ trợ dạy và học trực tuyến
Trong các đợt nghỉ học để phòng chống dịch Covid-19, học sinh các cấp trên địa bàn tỉnh đã được hỗ trợ học tập trực tuyến thông qua nhiều hình thức.

Trong thời gian tiếp tục triển khai dạy học trực tuyến thay thế dạy học trực tiếp đối với học sinh phổ thông do ảnh hưởng dịch Covid-19, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã yêu cầu các nhà trường tổ chức xây dựng và thực hiện kế hoạch dạy học trực tuyến theo đúng các văn bản hướng dẫn và kết hợp triển khai kế hoạch giáo dục của nhà trường.

Theo đó, các nhà trường phải có sự chủ động trong việc chỉ đạo, tổ chức, phân công giáo viên chuẩn bị bài giảng và tổ chức giảng dạy cho học sinh theo thời khóa biểu học trực tuyến phù hợp với điều kiện đơn vị, bảo đảm sức khỏe, an toàn cho học sinh, giáo viên và cán bộ quản lý tham gia giảng dạy, học tập. Đồng thời, khuyến khích các trường có đủ điều kiện tổ chức dạy trực tuyến đối với tất cả các môn học và có quy định cụ thể về thời gian học. Mỗi tiết dạy trực tuyến được quy định có thời lượng không quá 45 phút (trong đó, thời gian dạy học chính thức từ khoảng 30 đến 40 phút/tiết), thời gian nghỉ giải lao giữa các tiết khoảng từ 5 đến 10 phút; buổi sáng dạy không quá 4 tiết đối với học sinh trung học và không quá 3 tiết/buổi đối với học sinh tiểu học; buổi chiều và buổi tối (nếu có) dạy không quá 3 tiết/buổi. Từng nhà trường chủ động lựa chọn công cụ dạy học trực tuyến phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế của đơn vị. Với sự chuẩn bị tốt về các điều kiện dạy học trực tuyến, sớm áp dụng các hệ thống quản lý học trực tuyến (LMS) miễn phí, chuyên nghiệp như: VNPT-Elearning, Viettel Study, OLM, onluyen.vn… hầu hết các nhà trường đã bảo đảm tổ chức dạy học trực tuyến có chất lượng. 

Ở TP Phủ Lý, mới đây đã bắt đầu khai trương và đi vào hoạt động kho bài giảng trực tuyến. Mục đích của việc xây dựng kho bài giảng nhằm huy động cán bộ, giáo viên các cấp học chủ động nghiên cứu, viết bài giảng các môn học theo hướng có chất lượng, phù hợp với điều kiện dạy học trực tuyến và giúp chủ động hơn trong việc khai thác, sử dụng nguồn tài liệu dạy học có sẵn vào thực tế. Bắt đầu từ ngày 04/10/2021 cho đến khi học sinh trở lại trường học trực tiếp, Phòng GD&ĐT thành phố yêu cầu mỗi trường tiểu học, THCS trên địa bàn phải xây dựng và lựa chọn ít nhất từ 1-3 bài giảng trực tuyến/tuần, bảo đảm chất lượng, gửi lên kho bài giảng của Phòng GD&ĐT. Các bài giảng này sẽ được tổng hợp gửi Sở GD&ĐT thẩm định chất lượng, sau đó được chia sẻ cho giáo viên toàn ngành tham khảo.

Bên cạnh đó, ngành giáo dục chủ trương giới thiệu, khuyến khích giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh tham khảo các Chương trình giảng dạy, ôn tập kiến thức cho học sinh được phát sóng trên các kênh truyền hình: VTV7, VTC... và các kênh truyền hình địa phương. Đối với học sinh lớp 1, lớp 2, các trường chỉ đạo giáo viên cung cấp, tư vấn đầy đủ cho cha mẹ học sinh lịch học trên truyền hình do các Phòng GD&ĐT cung cấp để cha mẹ học sinh phối hợp hướng dẫn học sinh tham gia học tập. Thường xuyên trao đổi với cha mẹ học sinh về tình hình học tập của học sinh qua truyền hình, tổ chức một số buổi dạy học trực tuyến đối với học sinh lớp 1, lớp 2 để hỗ trợ học sinh học tập.

Trong thời gian này, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn tìm hiểu, nghiên cứu, thẩm định các nội dung học tập phát trên truyền hình, qua internet; xây dựng khung thời gian biểu hằng ngày kèm địa chỉ truy cập để hướng dẫn học sinh truy cập các website, các đường link youtube có đăng tải các chương trình tự học online, bài giảng ôn luyện kiến thức môn học do các Sở GD&ĐT hoặc các tổ chức giáo dục, công ty truyền thông, cá nhân giáo viên có uy tín thực hiện, tập trung khai thác sử dụng kho học liệu số do Bộ GD&ĐT xây dựng.

Thanh Hà

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.