2 bệnh viện trong tỉnh sẽ thực hiện tự chủ tài chính trong năm nay

Nhân dịp Kỷ niệm 64 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 - 27/2/2019), phóng viên (P.V) Báo Hà Nam đã có cuộc trao đổi với Thầy thuốc Nhân dân, Phó Giáo sư, Tiến sỹ (TTND, PGS, TS) Lê Quang Minh, TUV, Giám đốc Sở Y tế xung quanh vấn đề giao quyền tự chủ về tài chính trong các đơn vị y tế tại địa phương.

P.V: Ông có suy nghĩ thế nào về vấn đề tự chủ tài chính trong các đơn vị y tế?

TTND, PGS, TS Lê Quang Minh: Phải khẳng định, tự chủ về tài chính là một chủ trương lớn của Trung ương và Bộ Y tế, là một xu thế tất yếu trong quá trình đổi mới của ngành y tế để phù hợp với sự phát triển của xã hội.

Việc giao quyền tự chủ về tài chính sẽ tạo ra một cơ chế mở, giúp các đơn vị y tế năng động bứt phá, thay đổi và khẳng định mình, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân. Ngoài việc giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước, còn tạo cho các đơn vị các quyền chủ động trong việc thực hiện nhiệm vụ, và cái đích cuối cùng là để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh (KCB). Cũng từ đó, bệnh nhân sẽ có nhiều sự lựa chọn để tìm đến cơ sở y tế có chất lượng KCB tốt nhất.

P.V: Vậy, ngành y tế tỉnh đã có những bước chuẩn bị như thế nào để thực hiện có hiệu quả Đề án, thưa ông?

TTND, PGS, TS Lê Quang Minh: Theo lộ trình, trong năm 2019, ngành y tế sẽ thực hiện việc tự chủ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Mắt tỉnh. Quý IV/2020, sẽ tiếp tục triển khai thực hiện đối với Bệnh viện Sản – Nhi tỉnh. Tiến tới sẽ tiếp tục tự chủ tại một số bệnh viện tuyến tỉnh và hệ điều trị của các đơn vị y tế tuyến huyện. Đến thời điểm này, ngành y tế đang phối hợp với các cơ quan liên quan để làm các thủ tục thực hiện việc tự chủ. Dự kiến quý II/2019, ngành y tế sẽ bắt đầu giao quyền tự chủ đối với 2 đơn vị trên.

Mổ nội soi tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Ảnh: Thanh Hội

P.V: Việc triển khai thực hiện tự chủ tài chính, các đơn vị sẽ có những lợi thế gì?

TTND, PGS, TS Lê Quang Minh: Theo Nghị định 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ, việc tự chủ cho 2 đơn vị trên được thực hiện ở nhóm 2, là nhóm đơn vị bảo đảm chi thường xuyên. Các đơn vị tự chủ sẽ có nhiều lợi thế trong việc thực hiện nhiệm vụ, như:

Được chủ động trong việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ. Về tổ chức bộ máy, đơn vị được thành lập các khoa phòng, được tuyển dụng, bổ nhiệm, sắp xếp nhân sự trên cơ sở vị trí việc làm, được thuê nhân lực chất lượng cao nếu thấy cần thiết. Đối với tài chính, được chủ động sử dụng các nguồn chi thường xuyên trong việc trả lương, trả công, đào tạo bồi dưỡng và các khoản chi phí khác phục vụ cho công tác quản lý và chuyên môn trong khuôn khổ quy định của pháp luật.

Theo Điều 20, Nghị định 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ thì việc đăng ký, phân nhóm được ổn định trong thời gian 03 năm, sau thời hạn trên sẽ xem xét phân loại lại cho phù hợp, căn cứ tình hình thực tế, có thể giữ nguyên hoặc có thể sẽ ở nhóm cao hơn. Tuy nhiên, trong trường hợp nếu đơn vị có biến động lớn về tài chính làm thay đổi cơ bản mức tự bảo đảm kinh phí hoạt động thường xuyên thì được xem xét điều chỉnh việc phân loại trước thời hạn.

P.V: Việc triển khai thực hiện Đề án sẽ có tác động lớn đối với đội ngũ cán bộ y tế hiện đang công tác tại các đơn vị?

TTND, PGS, TS Lê Quang Minh: Đúng vậy! Vì đây là một cơ chế mở đánh giá năng lực thực sự của tập thể cán bộ, lãnh đạo trong đơn vị, do vậy, trình độ, thái độ, trách nhiệm của từng cán bộ đóng vai trò rất quan trọng vào sự phát triển của đơn vị.

Để đơn vị phát triển, trước tiên trong từng cán bộ phải khẳng định được năng lực bản thân. Nếu cán bộ có trình độ chuyên môn yếu kém, không đáp ứng được với yêu cầu của đơn vị, tinh thần thái độ phục vụ không tốt, vi phạm các quy định về y đức, gây mất uy tín cho đơn vị thì tập thể lãnh đạo đơn vị có quyền chấm dứt hợp đồng lao động. Ngược lại, người lao động có quyền yêu cầu lãnh đạo đơn vị tăng mức thù lao, nâng cao chế độ ưu đãi hoặc chấm dứt hợp đồng nếu thấy chế độ đãi ngộ chưa thỏa đáng. Do vậy, để khẳng định được vị thế của mình, mỗi cán bộ phải không ngừng học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, có tay nghề cao, có tinh thần thái độ tốt trong phục vụ người bệnh.

P.V: Đó chỉ là một trong những khó khăn, thách thức đối với ngành y tế khi thực hiện tự chủ về tài chính?

TTND, PGS, TS Lê Quang Minh: Việc phải rời "bầu sữa" ngân sách, “tự bơi” trong cơ chế thị trường cũng làm cho các bệnh viện gặp không ít khó khăn, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao. Tình trạng “thiếu thầy, thừa thợ”, không cân đối về cơ cấu nguồn nhân lực tồn tại ở nhiều đơn vị y tế. Số lượng bác sỹ, nhất là bác sỹ có trình độ tay nghề cao, tay nghề chuyên sâu thiếu, trong khi lại thừa về điều dưỡng và một số đối tượng khác. Cùng với đó là những bất cập về cơ chế quản lý, bộ máy, biên chế... do chưa có văn bản hướng dẫn chi tiết, đồng bộ, dẫn đến tình trạng thiếu nhân lực đáp ứng yêu cầu KCB; hoặc khó thu hút bác sĩ giỏi về làm việc. Cơ chế chính sách trong KCB và thanh quyết toán BHYT còn tồn tại nhiều bất cập.

Thông tư 15/2018/TT-BYT của Bộ Y tế lại chưa tính đúng, tính đủ phần lương quản lý, chi phí công nghệ thông tin và khấu hao tài sản vào giá viện phí. Cơ sở vật chất các đơn vị đã xuống cấp, trong khi nguồn kinh phí đầu tư rất hạn chế. Một số công trình chưa hoàn thiện hoặc chưa bảo đảm theo quy định. Đặc biệt, thiết bị y tế chưa đáp ứng với nhu cầu, nhiều thiết bị đã xuống cấp, hư hỏng, thậm chí chưa được đầu tư một cách đầy đủ.

Hà Nam là địa phương cận kề Hà Nội, lại được hoạch định là trung tâm y tế chuyên sâu với nhiều cơ sở y tế, như các bệnh viện: Bạch Mai, Việt Đức, Lão Khoa, Nhi Trung ương… đã và đang xây dựng tại tỉnh, bên cạnh những thuận lợi thì cũng sẽ có những khó khăn nhất định. Tình trạng “chảy máu chất xám” trong nguồn nhân lực y tế chất lượng cao, người bệnh dễ dàng vượt tuyến, do đó đòi hỏi ngành y tế Hà Nam nói chung, các đơn vị y tế tự chủ nói riêng sự nỗ lực rất lớn để khẳng định mình trong một cơ chế mở.

Nói như vậy để thấy, đây là giai đoạn rất quan trọng, đòi hỏi ngành phải đổi mới một cách căn bản và toàn diện để khẳng định mình trong xu thế phát triển tất yếu của xã hội. Đặc biệt, phải thực hiện tốt công tác định hướng dài hạn, dự báo sát đúng nhu cầu cho giai đoạn tới. Trước tiên, phải tiếp tục thực hiện tốt công tác tổ chức, sắp xếp bộ máy theo Thông tư liên tịch số 51 năm 2015 của liên Bộ Y tế - Nội vụ và Kết luận số 27-KL/TU ngày 14/3/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng Bệnh viện Sản – Nhi tỉnh và Phòng khám đa khoa Đồng Văn, đồng thời nâng cấp một số cơ sở y tế đã xuống cấp.

Tăng cường công tác đào tạo, coi đây là một việc làm căn bản để nâng cao chất lượng dịch vụ. Tập trung đào tạo nghề, đào tạo chuyên sâu, chuyển giao kỹ thuật cao, đồng thời thực hiện tốt những nội dung của Đề án, làm nền tảng vững chắc, tiến tới sẽ tự chủ các đơn vị tiếp theo ở cả tuyến huyện, thành phố.

Việc đầu tư về trang thiết bị trong bối cảnh nguồn kinh phí từ ngân sách hạn hẹp, ngành sẽ chú trọng công tác xã hội hóa, đặc biệt là tại những đơn vị tự chủ.

Một việc làm rất quan trọng để nâng cao chất lượng KCB, đó là phải thay đổi tinh thần thái độ phục vụ, hướng đến sự hài lòng của người bệnh theo Quyết định số 2151 năm 2015 của Bộ Y tế. Cán bộ, nhân viên y tế phải thay đổi suy nghĩ, lấy sự hài lòng của người bệnh làm mục tiêu phấn đấu, chuyển từ tư duy “ban ơn” sang tư duy “phục vụ”. Đây là nhiệm vụ trước mắt cũng như lâu dài của các đơn vị tự chủ nói riêng và ngành y tế Hà Nam nói chung.

P.V: Xin cảm ơn ông!

Trần Minh (Thực hiện)

Minh Thu, Thanh Hội

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy