Thu hút lao động có tay nghề cao vào làm việc trong các KCN

Theo ước tính, hằng năm các doanh nghiệp trong các KCN trên địa bàn Hà Nam có nhu cầu tuyển dụng hàng nghìn lao động, trong đó có nhiều doanh nghiệp cần tuyển lao động có tay nghề cao, lao động qua đào tạo song gặp rất nhiều khó khăn. 

Tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội, Trần Văn Khánh, xã Hòa Hậu (Lý Nhân) đã được Tập đoàn SamSung (Thái Nguyên) tuyển vào làm việc. Khánh cho biết: Sau khi tốt nghiệp đại học em đã về làm việc cho một doanh nghiệp ở KCN Đồng Văn, song lương họ trả thấp (được khoảng 8 triệu đồng/tháng) nên em quyết định thi tuyển làm việc cho Tập đoàn SamSung Việt Nam. Trúng tuyển em được phân công làm việc tại một dây chuyền chuyên lập trình, sản xuất phần mềm cho một số sản phẩm điện tử. Công việc phù hợp, một tháng công ty trả lương gần 20 triệu đồng. Ngoài ra, công ty còn bố trí xe đưa đón từ chỗ ở đến nơi làm việc, lo bữa ăn công nghiệp và nhiều chế độ khác. Hiện tại em thấy công việc rất phù hợp và có hướng gắn bó lâu dài ở công ty.

Thu hút lao động có tay nghề cao vào làm việc trong các KCN
Sản xuất đồ chơi tại Công ty TNHH Dream Plastic (KCN Châu Sơn, TP Phủ Lý). Ảnh: Tiến Đoàn

Cũng như Trần Văn Khánh, rất nhiều lao động có trình độ cao, lao động có trình độ công nhân kỹ thuật chuyên ngành điện, điện tử đã tìm kiếm việc làm tại thành phố Hà Nội và một số thành phố lớn, thay vì về tỉnh lập nghiệp. Theo lý giải của nhiều lao động có tay nghề, ở thành phố lớn có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm phù hợp và mức thu nhập cũng khá hơn. Hơn nữa, khi lập gia đình, tại các thành phố lớn có nhiều dịch vụ hỗ trợ như nhà trẻ bán trú, dịch vụ đưa đón học sinh… rất tiện lợi cho công nhân làm việc liên tục 8 giờ trong các doanh nghiệp. 

Để thu hút lao động có tay nghề cao, lao động qua đào tạo, thời gian qua, tỉnh ta đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ công nhân lao động, hỗ trợ các doanh nghiệp tuyển chọn lao động. Cụ thể, tại các KCN nhiều doanh nghiệp đã bố trí xe đưa đón công nhân đến nơi làm việc, hỗ trợ một phần tiền thuê nhà cho người lao động, xây nhà ở cho công nhân lao động. Đặc biệt, Công đoàn các KCN tỉnh thường xuyên nắm bắt tư tưởng, nguyện vọng của công nhân trong các doanh nghiệp, kịp thời phối hợp với chủ sử dụng lao động giải quyết, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người lao động. Liên đoàn Lao động tỉnh phối hợp với Ban Quản lý các KCN tỉnh và các doanh nghiệp tổ chức nhiều hoạt động thể thao, văn nghệ tạo "sân chơi" giải trí lành mạnh cho công nhân trong KCN.

Cụ thể, hằng năm, các KCN tổ chức Giải bóng đá công nhân viên chức, chương trình giao lưu văn nghệ "Hát cho công nhân tôi nghe, nghe công nhân tôi hát",  hội thi "Duyên dáng công nhân"… thu hút đông đảo công nhân tham gia. Thông qua các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho công nhân trong các KCN, tạo động lực để công nhân gắn bó với doanh nghiệp.

Ngoài ra, trong dịp tết Nguyên đán Canh Tý 2020, Liên đoàn Lao động tỉnh cùng Công đoàn các KCN tỉnh tổ chức 38 chuyến xe (tăng 08 xe so với Tết 2019), đưa trên 1.000 công nhân lao động là con em các tỉnh: Lạng Sơn, Bắc Giang, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Yên Bái, Lào Cai, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình về quê đón Tết; bố trí tặng 300 vé xe cho công nhân lao động có quê xa trên 150 km về quê đón Tết; tặng trên 1.000 suất quà cho công nhân lao động. 

Từng bước giải quyết đủ nhu cầu về lao động cho các doanh nghiệp, quan điểm chỉ đạo của UBND tỉnh: Không khuyến khích thu hút doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh thấp đầu tư vào KCN. Khuyến khích thu hút các doanh nghiệp sử dụng công nghệ sản xuất hiện đại, hạn chế ảnh hưởng đến môi trường, sử dụng lao động có tay nghề. Đối với doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động phải thuộc nhóm ngành nghề đem lại hiệu quả kinh tế cao, tạo ra sản phẩm có sức cạnh tranh cao trên thị trường, đóng góp ngân sách lớn, thực hiện tốt chế độ an sinh xã hội cho người lao động. 

Tuy nhiên, nhiều lao động đang làm việc trong các KCN cũng kiến nghị: Nhà nước cần quan tâm xây dựng nhiều trường mầm non, trường tiểu học, trường THCS bán trú, tạo điều kiện cho công nhân lao động làm việc 8 giờ trong ngày. Các cơ sở đào tạo nghề tăng cường phối hợp với các doanh nghiệp tuyển chọn lao động phổ thông, sau đó đào tạo cung cấp cho các doanh nghiệp. Đối với các doanh nghiệp, cần quan tâm hơn nữa đến đời sống người lao động, tránh tình trạng sử dụng lao động "hết tuổi vàng" sau đó dùng chế tài để ép sa thải người lao động. Có như vậy mới thu hút được lao động có tay nghề, lao động có trình độ cao về làm việc tại các KCN.

Trần Thoan

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.