Quan tâm đào tạo nghề cho lao động nữ

Những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh đã luôn quan tâm đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, qua đó góp phần nâng cao tỷ lệ lao động nữ đã qua đào tạo nghề giúp nhiều hội viên phụ nữ thoát nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống, tạo sự chuyển biến trong phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. 

Từ một hội viên kinh tế gia đình bình thường, đến nay chị Phạm Thị Én Hoài, Chi hội Phụ nữ thôn Tế Cát, xã Đức Lý (Lý Nhân) đã có khu trại chăn nuôi với doanh thu gần 1 tỷ đồng mỗi năm. Chia sẻ về thành công trong chăn nuôi, chị Hoài cho biết: Năm 2018, tôi được tham gia lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi gia súc, gia cầm do Hội LHPN tỉnh mở. Sau đào tạo, với kiến thức đã được học, tôi mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, đồng thời mở rộng diện tích chăn nuôi của gia đình. Với hơn 3 mẫu trang trại, gia đình tôi quy hoạch gọn gàng thành khu thả cá trắm đen, khu chăn nuôi gia súc, gia cầm, trừ chi phí gia đình tôi thu lãi gần 100 triệu đồng mỗi năm. 

Còn với chị Phạm Thị Toan, Chi hội Phụ nữ thôn An Thuận, xã An Ninh (Bình Lục), chủ một cơ sở may có doanh thu gần 1 tỷ đồng mỗi năm chia sẻ, năm 2017 được tham gia khóa học may công nghiệp do hội LHPN đào tạo, tôi đã mạnh dạn vay vốn đầu tư máy may hiện đại chuyên may hàng xuất khẩu, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 30 lao động nữ tại địa phương, với thu nhập từ 6 - 7 triệu đồng/người/tháng. Đó chỉ là 2 trong nhiều hội viên được tham gia các lớp đào tạo nghề do hội LHPN kết hợp với các ngành mở, qua đó đã vươn lên làm kinh tế giỏi. 

Quan tâm đào tạo nghề cho lao động nữ
Cơ sở may của chị Phạm Thị Toan, thôn An Thuận, xã An Ninh (Bình Lục) thường xuyên tạo việc làm cho nhiều hội viên phụ nữ tại địa phương.

Xác định công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho hội viên phụ nữ là nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt, giúp chị em có thêm kiến thức phát triển kinh tế gia đình, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống, hằng năm, Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo các cơ sở hội khảo sát nhu cầu học nghề của lao động nữ tại địa phương; chủ động xây dựng kế hoạch, phối hợp mở lớp dạy nghề phù hợp với từng nhóm đối tượng. Các cấp hội phối hợp với các cấp, ngành tăng cường công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho lao động nữ. Bên cạnh đó, hội còn chủ động mở các lớp tập huấn nâng cao năng lực quản lý, điều hành hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác cho phụ nữ; xây dựng các mô hình liên kết, tổ sản xuất, kinh doanh, tổ hợp tác, HTX, kinh doanh dịch vụ… Hoạt động dạy nghề luôn hướng về cơ sở, hướng tới nhiều đối tượng phụ nữ khác nhau, như: lao động nông thôn, lao động thuộc diện hộ nghèo, phụ nữ khuyết tật… 

Tính từ năm 2017 đến nay, hội đã phối hợp tổ chức gần 100 lớp đào tạo nghề trồng rau an toàn, trồng hoa chất lượng cao, trồng cây có múi, nuôi, phòng bệnh cho đàn lợn và gia cầm, thêu ren xuất khẩu cho gần 3 nghìn phụ nữ là lao động nông thôn tham gia. Cùng với đó, mở hơn 100 lớp tập huấn về kiến thức khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp cho hơn 10 nghìn hội viên. Kết hợp với các công ty may trên địa bàn tổ chức hơn 100 lớp may công nghiệp cho hơn 1.600 hội viên phụ nữ. Hội quan tâm xây dựng mô hình về phát triển kinh tế tập thể, kinh tế hộ gia đình; chủ động kết nối thị trường, tạo đầu ra cho sản phẩm nông sản an toàn.

Kết quả, đến nay các cấp hội đã phối hợp thành lập được gần 40 HTX, tổ hợp tác, gồm: HTX rau hữu cơ Trác Văn, HTX sữa bò tươi Mục Đồng, thị xã Duy Tiên; HTX thủy sản Kim Bình, TP Phủ Lý; HTX sản xuất rau an toàn Liên Hiệp, huyện Kim Bảng; HTX sản xuất nông sản an toàn Bảo An, huyện Lý Nhân; HTX nông sản an toàn xã Bình Nghĩa, huyện Bình Lục; tổ hợp tác trồng đào Ba Sao, huyện Kim Bảng và tổ hợp tác trồng bưởi diễn Nhân Bình, huyện Lý Nhân... Qua các lớp đào tạo nghề, nhiều chị em đã áp dụng những kiến thức, kỹ năng được học vào thực tiễn sản xuất, không những làm giàu cho bản thân mà còn giúp nhiều chị em phát triển kinh tế gia đình, cải thiện cuộc sống, vươn lên làm giàu chính đáng. 

Cùng với công tác đào tạo nghề, nhằm góp phần thực hiện hiệu quả tiêu chí giảm nghèo, nâng cao thu nhập, hội đã khai thác hiệu quả các nguồn vốn vay, đặc biệt là nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội giúp hơn 24 nghìn hội viên vay phát triển sản xuất, kinh doanh với số tiền trên 885 tỷ đồng. Ngoài ra, các cấp hội còn triển khai mô hình “Ống tiền tiết kiệm”, “Lợn nhựa tiết kiệm”, “Hũ gạo tiết kiệm” tại gần 100 cơ sở hội và đã tiết kiệm được hơn 10 tỷ đồng và hơn 5 nghìn kg gạo hỗ trợ cho hàng nghìn hội viên khó khăn vay không lấy lãi; quyên góp trao tặng 6 con bò sinh sản và quà trị giá hơn 100 triệu đồng cho các gia đình hội viên có hoàn cảnh khó khăn... Nhờ những chính sách ưu đãi, sự quan tâm giúp đỡ của các cấp hội, số hộ nghèo do phụ nữ làm chủ đã giảm dần qua các năm. Chỉ tính từ đầu năm 2022 đến nay, các cấp hội đã giúp hàng trăm hộ phụ nữ nghèo làm chủ thoát nghèo bền vững.    

Thời gian tới, Hội LHPN tỉnh tiếp tục mở rộng đào tạo các ngành nghề mới đáp ứng nhu cầu thị trường, phù hợp với lao động nữ. Tăng cường liên kết với các đơn vị tuyển lao động để giới thiệu hội viên vào làm việc. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên tích cực tham gia phát triển kinh tế hộ gia đình, giúp hội viên chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi. Tích cực áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần ổn định kinh tế để chị em có điều kiện tham gia các hoạt động xã hội, xây dựng gia đình văn hóa, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho hội viên.

Xuân Tuân

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.