Nỗ lực nâng chuẩn nghề nghiệp cho đội ngũ giáo viên

Đội ngũ nhà giáo luôn được xác định có vai trò quan trọng, quyết định đến chất lượng giáo dục. Nhận thức rõ vấn đề này, cùng với sự quan tâm đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ từ phía ngành chủ quản và ý thức tự học, tự bồi dưỡng của mỗi giáo viên, việc thực hiện hệ quy tắc chuẩn về nghề nghiệp có ý nghĩa quan trọng đối với mục tiêu nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên của tỉnh.

Đánh giá về chất lượng đội ngũ của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho thấy, nhìn chung, đội ngũ giáo viên của tỉnh có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng, có bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp, năng động, sáng tạo và có tinh thần học tập tích cực để nâng cao nhận thức, trình độ, cơ bản đáp ứng được yêu cầu đổi mới GD&ĐT trong giai đoạn hiện nay.

Về trình độ chuyên môn đào tạo, theo quy định của Luật Giáo dục năm 2015, những năm trước đây toàn tỉnh đã có 100% giáo viên các cấp đạt chuẩn, trong đó tỉ lệ trên chuẩn khá cao với 89,4% ở cấp mầm non, 97,06% ở cấp tiểu học, 73,11% ở cấp THCS và 15,8% ở cấp THPT. Tuy nhiên, khi Luật Giáo dục năm 2019 có hiệu lực thi hành thì vẫn còn một tỉ lệ không nhỏ giáo viên cấp học mầm non, tiểu học, THCS chưa đạt chuẩn. Với số lượng giáo viên chưa đạt chuẩn về trình độ, ngành giáo dục đã xây dựng lộ trình cho giáo viên học bồi dưỡng chuyên môn, nâng cao trình độ một cách cụ thể, hợp lý, bảo đảm đến năm 2025 sẽ có 100% giáo viên có trình độ đạt chuẩn theo Luật Giáo dục năm 2019.

Nỗ lực nâng chuẩn nghề nghiệp cho đội ngũ giáo viên
Một tiết học tại Trường Tiểu học Nguyên Lý (Lý Nhân).

Thực hiện việc nâng chuẩn cho đội ngũ giáo viên, cùng với các biện pháp bồi dưỡng chuyên môn khác, Phòng GD&ĐT huyện Bình Lục đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn rà soát, đánh giá lại trình độ đội ngũ giáo viên, đồng thời có kế hoạch bồi dưỡng nâng cao trình độ cho các giáo viên chưa đạt chuẩn.

Ông Trần Thiện Vượng, Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bình Lục cho biết: Theo quy định tại Điều 72 Luật Giáo dục năm 2019, từ ngày 1/7/2020, giáo viên phải đáp ứng điều kiện mới về chuẩn trình độ đào tạo. Trong đó, giáo viên mầm non phải có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên (trước đây chỉ yêu cầu trình độ trung cấp sư phạm- PV), giáo viên tiểu học phải có bằng cử nhân ngành đào tạo giáo viên trở lên (trước đây chỉ yêu cầu trình độ trung cấp sư phạm-PV) và giáo viên THCS phải có bằng cử nhân ngành đào tạo giáo viên trở lên (trước đây chỉ yêu cầu bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, hoặc có bằng tốt nghiệp cao đẳng và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm-PV). Đến năm học 2020-2021, toàn huyện có 79,2% giáo viên mầm non, 47,6% giáo viên tiểu học và 69,2% giáo viên THCS có trình độ trên chuẩn. Đối với các giáo viên chưa đạt chuẩn, bằng nhiều biện pháp, ngành đã và đang tích cực tạo điều kiện cho giáo viên đi học, được đào tạo nâng chuẩn,  phấn đấu đến hết năm 2022 sẽ có 100% giáo viên các cấp học có trình độ trên chuẩn. 
Do yêu cầu thực tế, việc theo học các lớp đào tạo để nâng chuẩn được đội ngũ giáo viên các cấp chủ động đăng ký.

Theo chia sẻ của một số giáo viên, việc đi học nâng chuẩn có nhiều thuận lợi vì giáo viên được cử đi đào tạo nâng trình độ chuẩn được hưởng các quyền như: được tạo điều kiện về thời gian và được hỗ trợ, cấp kinh phí đào tạo; được tính thời gian đào tạo vào thời gian công tác liên tục; được hưởng 100% lương và các chế độ, phụ cấp theo quy định; được biểu dương, khen thưởng khi có thành tích xuất sắc trong học tập. Theo đó, mỗi giáo viên đều phải tự định vị năng lực bản thân và định hướng nghề nghiệp cho mình để có thái độ học tập, rèn luyện nâng chuẩn và nâng cao mức đạt được theo các yêu cầu của chuẩn nghề nghiệp mới.

Để hỗ trợ giáo viên thực hiện nâng chuẩn, đã có nhiều hình thức đào tạo linh hoạt, phù hợp với đối tượng giáo viên vừa học, vừa làm, như: học tích lũy tín chỉ, học từ xa, học tập trung… Căn cứ vào công việc thực tế và nhu cầu học tập của cá nhân, giáo viên đề xuất với đơn vị quản lý về hình thức và thời gian tham gia đào tạo nâng chuẩn, vừa đáp ứng được các yêu cầu về thực hiện nhiệm vụ chuyên môn được giao vừa hoàn thành nâng chuẩn theo đúng kế hoạch của nhà trường.

Nâng chuẩn nghề nghiệp cho đội ngũ giáo viên có ý nghĩa quan trọng đối với quá trình thực hiện nhiệm vụ giáo dục qua từng năm học, nhất là khi các cấp học đang bắt đầu thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trong quá trình dạy học hiện tại, với những đòi hỏi cao hơn về cả phương pháp, kỹ thuật dạy học và tổ chức các hoạt động giáo dục, nếu giáo viên chỉ có kinh nghiệm hoặc những kiến thức sư phạm đã được đào tạo từ nhiều năm trước sẽ là chưa đủ, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế và cần được đào tạo nâng chuẩn để nâng cao trình độ cũng như chất lượng giảng dạy.

Cô giáo Trần Thị Kim Dung, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hai Bà Trưng (thành phố Phủ Lý) cho biết: Thông qua việc tuyên truyền về Luật Giáo dục năm 2019, cán bộ, giáo viên nhà trường đã có nhận thức khá đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thực hiện nâng chuẩn giáo viên và nhà trường chủ động xây dựng, triển khai kế hoạch nâng chuẩn cho các giáo viên chưa đạt chuẩn. Mặc dù thời gian học nâng chuẩn của giáo viên từ trung cấp lên đại học phải từ 3-4 năm, cao đẳng lên đại học 2 năm, nhà trường gặp khó khăn trong việc bố trí, sắp xếp giáo viên ở các nhóm lớp, nhưng với quyết tâm và nỗ lực hiện nhà trường đã có trên 90% giáo viên đạt chuẩn, số giáo viên khác đang trong quá trình hoàn thiện chương trình đào tạo nâng chuẩn. Có đội ngũ đạt chuẩn giúp nhà trường thường xuyên hoàn thành tốt các nhiệm vụ giáo dục và nhiệm vụ chính trị được giao.

Bên cạnh đó, các nhà trường còn duy trì nền nếp, hiệu quả các hoạt động chuyên môn, tạo thêm cơ hội trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn và tích lũy những kỹ năng sư phạm, kỹ năng giáo dục học sinh cần thiết cho giáo viên. Những cuộc thi giáo viên dạy giỏi được tổ chức thường niên đã tạo “sân chơi” tích cực, thu hút đông đảo giáo viên các cấp học tham gia, tự khẳng định năng lực bản thân, đồng thời được trải nghiệm và ứng xử với các tình huống giáo dục đặt ra hiện nay. Các giáo viên được công nhận là giáo viên giỏi các cấp mỗi năm đã phần nào khẳng định được chất lượng đội ngũ hiện nay. 

Thanh Hà

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy