Nhu cầu tuyển dụng lao động tăng cao

Đại dịch Covid-19 kéo dài đã tác động không nhỏ đến thị trường lao động trong tỉnh. Nhiều doanh nghiệp phải dừng, tạm dừng hoạt động. Việc triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong và ngoài doanh nghiệp đã tạo điều kiện giúp các hoạt động sản xuất, kinh doanh từng bước được khôi phục. So với năm 2020, năm nay nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp dự kiến tăng cao.

Nhu cầu tuyển dụng  lao động tăng cao
Người lao động đến liên hệ tìm việc làm tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh những ngày đầu năm 2021.

Theo báo cáo phân tích đánh giá thị trường lao động của Trung tâm Dịch vụ việc làm (TTDVVL) tỉnh, năm 2020 tổng số lao động sử dụng tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là 111.707 người, trong đó 4.588 người làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, gần 80.000 người làm việc trong lĩnh vực công nghiệp, trên 27.000 người làm việc trong lĩnh vực dịch vụ. Tuy nhiên, có 94.828 lao động trực tiếp, chiếm 84,88%, chủ yếu là lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật, lao động phổ thông. Tính đến hết năm 2020, toàn tỉnh có trên 6.800 doanh nghiệp, số doanh nghiệp hoạt động thực tế là hơn 5.000. 

Ông Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc TTDVVL tỉnh nói: Doanh nghiệp trong tỉnh rất nhiều, nhưng lao động chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp. Nhu cầu sử dụng lao động rất cao, cơ bản sử dụng lao động phổ thông, lao động đã qua đào tạo nghề và lao động có bằng cấp như các ngành nghề: Dệt may, giày da; đồ chơi trẻ em; điện tử; nhựa - bao bì; dịch vụ du lịch, nhà hàng, khách sạn; kinh doanh, bán hàng… Thực trạng thiếu nguồn lao động trong tỉnh dẫn đến xu hướng nguồn lao động ngoài tỉnh tham gia vào thị trường lao động trong tỉnh đang diễn ra.

Trên cơ sở đánh giá tình hình thực tế,  TTDVVL tỉnh dự báo năm 2021, nhu cầu sử dụng lao động trong tỉnh của các doanh nghiệp trên địa bàn hơn 10.000 người, trong đó có khoảng 6.000 việc làm mới. Những ngành tiếp tục có xu hướng thu hút nhân lực cao vẫn là dệt may, giày da, đồ chơi điện tử, nhựa, bao bì, dịch vụ du lịch, nhà hàng, kinh doanh, bán hàng. Đặc biệt, sau khi đại dịch Covid-19 được cơ bản khống chế, thị trường xuất khẩu hàng hóa hoạt động trở lại, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp cơ cấu lại dây chuyền sản xuất và có nhu cầu tuyển dụng lao động tăng như kỹ sư điện, cơ khí, công nhân có trình độ sơ cấp, trung cấp, lành nghề. Đặc biệt, năm 2021 sẽ có gần 2.000 lao động được thu hút vào lĩnh vực chế biến nông, lâm sản.

Ông Nguyễn Quang Tuấn khẳng định: Thời gian qua, việc ứng phó với  đại dịch Covid-19 đã làm cho lĩnh vực thương mại điện tử  phát triển mạnh mẽ. Dự kiến năm 2021, lĩnh vực này thu hút một lượng nhân lực dồi dào với những vị trí: Tiếp thị số, điều phối viên truyền thông, người viết quảng cáo, shipper… Bên cạnh đó, các ngành dịch vụ phục vụ, dịch vụ thông tin - tư vấn - chăm sóc khách hàng, giáo dục, y tế, kiến trúc - xây dựng... sẽ tiếp tục có nhu cầu sử dụng lao động nhưng với số lượng không quá lớn. 

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) tỉnh, việc đi vào hoạt động của một số doanh nghiệp lớn trong KCN năm nay sẽ tác động  đến nhu cầu tuyển dụng lao động làm việc tại các KCN. Dự kiến cần trên 12.000 lao động.  Còn  Sở Lao động – Thương binh và Xã hội dự kiến số lao động cần cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh năm nay ước khoảng trên 1,5 vạn người.

Theo đánh giá, nguồn cung lao động của tỉnh năm 2021 khá ổn định so với năm 2020 do tỷ lệ tăng cơ học dân số của tỉnh tăng không đáng kể. Lao động di cư ra ngoài tỉnh làm việc vẫn tiếp tục giảm, nhất là ở nhóm lao động trẻ dưới 35 tuổi, lao động nữ, lao động nông thôn. Ngược lại, lao động ngoài tỉnh đến làm việc trong tỉnh tăng. Đến thời điểm này, trong số hơn 68.000 lao động đang làm việc tại các KCN, 40% lao động là ngoại tỉnh.

Ông Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc TTDVVL Hà Nam cho biết: Bình quân mỗi tháng tại Hà Nam có khoảng 1.000 người tham gia thị trường lao động, có việc làm mới. Tuy nhiên, so với nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp, con số này chưa thấm vào đâu. Những doanh nghiệp lớn như Công ty TNHH Hệ thống Dây dẫn Sumi Việt Nam, Honda Việt Nam, những doanh nghiệp may mặc, giày da… lúc nào mỗi đơn vị cũng cần tuyển vài trăm đến hàng nghìn công nhân. Họ có kinh nghiệm trong tuyển dụng, chiêu dụng lao động hàng chục năm nay, nhưng càng ngày càng khó. Lượng lao động trong độ tuổi ở Hà Nam không tăng, trong khi doanh nghiệp thành lập mới tăng, số doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất, cơ cấu dây chuyền thay đổi nên nhu cầu cần lao động ngày một nhiều. Có những doanh nghiệp trước đây khá chủ động trong việc tuyển dụng như Công ty TNHH Hệ thống Dây dẫn Sumi Việt Nam. Yêu cầu của doanh nghiệp này chỉ cần lao động nữ, vì thế nhiều lao động nam thời điểm đó khó có thể chen chân tìm một vị trí việc làm ổn định tại đây. Nhưng gần đây, nhu cầu tuyển dụng lao động tăng, lại gặp khó khăn do không có nguồn, vì thế doanh nghiệp này đành phải tuyển cả nam. 

Những tuần đầu năm 2021, các doanh nghiệp ở Hà Nam đi vào hoạt động bình thường khi đại dịch Covid-19 còn đang diễn biến phức tạp ở một số tỉnh Đồng bằng sông Hồng, một trong số nhiều vấn đề đặt ra đối với Hà Nam lúc này nhằm thực hiện mục tiêu kép vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vừa tăng cường chống dịch hiệu quả là ổn định thị trường lao động, bảo đảm an toàn lao động trong các doanh nghiệp. Tuy nhiên, TTDVVL tỉnh vẫn chưa thể mở các phiên giao dịch bình thường mà chỉ tiếp nhận hoạt động giới thiệu việc làm, giải quyết thủ tục bảo hiểm thất nghiệp theo đúng yêu cầu giãn cách. Và như thế, các doanh nghiệp ở Hà Nam phải tiếp tục tự thân vận động, tự chủ động tìm kiếm nguồn nhân lực cho mình.

Chu Uyên

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy