Kim Bảng thực hiện tiêu chí thu nhập trong xây dựng nông thôn mới

Theo đánh giá, yêu cầu đặt ra đối với tiêu chí thu nhập trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM), NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025 không quá khó để hoàn thành. Tuy nhiên, đây lại là tiêu chí quan trọng, là một trong những mục tiêu sau cùng của chương trình xây dựng NTM; đồng thời tạo đòn bẩy để các xã thực hiện duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí còn lại. Xác định rõ điều đó, huyện Kim Bảng đã và đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các xã xây dựng kế hoạch, đề ra mục tiêu, giải pháp cụ thể trong thực hiện tiêu chí thu nhập.

Những năm qua, Kim Bảng là một trong những địa phương trên địa bàn tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khá, phát triển đồng đều trên tất cả các lĩnh vực: công nghiệp – xây dựng, dịch vụ - thương mại, nông nghiệp. Hằng năm, các chỉ tiêu về kinh tế luôn đạt và vượt so với chỉ tiêu kế hoạch đề ra, đặc biệt là chỉ tiêu về thu nhập bình quân đầu người. Tính riêng trong 9 tháng năm 2022, thu nhập bình quân đầu người trong toàn huyện ước đạt 73,9 triệu đồng, bằng 73,1% kế hoạch năm và tăng 2,3% so với cùng kỳ năm 2021.

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo xây dựng NTM huyện Kim Bảng, qua kết quả rà soát sơ bộ, tính đến hết tháng 9 năm 2022, hầu hết các xã đều đạt, vượt so với yêu cầu của tiêu chí thu nhập trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM.

Đối với 6 xã đăng ký về đích NTM nâng cao năm 2022, ước thu nhập bình quân đầu người năm 2022 đều đã đạt chuẩn theo quy định (từ 64 triệu đồng/người/năm). Đến hết năm 2022, nhiều xã ước đạt mức thu nhập bình quân từ 78 triệu đồng/người. Qua đó cho thấy, các xã của huyện Kim Bảng không gặp quá nhiều khó khăn, thách thức trong việc hoàn thành tiêu chí số 10 về thu nhập trong xây dựng NTM nâng cao.

Có được kết quả này là do trong những năm qua, huyện Kim Bảng đã tập trung chỉ đạo các xã hằng năm xây dựng kế hoạch, triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao mức sống, thu nhập cho người dân và xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của chương trình xây dựng NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.

Kim Bảng thực hiện tiêu chí thu nhập trong xây dựng nông thôn mới
Một cửa hàng kinh doanh tạp hóa trên địa bàn xã Tượng Lĩnh (Kim Bảng). Ảnh: Hân Hân

Trong sản xuất nông nghiệp, huyện Kim Bảng chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 04-NQ/HU và Nghị quyết số 08-NQ/HU của Huyện ủy về đẩy mạnh công nghiệp hóa nông nghiệp gắn với sản xuất nông sản sạch, ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2021-2025 và thực hiện tích tụ, tập trung ruộng đất. Cùng với đó, chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, các hợp tác xã, nhất là với những khâu dịch vụ thiết yếu, như: khuyến nông, thú y, cung ứng giống, vật tư nông nghiệp, liên kết tiêu thụ nông sản cho nhân dân; đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất; xây dựng, phát triển các mô hình, đề án sản xuất ứng dụng công nghệ cao, nhất là mô hình sản xuất cây ăn quả an toàn trên vùng chuyển đổi đất lúa; phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại; tăng cường công tác phòng, chống dịch cho đàn gia súc, gia cầm.

Đến thời điểm này, toàn huyện đã xây dựng được 18 mô hình cánh đồng mẫu tại 14 xã với diện tích gần 600 ha; thực hiện tích tụ, tập trung trên 500 ha đất nông nghiệp để sản xuất nông sản sạch. Cùng với đó, triển khai đề án phát triển đàn lợn nái tại các xã Văn Xá, Đồng Hóa, Lê Hồ, Hoàng Tây; thúc đẩy phát triển đàn bò tại xã Khả Phong; nâng cao chất lượng các mô hình nuôi cá ứng dụng công nghệ “sông trong ao” tại xã Thanh Sơn… Tính đến hết tháng 9/2022, huyện Kim Bảng đã duy trì tổng đàn lợn trên 69.200 con, đạt 98,25% kế hoạch; phát triển đàn trâu 735 con, đạt 98% kế hoạch; đàn bò sinh sản, bò thịt đạt 6.230 con, đạt trên 99% kế hoạch; đàn dê gần 9.000 con, đạt trên 98% kế hoạch năm…

Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid -19 và giá nguyên liệu phục vụ sản xuất tăng cao, nhưng trong 9 tháng năm 2022, giá trị sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện Kim Bảng vẫn đạt mức tăng trưởng khá, ước đạt gần 15.900 tỷ đồng, tăng trên 26%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội ước đạt gần 4.000 tỷ đồng, tăng 19,7%; toàn huyện giải quyết việc làm mới cho gần 2.900 lao động, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm 2021.

Để phát triển các lĩnh vực này, thời gian qua, huyện Kim Bảng đã tập trung chỉ đạo nắm bắt tình hình, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh. Trong đó, đặc biệt chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các thủ tục về đầu tư kinh doanh; gia hạn về thời hạn nộp tiền thuế, tiền thuê đất; đào tạo, cung ứng nguồn lao động cho doanh nghiệp; thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động… Qua đó, giúp doanh nghiệp duy trì sản xuất ổn định, người lao động trên địa bàn có việc làm, góp phần hoàn thành tiêu chí thu nhập trong xây dựng NTM, NTM nâng cao tại các xã trên địa bàn.

Để đạt mục tiêu đến hết năm 2025, thu nhập của người dân trong huyện đạt bình quân 138 triệu đồng/năm, thời gian tới, huyện Kim Bảng sẽ tập trung chỉ đạo đẩy mạnh công nghiệp hoá nông nghiệp; thực hiện chuyển đổi hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang chăn nuôi tập trung, an toàn gắn với liên kết, tiêu thụ sản phẩm, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; quan tâm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp hoạt động; đẩy mạnh phát triển các sản phẩm làng nghề, sản phẩm tiểu thủ công nghiệp gắn với phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch…

                        

Nguyễn Oanh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy