Hướng chuyển đổi nghề cho lao động nông thôn ở Thanh Liêm

Chưa có số liệu thống kê chính xác về số lượng lao động nông thôn ở Thanh Liêm bị ảnh hưởng việc làm và thu nhập do đại dịch Covid-19, nhưng chính quyền các xã trong huyện đều nhận định, sau thời gian giãn cách xã hội, người lao động tiếp tục làm việc và chịu tác động không nhiều.

Vừa làm ruộng, vừa làm công nhân

Theo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Thanh Liêm, toàn huyện có khoảng trên  20.000 lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài huyện với thu nhập ổn định. Số còn lại làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp và phi chính thức. Xu hướng dịch chuyển lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ và thương mại ở Thanh Liêm đang tăng dần. Sản xuất nông nghiệp nhiều năm qua gặp nhiều khó khăn do thời tiết và dịch bệnh, nông dân trong độ tuổi từ 50 trở lên mới bám trụ đồng ruộng, tiếp tục sản xuất trồng trọt và chăn nuôi nhằm ổn định cuộc sống. Ông Trần Văn Việt, xã Liêm Thuận nói: "Một tháng người ta đi làm công nhân mua được cả tấn thóc, vậy tội gì phải lam lũ đồng ruộng cho khổ. Vẫn biết bây giờ làm ruộng nhàn hơn trước, các khâu dịch vụ đều sẵn, phục vụ bà con đến nơi đến chốn, nhưng tính ra  lãi từ làm ruộng không ăn thua nên bà con nông dân phải tìm vào nhà máy để nâng cao thu nhập cho gia đình".

Ở xã Liêm Thuận, bình quân mỗi năm có 160 lao động có việc làm mới, gần 50 người đi xuất khẩu lao động. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, tác động của dịch bệnh Covid-19 đã làm ảnh hưởng đến đời sống của người lao động khi việc làm, thu nhập không ổn định bằng thời gian trước đó. Ông Nguyễn Sỹ Quảng, Chủ tịch UBND xã Liêm Thuận cho biết: "Cả xã hiện có khoảng 2.000 người làm việc ngoài nông nghiệp, trong đó phần lớn làm ở các khu, cụm công nghiệp. Trong quá trình rà soát thông tin, xác định đối tượng lao động bị ảnh hưởng việc làm và thu nhập do đại dịch Covid-19 thuộc diện được Chính phủ hỗ trợ theo Quyết định 15 mới thấy, người dân mình làm lao động tự do rất nhiều. Nhưng số được hưởng hỗ trợ rất ít do họ vừa làm nông nghiệp, vừa làm thêm những công việc thời vụ khác. Nhìn vào đây cũng thấy, đời sống, việc làm của họ đương nhiên bị ảnh hưởng trong khoảng thời gian từ cuối tháng 3 đến gần hết tháng 4. Giờ mọi việc trở lại bình thường, họ tiếp tục làm việc và duy trì thu nhập".

Ông Bùi Trọng Quỳnh, Trưởng phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Thanh Liêm cho rằng, việc làm đối với lao động nông thôn ở địa phương thời gian qua không quá khó khăn. Người dân vừa cấy lúa, vừa làm thêm nhiều việc khác để tăng thu nhập. Họ là người có quyền lựa chọn việc làm cho dù thời gian qua dịch bệnh Covid-19 bùng phát, tác động mạnh đến thị trường lao động nói chung. Hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn đều hoạt động ổn định, người lao động không bị mất việc làm hay bị giảm quá sâu về thu nhập, bởi các công ty trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội vẫn bố trí việc làm cho lao động thay phiên nhau.

Hướng chuyển đổi nghề cho lao động nông thôn ở Thanh Liêm
Lao động nông thôn ở Thanh Liêm chọn học nghề tại Trường Trung cấp công nghệ Hà Nam là giải pháp tốt nhất để có việc làm và thu nhập sớm, ổn định.

Yêu cầu mới trong chuyển đổi ngành nghề

Đại hội đảng bộ cơ sở ở Thanh Liêm diễn ra đúng dịp kết thúc thời gian thực hiện giãn cách xã hội. Trong nhiều tham luận trình bày tại đại hội đảng bộ các xã, thị trấn của Thanh Liêm đã đề cập sâu sắc đến tình hình lao động, việc làm ở nông thôn sau những tác động của dịch Covid-19. Ngoài việc quan tâm đến đào tạo nghề, vấn đề chuyển dịch lao động ở mỗi địa phương cũng được bàn luận sôi nổi. Ông Nguyễn Sỹ Quảng, Chủ tịch UBND xã Liêm Thuận cho rằng: "Việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp phổ biến như hiện nay đã góp phần giảm áp lực cho lao động nông thôn, tạo điều kiện cho nhiều gia đình rút bớt nhân lực khỏi lĩnh vực sản xuất nông nghiệp để chuyển sang làm việc ở những ngành nghề khác. Tuy nhiên, do lao động xuất phát từ nông nghiệp nên trình độ tay nghề không cao, kéo theo mức lương thấp so với mặt bằng chung trong khu vực. 30% lao động có nghề phi nông nghiệp nhưng chủ yếu không có hợp đồng lao động trong lĩnh vực phi chính thức, không có bảo hiểm, không có hỗ trợ, việc làm sẽ bấp bênh, kéo theo thu nhập không đều… Vậy, làm sao để lao động nông thôn trong quá trình chuyển dịch việc làm có cơ hội nâng cao tay nghề, nâng cao thu nhập là bài toán đối với các địa phương trong nhiệm kỳ này?”.

Đảng bộ các xã Thanh Phong, Liêm Cần… đã đưa ra mục tiêu phấn đấu đạt tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo trong 5 năm tới đạt trên 65%, lao động có việc làm đạt trên 90%. Trong khi Thanh Liêm tiếp tục thực hiện tích tụ đất đai, phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại hóa, công nghiệp hóa, số lao động nông thôn sẽ không còn là nông dân truyền thống, tức là chuyển thành lao động phi nông nghiệp ngày càng tăng nhưng cơ hội để số lao động này tiếp cận các khu vực lao động ngoài nông nghiệp không dễ dàng.

Theo ông Hoàng Mạnh Dũng, Chủ tịch UBND huyện Thanh Liêm, chúng ta phải làm thế nào để số lao động này trở thành lao động phi nông nghiệp nhưng chính thức, có tay nghề, có thu nhập, có các điều kiện hưởng chính sách an sinh xã hội, bảo đảm tương lai được ổn định… Thanh Liêm trong thời gian tới cần có những mô hình phát triển gắn kết giữa sản xuất nông nghiệp - công nghiệp - thương mại-dịch vụ trên cùng địa bàn nông thôn. Nông dân có thể là doanh nhân hoặc có thể là công nhân trong các trang trại, các khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao… Người lao động nông thôn được tham gia vào thị trường lao động chính thức thông qua hợp đồng lao động, được đóng bảo hiểm xã hội, được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, có kỹ năng nghề và áp dụng, khai thác tốt công nghệ. Tuy nhiên, đây là việc làm rất khó đối với các địa phương khi quá trình tái cơ cấu nông nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới.

Chu Uyên

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy