Chủ động phòng dịch khi số ca F0 cộng đồng tăng cao

Những ngày gần đây số lượng ca nhiễm Covid-19 tăng cao, các cơ sở y tế, nhất là trạm y tế xã, phường, thị trấn trong tỉnh đều ở trong tình trạng quá tải về số bệnh nhân đến khai báo, đề nghị tư vấn, điều trị. Để giúp nhân dân chủ động phòng, chống dịch bệnh, không chủ quan, không hoang mang, lo lắng khi mắc Covid-19, các cấp, ngành, địa phương đang tích cực đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân thích ứng linh hoạt, an toàn trong điều kiện bình thường mới.

Hiện nay, số người nhiễm Covid-19 hầu như có ở tất cả các thôn, tổ phố, xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Nhiều gia đình có thành viên bị nhiễm Covid-19. Chị Nguyễn Thị Th. (Tổ 2, Phường Quang Trung, TP Phủ Lý) cho biết: Gia đình, người thân, họ hàng chị ở các lứa tuổi đều có người nhiễm Covid-19. Đa số đều có triệu chứng nhẹ (rát cổ, sốt, chảy nước mũi, ngạt mũi, đau đầu, mỏi người); một số người nặng hơn thì ho kéo dài, sốt cao (hơn 39 độ), đau tức ngực, mất ngủ… Tuy chưa có trường hợp nào tử vong nhưng hầu hết mọi người đều tỏ ra lo lắng. Nhiều gia đình người thân bị triệu chứng nhẹ cũng vội vã đi mua lá xông, các loại vitamin và thuốc kháng vi-rút về uống. Không ít người vì quá lo lắng đã mua test thử liên tục, hoặc căng thẳng dẫn đến sau khi khỏi bệnh bị mất ngủ dài ngày. Thuốc kháng vi –rút mà người thân chị mua giá khá đắt.

Chủ động phòng dịch khi số ca F0 cộng đồng tăng cao
Cán bộ, nhân viên Trạm Y tế xã Thanh Sơn (Kim Bảng) xác nhận ca bệnh F0 và hướng dẫn người dân điều trị Covid-19 tại nhà.

Ngược lại với những người lo lắng thái quá, không ít người lại có tâm lý chủ quan, coi thường dịch bệnh. Cũng là người bị nhiễm Covid-19, song anh Trần Tuấn A. (thôn Mễ Thượng, phường Liêm Chính, TP Phủ Lý) lại có phần chủ quan, cho rằng đây chỉ là cảm cúm thông thường. Khi có biểu hiện sốt, sổ mũi, đau người anh vẫn đi làm bình thường. Anh cho biết trong gia đình anh khi phát hiện có thành viên nhiễm Covid-19 nhưng mọi người vẫn ăn uống, sinh hoạt bình thường bởi quan niệm “ai rồi cũng sẽ nhiễm bệnh, không nhiễm trước thì nhiễm sau” nên không cần phải cách ly. Trong gia đình ai có biểu hiện sốt, đau mỏi cơ là coi như bị bệnh rồi nên cũng không cần phải xét nghiệm, chỉ cần đeo khẩu trang khi ra ngoài để hạn chế lây nhiễm cho người khác.

Có thể thấy, cả hai quan niệm và cách thích ứng trên (hoặc quá lo lắng với bệnh dịch đã dẫn tới tâm lý hoang mang, hoặc chủ quan, coi thường dịch bệnh) đều không phù hợp, dễ dẫn tới làm cho tình hình dịch bệnh càng thêm diễn biến phức tạp. Để nâng cao nhận thức của người dân về phòng chống dịch Covid-19, nhiều cấp, ngành, địa phương đã và đang tích cực đẩy mạnh các hình thức thông tin, tuyên truyền để nhân dân chủ động thích ứng an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tiền bạc.

Theo đó, cơ quan tuyên giáo từ tỉnh đến các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục tham mưu, chỉ đạo, phối hợp, hướng dẫn với các cấp, ngành, địa phương, đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền bằng những hình thức phù hợp, chú trọng phát huy hiệu quả vai trò của cơ quan thông tin, truyền thông và đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên. Mặt khác, bám sát chỉ đạo của cơ quan tuyên giáo cấp trên, chủ động hướng dẫn các địa phương, đơn vị tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực đẩy mạnh sản xuất, góp phần khôi phục, phát triển KT-XH kết hợp với thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch bệnh. Cùng với đó, duy trì thực hiện tốt công tác nắm bắt dư luận xã hội, đề xuất, tham mưu và tham gia, phối hợp giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh, nhất là vấn đề liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Cấp ủy, chính quyền các xã, phường, thị trấn cũng đã và đang đẩy mạnh thực hiện một số biện pháp thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân phòng, chống dịch bệnh. 

Tại xã Thanh Sơn (Kim Bảng), khi số ca F0 cộng đồng tăng cao, Đảng ủy, UBND, Ban Chỉ đạo (BCĐ) phòng chống dịch của xã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn về phòng, chống dịch bệnh. Đồng chí Phạm Văn Tú, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Thanh Sơn cho biết: Hiện số người nhiễm Covid-19 tại địa phương chiếm khoảng 10% dân số của xã, nhiều cán bộ y tế xã bị nhiễm Covid-19. BCĐ phòng chống dịch của xã đã chỉ đạo hằng ngày tăng cường 2 cán bộ của UBND sang giúp trạm y tế thực hiện các thủ tục xác nhận, khai báo y tế khi số ca F0 tăng cao, đồng thời trực tiếp làm công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn người dân tại trạm. Cấp ủy, chính quyền, BCĐ phòng chống dịch cũng tập trung chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền thông qua hội nghị của đảng ủy, chi bộ, ban, ngành, đoàn thể, phát huy tính năng của hệ thống truyền thanh cơ sở, vai trò của đội ngũ cộng tác viên, tuyên truyền viên… trong chuyển tải những thông tin về phòng chống dịch, phổ biến những biện pháp phòng, chống dịch tại cộng đồng, gia đình và quy trình làm các thủ tục xác nhận, khai báo y tế… Cấp ủy, chính quyền xã Thanh Sơn cũng rất chú trọng tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về tiêm phòng vắc-xin Covid-19 cho các đối tượng. Hiện tỷ lệ người dân trong độ tuổi đã được tiêm vắc-xin phòng Covid-19 của xã đạt 98,5%. 

Phát huy thế mạnh được cập nhật kiến thức cũng như trực tiếp điều trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19, Thạc sỹ, bác sỹ Lại Xuân Dũng, Phó trưởng Khoa Điều trị tích cực, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã và đang tích cực tập huấn, hướng dẫn về cách phòng tránh, điều trị bệnh nhân Covid-19 cho cán bộ các cơ sở y tế trong tỉnh. Theo bác sỹ Lại Xuân Dũng, hiện nay, khi số bệnh nhân F0 trong cộng đồng tăng cao đã xuất hiện tình trạng người dân do lo lắng thái quá mà tự ý đi tìm mua thuốc kháng sinh, thuốc kháng vi-rút, hoặc thuốc không có nguồn gốc xuất xứ về sử dụng. Nhiều người dân còn tích trữ test để thường xuyên test Covid-19 cho bản thân và gia đình. Do tâm lý này mà nhiều người dân đã mua thuốc và test thử với giá cao hơn nhiều so với giá niêm yết của Bộ Y tế. Việc sử dụng bộ test và thuốc điều trị không theo chỉ định của bác sỹ không những gây lãng phí, tốn kém về kinh tế của gia đình, tạo cơ hội cho đầu cơ, trục lợi mà còn gây hại cho chính sức khỏe người dùng, thậm chí làm giảm khả năng miễn dịch của cơ thể và gây ra những biến chứng khó lường sau này. Đáng lo ngại là một số loại thuốc mặc dù đã cấm chỉ định với phụ nữ mang thai, trẻ em nhưng vẫn có người tự ý mua về sử dụng tùy tiện.

Cũng theo bác sĩ Lại Xuân Dũng, để tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, trước hết ngành y tế tập trung thực hiện tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn phòng bệnh đối với cán bộ, nhân viên trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố, trạm y tế xã, phường, thị trấn. Mặt khác, tích cực hỗ trợ chẩn đoán, điều trị một số bệnh liên quan tới Covid và hậu Covid-19. Trong quá trình thăm khám, điều trị cho bệnh nhân luôn nhắc nhở, hướng dẫn bệnh nhân và người nhà về một số phương pháp phòng, chống dịch bệnh tại cơ sở y tế, gia đình và cộng đồng. Cùng với đó, tích cực phối hợp với cơ quan truyền thông, báo chí trao đổi, hướng dẫn nhân dân không hoang mang, lo lắng thái quá nhưng cũng không chủ quan, lơ là trong phòng chống dịch bệnh, tiếp tục thực hiện nghiêm những khuyến cáo, hướng dẫn của ngành y tế.

Sự phối hợp vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương và cơ quan chuyên môn sẽ góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân về phòng chống dịch Covid-19, hạn chế những diễn biến phức tạp về sức khỏe đối với các ca nhiễm bệnh, nhất là những ca bệnh điều trị tại nhà. 

Nguyễn Hằng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.