Tỷ lệ tiêm vắc xin phòng Covid-19 mũi 4 trong các KCN quá thấp, vì sao?

Đến ngày 5/8/2022 mới có 35% người lao động(NLĐ) tại các khu công nghiệp(KCN) trên địa bàn tỉnh tiêm vắc xin phòng Covid-19 mũi nhắc lại lần 2(mũi 4). Tỷ lệ này là quá thấp, nguy cơ bùng phát dịch cao khi dịch Covid-19 trên thế giới còn phức tạp và khó lường, khi một số biến thể phụ của dòng Omicron đã xâm nhập vào nước ta với khả năng lây lan nhanh.

Hiện tại có khoảng 80.000 NLĐ đang làm việc tại các KCN trên địa bàn tỉnh, nhưng đến ngày 5/8/2022 mới có 28.608 lao động tiêm vắc xin phòng Covid-19 mũi 4, chiếm tỷ lệ 35%. Trong đó KCN Đồng Văn I: 7.995 người đã tiêm mũi 4, KCN Đồng Văn II: 10.873 người; KCN Châu Sơn và Thanh Liêm: 4.747 người; KCN Hòa Mạc: 2.250 người; KCN Đồng Văn IV: 1.172 người; KCN Đồng Văn III: 1.271 người.

Tỷ lệ tiêm vắc xin phòng Covid19 mũi 4 trong các KCN quá thấp vì sao
Cán bộ y tế lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc Covid-19 cho công nhân KCN Châu Sơn (TP.Phủ Lý) đợt bùng phát dịch ở Phủ Lý cuối năm 2021.

Ông Đỗ Văn Huynh-Trưởng phòng Quản lý Doanh nghiệp, Ban quản lý KCN tỉnh cho biết, tỷ lệ tiêm vắc xin ở KCN Đồng Văn I, II hiện đang đạt cao nhất, khoảng trên 50% so với tổng số NLĐ. KCN Đồng Văn III, IV tỷ lệ tiêm khoảng 40%. Thấp nhất là KCN Châu Sơn(Phủ Lý), tỷ lệ tiêm vắc xin dưới 30%.

Theo đánh giá của ông Phạm Bá Tùng, Phó trưởng Ban quản lý các KCN tỉnh, tỷ lệ tiêm mũi 4 trong các KCN trên địa bàn tỉnh thấp do một số nguyên nhân. Thứ nhất, nhiều NLĐ tiêm mũi 3 chưa lâu nên chưa đủ điều kiện về thời gian để đăng ký tiêm mũi 4. Nhiều NLĐ đã từng bị mắc Covid-19 thấy triệu chứng bị nhẹ nên chủ quan không đăng ký tiêm mũi 4.

Ông Tùng cũng cho rằng, có một số NLĐ đã tiêm ở địa phương nơi cư trú nhưng các doanh nghiệp chưa thống kê hết. Nếu thống kê đầy đủ chắc tỷ lệ tiêm mũi 4 sẽ cao hơn.

Tỷ lệ tiêm vắc xin phòng Covid19 mũi 4 trong các KCN quá thấp vì sao
Tiêm vắc xin phòng Covid-19 mũi 1 cho công nhân KCN Châu Sơn, Phủ Lý dịp cuối năm 2021.

Được biết, thời gian qua Ban quản lý các KCN tỉnh thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở các doanh nghiệp thực hiện các biện pháp PCD Covid-19, đặc biệt là vận động NLĐ tiếp tục tiêm vắc xin phòng Covid-19. Nếu doanh nghiệp nào tỷ lệ tiêm đạt thấp, để xảy ra bùng phát dịch sẽ phải chịu trách nhiệm. Tổ chức công đoàn tại các công ty cũng vào cuộc vận động đoàn viên đủ điều kiện đăng ký tiêm vắc xin mũi 4. Tuy nhiên khá nhiều NLĐ vẫn có tâm lý chủ quan, cho rằng tỷ lệ người mắc bệnh trong cộng đồng không cao, khó lây nhiễm bệnh, và giả dụ không may có bị  lây nhiễm cũng sẽ bị nhẹ...

Theo ông Phạm Bá Tùng, tuyên truyền đẩy mạnh việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 mũi 4 trong KCN hiện vẫn đang tiếp tục được Ban quản lý KCN tỉnh chú trọng. Đến ngày 6/8 số lượng công nhân trong các KCN của tỉnh được tiêm liều nhắc lại lần 2 (mũi 4) đã tăng hơn, khoảng 30.000 công nhân thay vì trên 28.600 như ở thời điểm ngày 5/8.

Tính từ đợt dịch ngày 20/9/2021 đến 5/8/2022 tại các doanh nghiệp trong các KCN có 12.016 ca  nhiễm Covid-19, trong đó phát hiện tại nhà máy 5.297 ca, phát hiện tại khu dân cư và khu cách ly 6.719 ca. Tính riêng từ ngày 5/2/2022(tức mồng 5 Tết Nhâm Dần) đến ngày 4/3/2022 có 8.692 ca F0, trong đó có 4.510 ca phát sinh tại nhà máy. Từ 5/3 đến 7/4/2022 là 2.247 ca, trong đó có 276 ca phát sinh tại nhà máy. Từ 8/4 đến 5/8/2022 có 48 ca F0 đều phát hiện tại địa phương. Qua các số liệu trên thấy rõ vắc xin phòng Covid-19 đã có tác dụng lớn thế nào trong kiểm soát dịch, giảm số ca mắc. Càng về sau, tỷ lệ tiêm phòng liều cơ bản, liều nhắc lại càng cao, cùng với việc kiểm soát dịch tốt hơn, nên số ca F0 trong các KCN càng giảm mạnh. 

Tỷ lệ tiêm vắc xin phòng Covid19 mũi 4 trong các KCN quá thấp vì sao
Hiện nhiều công nhân chủ quan không đăng ký tiêm vắc xin phòng Covid-19 mũi 4, nhưng một số công nhân vẫn chủ động đăng ký tiêm. (Ảnh: Công nhân Công ty TNHH YokoWo, KCN Đồng Văn II làm thủ tục tiêm vắc xin phòng Covid-19 mũi 4)

Các KCN là nơi tập trung đông công nhân làm việc trong một không gian kín, vì thế rất dễ xảy ra bùng phát dịch nếu công tác PCD không được thực hiện triệt để, tỷ lệ tiêm phòng vắc xin không cao. NLĐ từng mắc Covid-19 cảm thấy nhẹ là do đã được tiêm vắc xin.

Tuy nhiên sau một thời gian tiêm kháng thể sẽ hết, cần phải tiêm mũi tiếp theo mới có kháng thể phòng, chống lại dịch bệnh. Nếu không tiêm các mũi tăng cường rất dễ bị lây nhiễm Covid-19, khi nhiễm dễ bị nặng.

Nếu để xảy ra dịch bùng phát trong các KCN sẽ khó khống chế, và thiệt hại về kinh tế, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh là vô cùng lớn. Vì thế việc tích cực đẩy mạnh tuyên truyền, quyết liệt trong các biện pháp để NLĐ chủ động đăng ký tiêm các mũi nhắc lại theo đúng kế hoạch là cực kỳ quan trọng, nhằm thực hiện chủ động, dự phòng trong PCD, bảo vệ từ xa sức khỏe NLĐ, duy trì bền vững sản xuất kinh doanh.

Đỗ Hồng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.