Tổng kết 10 năm thực hiện Đề án phát triển hệ thống các trường THPT chuyên giai đoạn 2010- 2020

Sáng ngày 21/1, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Đề án 959/QĐ-TTg ngày 24/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển hệ thống trường trung học phổ thông chuyên giai đoạn 2010-2020”.

Đồng chí Nguyễn Kim Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT dự và chỉ đạo hội nghị. Cùng dự còn có lãnh đạo các bộ, ngành và lãnh đạo 63 tỉnh, thành. Tại điểm cầu tỉnh Hà Nam, đồng chí Trần Xuân Dưỡng, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Sở GD&ĐT, lãnh đạo Trường THPT chuyên Biên Hòa đã tham dự hội nghị.

Tổng kết 10 năm thực hiện Đề án phát triển hệ thống các trường THPT chuyên giai đoạn 2010 2020
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Hà Nam.

Sau 10 năm thực hiện Đề án 959, đến nay, hệ thống các trường chuyên trong cả nước đã có sự phát triển mạnh mẽ về quy mô, chất lượng giáo dục, đạt được nhiều kết quả nổi bật. Theo đó, hệ thống các trường chuyên đã được củng cố và phát triển với 77 trường; mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung uơng đã có ít nhất 1 trường chuyên; tổng số học sinh trường chuyên hiện chiếm khoảng 2,7% số học sinh THPT toàn quốc.

Mạng lưới trường chuyên được quy hoạch phù hợp với mục tiêu phát triển giáo dục của toàn ngành và địa phương. Các trường chuyên được đầu tư, nâng cấp thành các trường đạt chuẩn quốc gia, có chất lượng giáo dục cao. Một số trường THPT chuyên có chất lượng giáo dục ngang tầm các trường trung học tiên tiến trong khu vực và quốc tế.

Cùng với sự đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, ở các trường chuyên, đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cũng được quan tâm phát triển đảm bảo hợp lý về cơ cấu, đạt mức cao của chuẩn nghề nghiệp. Hiện, trong hệ thống các trường chuyên, tỉ lệ nhà giáo có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ chiếm gần 55%.

Với nhiều yếu tố thuận lợi, sau 10 năm thực hiện Đề án, chất lượng giáo dục trong các trường chuyên đã chuyển biến cơ bản theo hướng tiếp cận với trình độ tiên tiến của thế giới. Qua đánh giá, tỉ lệ học sinh giỏi (HSG) của các trường chuyên trong cả nước tăng dần qua các năm học, từ 46,14% năm học 2010- 2011 lên 76,39% năm học 2019- 2020; tỉ lệ học sinh trường chuyên có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế tăng gần 4% sau 10 năm học. Các trường chuyên đã thực hiện tốt các chương trình giáo dục, thực hiện thí điểm giảng dạy một số môn học khoa học bằng tiếng Anh, duy trì tổ chức nhiều hoạt động giáo dục tích cực nhằm bồi dưỡng năng khiếu cho học sinh theo các lĩnh vực chuyên. 

Để nâng cao dần chất lượng, các trường chuyên đã tăng cường đổi mới phương thức tuyển sinh; nghiên cứu đổi mới việc tổ chức thi HSG; tuyển chọn, bồi dưỡng đội tuyển dự thi Olympic quốc tế và khu vực; tham gia các kỳ thi mang tính giao lưu giữa các trường chuyên thuộc các vùng trong cả nước. Trong 5 năm gần đây, kết quả thi Olympic khu vực và quốc tế của các đoàn HSG Việt Nam đạt mức cao, các kỳ thi chọn HSG quốc gia tăng đều về chất lượng và số lượng giải. Bên cạnh đó, hệ thống các trường chuyên đã tạo sự liên thông giữa việc phát hiện, bồi dưỡng học sinh năng khiếu với việc đào tạo ở đại học và tăng cường hợp tác nhằm trao đổi kinh nghiệm về tuyển chọn, bồi dưỡng và phát triển năng khiếu học sinh, thu hút nguồn lực vào phát triển hệ thống các trường THPT chuyên.

Đối với tỉnh Hà Nam, trong 10 năm qua, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản về chế độ, chính sách thu hút nhân tài, khuyến khích việc dạy của giáo viên và học của học sinh, trong đó, tập trung xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển và tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý trong Trường THPT chuyên Biên Hòa; chỉ đạo nhà trường tích cực đổi mới chương trình, tài liệu dạy học và tuyển sinh, thi HSG…Đến nay, chương trình giáo dục nhà trường đã dần đi vào ổn định, đạt kết quả cao và đáp ứng được yêu cầu đổi mới GD&ĐT. Trường THPT chuyên Biên Hòa luôn dẫn đầu các trường THPT trong toàn tỉnh về tỉ lệ đạt giải và chất lượng giải thi HSG cấp tỉnh. Đặc biệt, kết quả trong các kỳ thi chọn HSG quốc gia, quốc tế luôn giữ mức ổn định, đạt và vượt các chỉ tiêu đề ra hàng năm, đáp ứng được yêu cầu của Đề án.

Tuy nhiên, trong hoạt động của hệ thống các trường chuyên hiện còn bộc lộ một số hạn chế như: việc xây dựng các trường chuyên trọng điểm chưa được triển khai mạnh, chưa đạt kết quả rõ rệt; còn nhiều trường chuyên chưa đạt chuẩn; một số trường chuyên chưa phát huy tốt vai trò đi đầu trong đổi mới tổ chức và quản lý hoạt động dạy học, quản lý nhà trường...

Tại hội nghị, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến tham luận, đề xuất một số nội dung để việc triển khai thực hiện Đề án trong thời gian tới đạt chất lượng và hiệu quả cao hơn.

Nhân dịp này, đã có 38 tập thể và 42 cá nhân, trong đó có tập thể Trường THPT chuyên Biên Hòa, tỉnh Hà Nam, được nhận Bằng khen của Bộ GD&ĐT do có nhiều thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Đề án 959. 

Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã ghi nhận, đánh giá cao những kết quả, thành tích đạt được trong 10 năm thực hiện Đề án 959. Để nâng cao hơn nữa hiệu quả Đề án và chất lượng hệ thống các trường chuyên trong những năm tiếp theo, đồng chí Bộ trưởng yêu cầu: Quá trình thực hiện Đề án cần được các địa phương, quan tâm gia tăng chất lượng đào tạo thông qua việc đầu tư phát triển toàn diện trường chuyên; chú ý đầu tư cả nhóm trường năng khiếu để làm cơ sở phát triển hệ thống trường chuyên. Đồng thời, việc đầu tư cho trường chuyên cần lưu ý đến giáo dục phổ cập và các chính sách bình đẳng trong giáo dục. Ngành giáo dục và các địa phương phải tính tới việc xây dựng hệ thống chuẩn riêng đối với các trường chuyên trên nền chuẩn chung cả về cơ sở vật chất, kiểm định chất lượng, tạo sự khác biệt và thể hiện rõ được tính sáng tạo của các địa phương.

Bên cạnh đó, hệ thống các trường chuyên cần tăng cường đổi mới và phát triển về mô hình, phương pháp, quan điểm coi phát triển trường chuyên là một khâu của nhiệm vụ phát hiện, bồi dưỡng nhân tài. Công tác đào tạo trong các trường chuyên có sự phát triển toàn diện, lấy mục tiêu phát triển con người làm nền tảng nhưng vẫn phải có phương pháp giáo dục đặc biệt- nhất là phương pháp giáo dục cá thể hóa, phù hợp với đào tạo tài năng; kiên quyết không chạy theo thành tích, dạy và học theo lối ứng thí, dạy và học vì các giải, huy chương…

Thanh Hà

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy