Quan tâm đào tạo nghề cho hội viên phụ nữ ở Lý Nhân

Những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Lý Nhân đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo nghề, qua đó góp phần nâng cao tỷ lệ lao động nữ đã qua đào tạo, giúp nhiều hội viên phụ nữ thoát nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống. 

Từ một hộ hội viên khó khăn, đến nay hộ chị Phạm Thị Én Hoài, hội viên Chi hội Phụ nữ thôn Tế Cát, xã Đức Lý đã có khu trại chăn nuôi trị giá trên 1 tỷ đồng.

"Năm 2016, tôi được tham gia lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật (KHKT) nuôi trồng thủy sản do Hội LHPN xã mở và được vay vốn. Với kiến thức đã được học, tôi mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, đồng thời mở rộng diện tích chăn nuôi của gia đình. Với diện tích hơn 3 mẫu, gia đình tôi quy hoạch thành khu thả cá trắm đen, khu chăn nuôi gia súc, gia cầm…, hằng năm trừ chi phí trang trại của gia đình tôi thường cho lãi hơn 100 triệu đồng." Chị Hoài chia sẻ.

Còn chị Nguyễn Thị Hoa, Chi hội Phụ nữ Thôn 3, xã Công Lý, chủ một cơ sở làm bánh phở khô với doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm cho biết: Đầu năm 2017, chi được các cấp hội LHPN tạo điều kiện cho theo học lớp chuyển giao KHKT và được vay nguồn vốn ưu đãi, chị đã mạnh dạn mở xưởng và đầu tư nhiều máy móc hiện đại sản xuất bánh phở khô, tạo việc làm thường xuyên cho gần 20 lao động, với thu nhập ổn định từ 7 – 10 triệu đồng/người/tháng.

Đó là 2 trong số nhiều hội viên được tham gia các lớp đào tạo nghề và vay vốn ưu đãi đã vươn lên làm kinh tế giỏi của Hội LHPN huyện Lý Nhân. 

Quan tâm đào tạo nghề cho hội viên phụ nữ ở Lý Nhân
Cơ sở sản xuất bánh phở khô của gia đình chị Nguyễn Thị Hoa, Chi hội Phụ nữ Thôn 3, xã Công Lý (Lý Nhân) thường xuyên tạo việc làm cho hơn 20 lao động địa phương.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Lý Nhân cho biết: Xác định công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho hội viên phụ nữ là nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt, hằng năm, Hội LHPN huyện đã chỉ đạo các cơ sở hội khảo sát nhu cầu học nghề của lao động nữ tại địa phương; chủ động xây dựng kế hoạch, mở lớp dạy nghề phù hợp với từng đối tượng.

Chỉ tính từ năm 2017 đến nay, hội đã phối hợp với các ngành tổ chức hơn 30 lớp đào tạo nghề may công nghiệp, mỹ ký, trồng rau hữu cơ, trồng lúa chất lượng cao, thêu ren, xâu chiếu chúc… cho gần 1 nghìn phụ nữ là lao động nông thôn tham gia; kết hợp với các doanh nghiệp trên địa bàn tổ chức giới thiệu 1.650 hội viên phụ nữ vào làm tại các công ty.

Ngoài ra, hội còn kết hợp với các phòng, ban chuyên môn của huyện triển khai các chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn; hướng dẫn cơ sở hội xây dựng các mô hình kinh tế hợp tác... nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương...Qua các lớp đào tạo nghề, nhiều chị em đã áp dụng những kiến thức, kỹ năng được học vào thực tiễn sản xuất, không những làm giàu cho bản thân mà còn giúp nhiều chị em phát triển kinh tế gia đình, cải thiện cuộc sống vươn lên làm giàu chính đáng. 

Cùng với công tác đào tạo nghề, hội còn đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội giúp hội viên vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh. Tính đến tháng 2/2022, hội đang quản lý hơn 140 tỷ đồng giúp hơn 3 nghìn hội viên vay sản xuất, kinh doanh.

Cùng với việc hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi, hội còn thường xuyên quan tâm, giúp đỡ các hội viên bằng nhiều hình thức khác, như: Phối hợp với các ngành mở nhiều lớp tập huấn chuyển giao KHKT về trồng và chăm sóc rau an toàn, bảo vệ thực vật, trồng hoa, nuôi gà cho hàng nghìn hội viên.

Xây dựng và duy trì các mô hình “Tổ phụ nữ thu gom phế thải tiết kiệm giúp phụ nữ và trẻ em nghèo”; duy trì tốt mô hình “Tổ phụ nữ tiết kiệm giúp nhau mua BHYT”; “Ống tiền tiết kiệm”, “Lợn nhựa tiết kiệm”, “Hũ gạo tiết kiệm”… Tính từ năm 2016 trở lại đây, các cấp hội trên địa bàn toàn huyện đã tiết kiệm được hơn 5 tỷ đồng giúp phụ nữ nghèo có hoàn cảnh khó khăn vay không lấy lãi; vận động ủng hộ xây mới và sửa chữa 03 “Mái ấm tình thương” cho phụ nữ nghèo, phụ nữ đơn thân với số tiền 156 triệu đồng; tặng 9 con bò giống trị giá 117 triệu đồng cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn phát triển kinh tế; tặng sổ tiết kiệm và giúp đỡ các gia đình chính sách, gia đình khó khăn trên 300 triệu đồng…

Nhờ những chính sách ưu đãi, sự quan tâm giúp đỡ của hội, số hộ nghèo do phụ nữ làm chủ đã giảm dần qua các năm. Tính từ đầu năm 2017 đến nay, hội đã giúp gần một nghìn hộ nghèo do phụ nữ làm chủ thoát nghèo bền vững.

Xuân Tuân

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.