Nỗ lực thực hiện các tiêu chí văn hóa trong xây dựng nông thôn mới

Sau 10 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, Hà Nam đã có 3 huyện và 96/98 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Diện mạo nông thôn khởi sắc, đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của người dân từng bước được nâng cao. Trong việc thực hiện các tiêu chí nông thôn mới, hai tiêu chí về văn hóa luôn đặt ra những yêu cầu không dễ thực hiện đối với nhiều địa phương.

Nhà văn hóa thôn 2, Trần Bãi, xã Đinh Xá, TP. Phủ Lý.

Coi trọng công tác tuyên truyền

Thực hiện tiêu chí số 6 và số 16 trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới, ngành văn hóa – thể thao và du lịch đã chủ động phối hợp chặt chẽ với Ủy ban MTTQ tỉnh, các sở, ban, ngành, đoàn thể tổ chức thực hiện, trong đó, xác định công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phong trào, gắn kết phong trào xây dựng nông thôn mới với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” hiệu quả, thiết thực. Qua đây, các địa phương trong tỉnh đã quan tâm nâng cao hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa cơ sở, xây dựng mô hình xã hội hóa các khu trung tâm thể thao, giải trí… Từ đó, các mô hình câu lạc bộ văn nghệ, thể thao được thành lập, hoạt động đa dạng với nhiều hình thức khác nhau, góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Theo ông Lê Xuân Huy, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL), khi thực hiện tiêu chí về cơ sở vật chất văn hóa, tỉnh đã rất quan tâm đầu tư, có cơ chế phù hợp với điều kiện từng địa phương như bố trí quỹ đất, hỗ trợ kinh phí…; khơi dậy nguồn lực từ nhân dân, phát huy tinh thần gương mẫu, tiên phong của cán bộ, đảng viên trong đóng góp kinh phí thực hiện xây dựng cơ sở vật chất văn hóa.

Từ tác động của công tác xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở đã xuất hiện ngày càng nhiều gương người tốt, việc tốt, những điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Tại thôn 1, xã Đinh Xá, thành phố Phủ Lý, gia đình bà Nguyễn Thị Hoa đã ủng hộ trên 5 tỷ đồng xây dựng trường tiểu học của xã, tôn tạo di tích và quỹ vì người nghèo, chất độc da cam, quỹ khuyến học.

Ở Thanh Liêm, gia đình bà Đào Thị Lơ, thôn Thanh Khê, xã Thanh Hải đã ủng hộ trên 700 triệu đồng để xây dựng nhà văn hóa thôn, mua sắm, bổ sung trang thiết bị dạy và học cho trường tiểu học, xây dựng đình làng. Tại Lý Nhân, gia đình ông Nguyễn Huy Bân, xã Chính Lý đã hiến trên 70m2 đất, cùng hàng trăm triệu đồng xây dựng nhà văn hóa thôn, làm đường giao thông, xây dựng các tuyến đường hoa, làm đường điện thắp sáng tuyến đường trục thôn, giúp đỡ người nghèo, ủng hộ quỹ khuyến học, quỹ đền ơn đáp nghĩa. Gia đình bà Đinh Thị Tha, thôn Cao Cái, xã An Mỹ, huyện Bình Lục đã đóng góp 1 tỷ đồng xây dựng hệ thống luyện tập thể thao tại nhà văn hóa, hỗ trợ địa phương tôn tạo di tích, xây dựng bể bơi…

Đồng chí Hà Thị Minh Tâm, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cho rằng: Để nhân dân làm theo, vai trò của cán bộ, đảng viên ở cơ sở là vô cùng quan trọng. Nếu không làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, không có những cán bộ gương mẫu đi đầu làm gương thì khó huy động được nhân dân tham gia, hưởng ứng phong trào. Có sức dân rồi thì khó mấy cũng vượt qua.

Khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn lực

Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, hướng mục tiêu thực hiện phong trào nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân, các địa phương đã nỗ lực không ngừng trong việc thực hiện các tiêu chí văn hóa trong bộ tiêu chí nông thôn mới. Tính đến hết tháng 6 năm 2019, toàn tỉnh có 55/91 trung tâm văn hóa – thể thao xã đạt chuẩn theo quy định của Bộ VH-TT&DL; 590/590 thôn có nhà văn hóa – khu thể thao đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao của nhân dân, trong đó có 237/590 nhà văn hóa – khu thể thao thôn đạt chuẩn theo quy định của Bộ VH-TT&DL.

Thiết chế văn hóa được xây dựng tương đối đầy đủ, kiên cố đã thúc đẩy các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao phát triển với nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Có nhiều thôn, xóm thành lập từ 1 đến 2 câu lạc bộ, tổ/ đội văn nghệ, thể dục quần chúng thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Vì thế, toàn tỉnh có gần 2.000 câu lạc bộ, đội văn nghệ, thể thao các thôn, xóm, tổ dân phố. Đến hết năm 2018, số người thường xuyên tập thể dục, thể thao đạt 30,7% và số gia đình thể thao đạt 23,9%.

Phong trào xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa từng bước được nâng cao về chất lượng. Năm 2010, toàn tỉnh có 191.117/227.575 hộ gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa, đến năm 2018 đã có 235.579/262.665 hộ gia đình được công nhận gia đình văn hóa. Công tác xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của các thôn, làng, tổ phố trên địa bàn tỉnh được chính quyền địa phương triển khai sâu rộng, đưa vào tiêu chuẩn cơ bản, hàng đầu trong việc thực hiện xây dựng khu dân cư văn hóa. Năm 2010, toàn tỉnh có 875/1.298 khu dân cư đạt danh hiệu văn hóa (chiếm tỷ lệ 67,4%), đến năm 2018 đã có 1.129/1.234 khu dân cư đạt danh hiệu văn hóa (chiếm tỷ lệ 91,4%).

Thực tế, việc hoàn thành các tiêu chí về văn hóa trong xây dựng nông thôn mới 10 năm qua không dễ dàng đối với Hà Nam khi điều kiện kinh tế ở nhiều địa phương gặp khó khăn. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng, các địa phương đã xuyên suốt tinh thần chỉ đạo từ tỉnh, vận dụng phù hợp, sáng tạo các bước tiến hành, làm tốt công tác tuyên truyền, phối hợp; huy động và khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn xã hội hóa văn hóa thể thao; phát huy sáng tạo và hiệu quả phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Kết quả thực hiện hai tiêu chí về văn hóa trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở Hà Nam nhanh chóng hoàn thành, góp phần không nhỏ đưa phong trào về đích đúng theo kế hoạch.

Giang Nam

Chu Uyên

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy