Nỗ lực điều trị bệnh nhân Covid-19 ở Bệnh viện dã chiến số 1 Hà Nam

Trước tình hình số bệnh nhân mắc Covid-19 trên địa bàn tăng cao, ngày 23/9/2021, UBND tỉnh đã quyết định thành lập Bệnh viện (BV) dã chiến số 1 Hà Nam. Với tinh thần hết sức khẩn trương, chỉ sau 3 ngày có quyết định thành lập, BV bắt đầu thu dung bệnh nhân vào điều trị và đến 16/10 (tức là 20 ngày sau), BV dã chiến đã thu dung điều trị 450 bệnh nhân và đã điều trị khỏi cho 126 bệnh nhân.

Làm việc với cường độ gấp nhiều lần mức bình thường

 Bác sỹ Trần Đình Lợi, Phó Giám đốc BV Đa khoa tỉnh Hà Nam, Giám đốc BV dã chiến số 1 Hà Nam cùng 32 đồng nghiệp công tác ở BV Đa khoa tỉnh là những người đầu tiên nhận nhiệm vụ tại BV dã chiến. Anh cho biết, mặc dù nhận nhiệm vụ bất ngờ, gấp gáp nhưng tất cả mọi người đều nhanh chóng thu xếp công việc cá nhân để có mặt tại BV dã chiến và lập tức bắt tay vào chuẩn bị những điều kiện cần thiết để có thể tiếp nhận bệnh nhân ngay. Không kể là nhân viên hành chính hay y, bác sỹ, điều dưỡng, mọi người đều xắn tay làm các công việc chuẩn bị, từ sắp xếp máy móc ở các khoa phòng đến kê giường bệnh, lắp đặt trang thiết bị trong phòng bệnh, bố trí hệ thống biển báo, chỉ dẫn, căng dây phân định các khu vực,...

Nỗ lực điều trị bệnh nhân Covid19 ở Bệnh viện dã chiến số 1 Hà Nam
Lãnh đạo BV Dã chiến số 1 Hà Nam trao giấy ra viện cho bệnh nhân Covid-19 đã khỏi bệnh 

 Về tổ chức bộ máy, dù nhân lực những ngày đầu còn mỏng, nhưng BV đã kịp thời bố trí đủ 13/14 khoa chuyên môn theo đúng yêu cầu của một BV dã chiến, trong đó có một số khoa trọng yếu như: Khám sàng lọc cấp cứu, Hồi sức tích cực, Chăm sóc điều trị. Đêm đầu tiên (26/9), BV tiếp nhận dồn dập 30 bệnh nhân từ các khu dân cư trong tỉnh. Từng chuyến xe cấp cứu chở bệnh nhân liên tục nhập viện trong suốt đêm. Nhiều đêm sau nữa cũng vậy, đêm cao điểm nhất BV tiếp nhận 40 bệnh nhân. Thời gian đầu, các y, bác sỹ, điều dưỡng gần như làm việc suốt ngày đêm. Bác sỹ Lại Xuân Dũng, Phó Trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu chống độc BV Đa khoa tỉnh, Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn BV dã chiến số 1 Hà Nam chia sẻ: Về cường độ làm việc thì mọi người cứ hình dung đơn giản thế này, số bệnh nhân gấp 3 lần trong khi quân số BV (bao gồm cả cán bộ chuyên môn, nhân viên hành chính) chỉ đáp ứng 1/3 so với mức bình thường. Thế nên, anh chị em gần như làm việc suốt, ngơi việc trong buồng bệnh lại ra ngoài làm sổ sách hành chính, khối lượng công việc tăng cao, tiến độ triển khai ở tất cả các bộ phận đều phải hết sức khẩn trương, liên tục với quy trình cực kỳ cẩn trọng, nghiêm ngặt.

Tất cả vì sức khỏe bệnh nhân

Bác sỹ chuyên khoa I Huỳnh Ngọc Nga (công tác tại Trạm Y tế Văn Xá, Kim Bảng) là thành viên đoàn 4 ngành y tế Hà Nam đang chuẩn bị lên đường hỗ trợ tỉnh bạn Bình Dương chống dịch thì bất ngờ được huy động đến BV dã chiến số 1 Hà Nam làm nhiệm vụ. Bác sĩ Huỳnh Ngọc Nga tâm sự: Đêm 27/9 nhận nhiệm vụ, sáng 28/9 tôi đã có mặt tại BV dã chiến và được phân công làm ở Khoa sàng lọc cấp cứu. Trước đó, khoa chỉ có một mình bác sỹ Nguyễn Đức Mạnh (BV Đa khoa tỉnh) nên anh gần như ở suốt trong buồng bệnh. Khi tôi xuống, hai người thay phiên nhau, mỗi người mỗi ngày ở trong buồng bệnh 12 tiếng, làm tất cả mọi công việc, từ khám sàng lọc, điều trị, đánh giá, theo dõi bệnh nhân, đến cả những công việc chăm sóc toàn diện cho bệnh nhân,…

Công tác lâu năm ở trạm y tế nên khi làm việc trong môi trường có khối lượng công việc và áp lực lớn như BV dã chiến, ban đầu chị Nga khá bỡ ngỡ, nhưng được các đồng nghiệp, đặc biệt là bác sỹ Mạnh hỗ trợ rất nhiều nên chị nhanh chóng bắt nhịp và làm tốt mọi công việc. Bình thường bác sỹ chỉ làm công việc thăm khám, điều trị, còn những việc: tiêm truyền, cấp phát thuốc, vệ sinh, chăm sóc bệnh nhân,… do điều dưỡng viên, hộ lý làm, nhưng vì lúc đó dịch đang bùng mạnh thiếu cán bộ y tế nên tất cả đội ngũ thầy thuốc ở BV dã chiến đều căng sức làm tất cả mọi việc, không nề hà với một mục tiêu duy nhất là điều trị, chăm sóc tốt nhất cho bệnh nhân.

Ngoài việc điều trị, chăm sóc toàn diện cho bệnh nhân, các y, bác sỹ ở tất cả các cơ sở điều trị F0 nói chung, BV dã chiến số 1 Hà Nam nói riêng đều phải làm công tác tư tưởng để bệnh nhân không hoang mang, lo lắng, yên tâm, hợp tác điều trị. Bác sĩ Huỳnh Ngọc Nga kể: Có những cháu bé mới hơn 10 tuổi, chưa xa gia đình bao giờ, bây giờ một mình vào điều trị trong BV giữa những người xa lạ, các cháu gần như không muốn giao tiếp, chuyện trò với ai. Với bản tính phụ nữ, chị gần gũi, chăm sóc, làm quen giúp các cháu cởi mở dần và trò chuyện, tâm lý thoải mái, ăn uống tốt để nhanh khỏi bệnh. Không ít cụ già vốn mang nhiều bệnh nền, khi mới vào cũng vô cùng hoang mang, lo lắng, nhất là không có người thân cạnh bên, chị đã động viên, chuyện trò để các cụ an tâm chữa trị. Lại có trường hợp cháu bé 15 ngày tuổi thuộc diện đối tượng F1 phải theo bố mẹ là F0 cùng vào khu điều trị, các chị phải bố trí khu vực riêng cho em bé, hướng dẫn mẹ vắt sữa, cung cấp trang phục bảo hộ để mẹ cùng bác sỹ chăm sóc em bé đầy đủ và cố gắng giữ để bé không bị lây bệnh…

Nỗ lực cống hiến và những niềm vui

Không chỉ làm việc trong điều kiện dã chiến, mà các y, bác sĩ còn phải chấp nhận sinh hoạt trong điều kiện dã chiến. Tất cả bệnh nhân đều được bố trí đủ giường, nhưng cán bộ y tế thì chưa thể trang bị kịp. Mới đây 3 đồng chí lãnh đạo bệnh viện được bố trí 3 chiếc giường, nhưng đến thời điểm ngày 14/10 thợ mới làm xong 2 chiếc. Hơn 80 cán bộ y tế đều trải đệm thẳng xuống nền nhà để nằm, 4 người/phòng, khắc phục mọi khó khăn để tập trung chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân, mong bà con nhanh khỏi bệnh, anh em cũng hoàn thành nhiệm vụ được giao phó.

Đã có một điều dưỡng viên làm việc tại BV dã chiến bị phơi nhiễm mắc Covid-19, nhưng những người còn lại không vì thế mà nản chí hay sợ hãi. Họ vẫn vững tâm tiếp tục kiên cường làm việc, bởi ai cũng hiểu cấp ủy, chính quyền, lãnh đạo, đồng nghiệp đã tin tưởng giao phó trách nhiệm và người dân đang rất trông mong, hy vọng.

Niềm vui lớn nhất với đội ngũ cán bộ y tế nơi đây trước hết là sự biết ơn từ những bệnh nhân và người nhà. Đến ngày 16/10, đã có 126 bệnh nhân điều trị tại BV khỏi bệnh và được xuất viện. Bệnh nhân khi nhập viện mang theo biết bao lo lắng, bất an, nhưng được sự tận tâm chữa trị, động viên từ những cán bộ y tế đã nhanh chóng khỏi bệnh và được xuất viện. Ai cũng phấn khởi khi trở lại cuộc sống thường ngày và gửi những lời cảm ơn từ tận đáy lòng đến đội ngũ y, bác sỹ - những người đã đồng hành cùng họ trong suốt những ngày khó khăn, nguy hiểm.

Niềm vui của các cán bộ y tế ở BV dã chiến còn được nhân lên bởi sự quan tâm, động viên kịp thời từ phía cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức, doanh nghiệp và người dân. Đây chính là sức mạnh giúp đội ngũ cán bộ y tế đang làm việc tại BV dã chiến số 1 Hà Nam thêm vững vàng, tự tin, nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nơi tuyến đầu chống dịch.

Đỗ Hồng 

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.