Nâng cao hiệu quả hoạt động của các chợ nông thôn

Theo tổng hợp của Sở Công thương, trên địa bàn tỉnh hiện nay có 110 chợ, trong đó có một chợ loại I, 3 chợ loại II, còn lại là chợ loại III. Các chợ trên địa bàn tỉnh cơ bản được quy hoạch, xây dựng bảo đảm theo đúng quy định, phục vụ kịp thời nhu cầu tiêu thụ và cung cấp hàng hóa cho người dân trong vùng. Tuy nhiên, hiện nay nhiều chợ nông thôn sau khi được xây dựng hoạt động không hiệu quả.

Cán bộ Sở Công thương và UBND thành phố Phủ Lý tham quan “mô hình chợ an toàn thực phẩm” ở  TP. Phủ Lý để rút kinh nghiệm nhân ra diện rộng.

Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, thời kỳ đầu các tiêu chí bắt buộc về cơ sở hạ tầng phải có chợ. Thực hiện quy định này nhiều xã trên địa bàn tỉnh đầu tư xây dựng công trình chợ, song khi đưa vào sử dụng lại không hiệu quả. Đơn cử như xã Liêm Thuận (Thanh Liêm), năm 2008, xây dựng chợ Chằm có diện tích 6.000 m2 với tổng nguồn vốn đầu tư hơn 6 tỷ đồng. Vị trí chợ nằm ngay trung tâm xã, gần đường huyện thuận lợi cho giao thương. 

Theo thiết kế, chợ được xây dựng hai giai đoạn, trong đó giai đoạn I chủ yếu san lấp mặt bằng, xây dựng một số hạng mục, giai đoạn II xây dựng ki - ốt và đình chợ. Khi đưa vào sử dụng, chợ Chằm có 23 ki - ốt và một đình chợ phục vụ nhân dân địa phương trao đổi mua bán hàng hóa, song nhiều năm qua hầu hết các vị trí ki - ốt ở chợ Chằm thường xuyên đóng cửa không kinh doanh được. Khu đình chợ bỏ hoang, cỏ mọc um tùm, người dân mua bán hàng hóa thưa thớt.

Cũng giống như chợ Chằm ở xã Liêm Thuận, hiện chợ ở xã Tiên Tân (thành phố Phủ Lý), chợ Đặng ở xã Văn Xá (Kim Bảng), đầu tư nguồn vốn lớn song giao thương không hiệu quả. Theo tiểu thương ở các xã trên thì việc chọn vị trí xây dựng chợ chưa phù hợp; quy mô xây dựng quá lớn so với thực tế nhu cầu giao thương của bà con. 

Ngoài những hạn chế trên, hiện nay nhiều công trình chợ nông thôn trên địa bàn tỉnh quy hoạch chi tiết các khu kinh doanh hàng hóa theo nhóm chưa được thực hiện, dẫn tới thực phẩm tươi sống bày bán lẫn với thực phẩm chín, gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm (VSTP) và tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm chéo, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.

Để nâng cao hiệu quả chợ nông thôn, các huyện và thành phố chỉ đạo các xã, thị trấn chọn vị trí xây dựng chợ phải phù hợp, cần lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân, nhất là tiểu thương. Không nhất thiết mỗi xã phải có một chợ, có thể xây dựng chợ theo vùng, bảo đảm khi đưa vào khai thác hiệu quả. Đối với việc tăng cường quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm ở các chợ, Sở Công thương đã triển khai xây dựng "Mô hình chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm" trên địa bàn tỉnh. Mô hình này được xây dựng điểm tại chợ thị trấn Đồng Văn (Duy Tiên) từ năm 2017, sau đó nhân rộng ra chợ Bầu (thành phố Phủ Lý). 

Về yêu cầu, Sở Công thương đã lựa chọn chợ bảo đảm an toàn VSTP được xây dựng với điều kiện: Chợ không bị ngập nước, đọng nước; chợ cách ly nguồn nước gây ô nhiễm; đã phân ra các khu chức năng riêng biệt; xây dựng kiên cố hoặc mới sửa chữa nâng cấp; có hệ thống chiếu sáng đầy đủ; có hệ thống thoát nước và cấp nước đến từng hộ kinh doanh thực phẩm; có dịch vụ dọn vệ sinh và thu gom rác thải từng ngày; bố trí nhà vệ sinh cách biệt với khu kinh doanh thực phẩm. 

Ngoài ra, chợ có nội quy, quy định về việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP), niêm yết công khai sơ đồ chỉ dẫn phân khu. Yêu cầu đối với cơ sở kinh doanh thực phẩm động vật phải có bàn bán hàng cách sàn chợ 75 cm, mặt bàn ốp đá tự nhiên không thôi nhiễm, không ăn mòn, dễ vệ sinh, dao thớt làm bằng vật liệu không gỉ. Đối với cơ sở kinh doanh rau, củ, quả có trang bị dụng cụ giá kệ bày bán hợp vệ sinh. Người trực tiếp kinh doanh, chế biến thực phẩm đã được bồi dưỡng kiến thức về vệ sinh ATTP. Người chế biến đồ ăn uống phải sử dụng bảo hộ lao động, đeo găng tay, khẩu trang; quầy bán hàng được trang bị tủ bảo quản thực phẩm.

Ông Đặng Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: Trong quá trình xây dựng chợ an toàn VSTP, chủ yếu là nguồn vốn của tiểu thương đầu tư, còn lại Nhà nước chỉ hỗ trợ một phần mua sắm một số dụng cụ, xây dựng lại bệ bán hàng cùng một kích thước. Tại các quầy bán hàng, sắp xếp các nhóm hàng cùng loại kinh doanh thành dãy riêng biệt. Sở Công thương đã tổ chức tập huấn cho tiểu thương về vệ sinh ATTP, kỹ năng bán hàng. Thời gian tới, Sở Công thương sẽ phối hợp với các địa phương phấn đấu mỗi năm xây dựng 2 chợ an toàn VSTP, trong đó trước hết tập trung xây dựng tại chợ ở thị trấn, thị tứ, chợ vùng.

Cũng theo ông Tuấn, để xây dựng chợ vệ sinh ATTP bền vững, hiệu quả, ngoài việc đầu tư xây dựng các quầy hàng hóa tại chợ đòi hỏi phải có thực phẩm an toàn cung ứng cho tiểu thương. Muốn làm được việc này đòi hỏi các cấp, các ngành chức năng tăng cường quản lý vệ sinh ATTP từ khâu sản xuất đến tiêu dùng, có như vậy các quầy hàng ATTP mới thực sự phát huy tác dụng.

Trần Hữu

Trần Thoan

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy