Kim Bảng phấn đấu trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu

Ngay sau khi đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) năm 2017, Kim Bảng tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí, phấn đấu đến hết năm 2020 trở thành huyện NTM kiểu mẫu.

Xác định NTM phải “mới” từ mỗi nhà đến xóm, thôn rồi lan ra cả xã, cả huyện, vì vậy, xuyên suốt những năm qua, thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Kim Bảng đã xây dựng kế hoạch cụ thể, bám sát các mục tiêu, chỉ tiêu của từng tiêu chí để tổ chức thực hiện một cách trọng tâm và toàn diện.

Một góc xã Thanh Sơn, Kim Bảng. Ảnh: Thế Tân

Cơ cấu kinh tế phát triển theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp dịch vụ, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp (năm 2017: nông, lâm nghiệp và thủy sản 13,1%; công nghiệp - xây dựng 64,2%; dịch vụ 22,7%) đã góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho dân cư nông thôn. Năm 2011, bình quân thu nhập đầu người toàn huyện mới đạt 21,7 triệu đồng/người/năm, năm 2015 nâng lên 35,8 triệu đồng và năm 2017 đạt 54,8 triệu đồng. 

Để nâng cao thu nhập cho người dân, những năm qua, Kim Bảng tập trung phát huy nội lực, khai thác tiềm năng, thế mạnh sẵn có tại địa phương đẩy mạnh phát triển toàn diện nền kinh tế.

Trong sản xuất nông nghiệp, Kim Bảng thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, chú trọng khâu liên kết cung ứng giống, tiêu thụ. 

Các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị như sản xuất lúa giống và lúa Nhật chất lượng với các công ty giống cây trồng Trung ương, Thái Bình, Nam Dương, An Phát... cho giá trị cao hơn từ 20 - 25% so với sản xuất thông thường.

Huyện hình thành vùng liên kết sản xuất cây màu (bí, ngô, dưa xuất khẩu) có giá trị cao liên kết bao tiêu sản phẩm với các công ty chế biến nông sản. Chăn nuôi được mở rộng theo hướng trang trại, gia trại tập trung; thực hiện theo phương thức nuôi công nghiệp, bán công nghiệp.

Thực hiện việc tích tụ, tập trung ruộng đất để sản xuất nông sản sạch (rau, củ, quả, hoa, lúa chất lượng cao) trên địa bàn đã có 2 doanh nghiệp chế biến nông sản, 5 cửa hàng giới thiệu và cung ứng sản phẩm nông nghiệp sạch, góp phần phát triển toàn diện sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững và nâng giá trị sản phẩm bình quân 1 ha đất canh tác đạt từ 85 triệu đồng/ha năm 2010 lên 180 triệu đồng/ha năm 2017.

Song song với phát triển nông nghiệp, huyện đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ, thúc đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn. Hiện Kim Bảng xây dựng được 3 cụm công nghiệp (Biên Hòa, Thi Sơn và Nhật Tân) thu hút nhiều doanh nghiệp sản xuất các ngành nghề: giấy xuất khẩu, vật liệu xây dựng, cơ khí, chế biến gỗ...

Bên cạnh đó, các làng nghề được quan tâm phát triển, đặc biệt là bảo tồn và phát triển làng nghề gốm Quyết Thành. Đã có 5 nhà đầu tư gốm, sứ được UBND tỉnh chấp thuận đầu tư với số vốn 21,4 tỷ đồng. Các làng nghề đã thu hút tạo việc làm cho nhiều lao động. Đến năm 2017, số lao động trong độ tuổi có việc làm đạt tỷ lệ 95,61%.

Nhờ được tạo việc làm và thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội nên tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm nhanh. Đến nay, các xã trên địa bàn huyện đều đạt tỷ lệ hộ nghèo không thuộc chính sách bảo trợ xã hội đạt dưới 2% (bình quân chung các xã đạt 1,23%).

Cơ sở sản xuất gốm Gia Long, làng gốm Quyết Thành, thị trấn Quế. Ảnh: Thế Tuân

Hiện nay, Kim Bảng có 100% km đường do huyện quản lý bảo đảm giao thông thuận tiện và kết nối tới trung tâm hành chính các xã. Hệ thống công trình thủy lợi nội đồng thông suốt từ công trình đầu mối đến mặt ruộng. Hệ thống điện bảo đảm an toàn, đạt chuẩn và đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ khám chữa bệnh từ huyện đến cơ sở được xây dựng mới và nâng cấp đã từng bước đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Bệnh viện huyện đạt tiêu chuẩn hạng 3 theo quy định Thông tư số 35 ngày 25/8/2005 của Bộ Y tế. Hiện cả 4 trường THPT đều đạt chuẩn quốc gia. 18 xã đều có các tổ, đội thu gom rác thải và có bể trung chuyển rác thải. Phong trào trồng hoa nông thôn mới được nhân rộng tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp.

Tiếp tục xây dựng NTM có kinh tế phát triển toàn diện, bền vững; nông thôn phát triển, ngay sau khi đạt chuẩn xã và huyện NTM, Kim Bảng triển khai ngay việc xây dựng xã NTM kiểu mẫu; đồng thời huyện củng cố và nâng cao 9 tiêu chí đã đạt chuẩn, phấn đấu đến hết năm 2020 trở thành huyện NTM kiểu mẫu.

Thực hiện mục tiêu này, Kim Bảng tập trung nguồn lực nâng cao chất lượng các tiêu chí; nhất là củng cố và nâng cao cơ sở hạ tầng thiết yếu nông thôn, xây dựng và phát triển nông thôn toàn diện theo hướng hiện đại. Bên cạnh đó, quan tâm phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ nông thôn; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ, tạo đột phá để thực hiện công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông thôn; đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ có hiệu quả, phát triển nhanh kinh tế nông thôn nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.

Là huyện có nhiều lợi thế và tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội, trong những năm qua dân chủ ở cơ sở được tăng cường và với những quyết sách đúng đắn, cách làm phù hợp với thực tiễn của địa phương, Kim Bảng đã phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là phát huy vai trò chủ thể của người dân đoàn kết, chung sức, chung lòng, tích cực tham gia xây dựng NTM. Xã NTM kiểu mẫu và huyện NTM kiểu mẫu chính là đích hướng tới trên bước đường xây dựng quê hương Kim Bảng ngày càng phồn thịnh văn minh. 

Phạm Hồng Sơn, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Kim Bảng

Phạm Hồng Sơn, Trang Tuân

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy