Hà Nam nỗ lực thực hiện chương trình giảm nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025

>>> Bài 1: Thay đổi tư duy về chuẩn nghèo và giảm nghèo

>>> Bài 2: Chủ động chuyển đổi ngành nghề khi sản xuất bị tác động bởi dịch bệnh

Bài 3: Giải pháp nào giúp nông dân thoát nghèo bền vững ?

Không ai biết khi nào thì dịch Covid-19 kết thúc. Cả hệ thống chính trị và nhân dân đều xác định mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Người nông dân nếu làm ruộng không lời lãi, không thể giàu có được, thì ai sẽ là người giúp họ thoát nghèo? Bài toán giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 sẽ khó giải hơn nếu không có giải pháp giúp nông dân có việc làm, có thu nhập ổn định.

Tạo việc làm và đa dạng hoá sinh kế cho người nghèo

Hơn 60% lao động trong nền kinh tế của Hà Nam hiện nay sống ở khu vực nông thôn, chủ yếu làm việc trong lĩnh vực phi chính thức. Đặc thù việc làm của đối tượng lao động này không ổn định, không có giao kết hợp đồng lao động, không hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, đối mặt với rủi ro và nguy cơ thất nghiệp cao, thu nhập bấp bênh. Trong số này có người nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo.

Ông Lê Ngọc Hanh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Bình Lục cho biết, mặc dù công nghiệp phát triển mạnh mẽ những năm qua, nhưng người lao động nông thôn vào làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp còn hạn chế do độ tuổi, sức khoẻ và trình độ. Vì thế, lao động sản xuất tại chỗ vẫn là phép toán cơ bản để thực hiện giảm nghèo ở các địa phương. 

Thời gian qua, các cấp hội nông dân đã đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, hỗ trợ dịch vụ, đào tạo nghề cho nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh. Nhiều hội viên được tham gia vào Quỹ hỗ trợ nông dân thực hiện các dự án, các mô hình sản xuất đạt hiệu quả như chăn nuôi gà đẻ trứng, bò vàng… Theo ông Lê Ngọc Hanh, trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, người dân rất cần được định hướng sản xuất phù hợp với tình hình, vì thế, vai trò của các cấp uỷ, chính quyền, các hội đoàn thể rất quan trọng. Tuy nhiên, người dân cần có nguồn vốn hỗ trợ sản xuất thì mới có cơ hội đổi đời. Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) là điểm tựa an sinh lớn đối với họ lúc này. 

Chỉ tính riêng ở Bình Lục, tổng dư nợ NHCSXH toàn huyện trên 100 tỷ đồng cho nông dân vay vốn thông qua các chương trình tín dụng giải quyết việc làm, nước sạch vệ sinh môi trường, nhà ở cho hộ nghèo, học sinh – sinh viên… Các cấp hội nông dân đã đẩy mạnh vận động, hướng dẫn nông dân tham gia các hình thức sản xuất kinh tế tập thể như: Hợp tác xã trồng trọt (5 HTX), tổ hợp tác chăn nuôi (10 tổ); 4 HTX tiểu thủ công nghiệp; thành lập các tổ, chi hộ nghề nghiệp… 

Hà Nam nỗ lực thực hiện chương trình giảm nghèo đa chiều giai đoạn 20212025
Lao động nông thôn xã Mộc Bắc làm thuê cho các trang trại bò sữa ở địa phương để ổn định thu nhập và đời sống (ảnh chụp năm 2020).

Ở huyện Thanh Liêm, nhiều nông dân đã biết khai thác và sử dụng nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH đầu tư sản xuất nông nghiệp, làm kinh tế VAC. Số lượt hộ nghèo được vay vốn để sản xuất, kinh doanh bình quân mỗi năm hàng trăm hộ với doanh số cho vay gần chục tỷ đồng. Thí dụ như gia đình chị Trần Thị Hưng ở xã Thanh Nghị, được vay 90 triệu đồng từ NHCSXH đầu năm 2019 trong lúc gia cảnh rất khó khăn, không có vốn để làm ăn, chị đã dùng số tiền này đầu tư chăn nuôi bò sinh sản, dê, cừu thịt… Chỉ trong vòng vài năm chăm chỉ làm lụng, chị đã trả được hết nợ vay ngân hàng, thoát nghèo thực sự. Bà Lê Thị Kim Dung, Phó Giám đốc Chi nhánh NHCSXH Hà Nam cho biết, chỉ riêng 9 tháng đầu năm 2021, trong tình hình dịch bệnh quá phức tạp, ảnh hưởng sâu đến sản xuất kinh doanh nhưng toàn tỉnh vẫn có 14 nghìn lượt hộ  được vay vốn với số tiền trên 620 tỷ đồng để phát triển chăn nuôi, trồng trọt, mở rộng ngành nghề sản xuất.

Tuy nhiên, để đa dạng hoá sinh kế cho người nghèo, các địa phương cần quan tâm nhiều hơn đến tổ chức, xây dựng các mô hình sinh kế giảm nghèo; hỗ trợ tạo việc làm, tăng thu nhập cho hộ nghèo, người nghèo thông qua các chính sách tín dụng ưu đãi, dạy nghề, khuyến nông, khuyến công. Các mô này tập trung phát triển sản xuất cây trồng vật nuôi có lợi thế, ứng dụng tiến bộ mới, cơ giới hoá vào sản xuất.

Trong giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh triển khai được 14 mô hình với tổng kinh phí hỗ trợ 2,7 tỷ đồng. Ngoài ra, tất cả các hộ nghèo đều được tạo điều kiện học nghề miễn phí. Nếu trong giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh có trên 13.000 lao động nông thôn được hỗ trợ đào tạo nghề thì trong giai đoạn 2021-2025, số lao động nông thôn sẽ được đào tạo nghề nông nghiệp chỉ 5.800 người với nguồn kinh phí hỗ trợ dạy nghề dự kiến 75 tỷ đồng. Ngoài ra, tỉnh cũng dự toán dành 7,5 tỷ đồng thực hiện thí điểm các mô hình dạy nghề cho lao động nông thôn; 3 tỷ đồng dành cho các hoạt động tuyên truyền, tư vấn học nghề và việc làm đối với lao động…

Làm giàu trên chính đồng đất quê hương 

“Nhiều doanh nghiệp để bước qua giai đoạn khó khăn do đại dịch Covid-19 còn chẳng hề dễ dàng thì với người nghèo, người mới thoát nghèo để vươn lên làm giàu thời điểm này, giai đoạn này sẽ gặp vô vàn thử thách. Nhìn nguồn lao động dịch chuyển từ Nam ra Bắc những ngày qua cho thấy, gánh nặng an sinh cho các địa phương sắp tới không hề nhỏ. Nhưng điều quan trọng nhất, trong hoàn cảnh này, người lao động cần hiểu có thể ly nông chứ đừng ly hương, nghĩa là phải làm giàu trên chính đồng đất quê hương mình mới bảo đảm ổn định đời sống và tương lai bền vững” – ông Trần Hồng Sơn, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã nhìn nhận thực tiễn và có đánh giá như thế. 

Theo ông Trần Hồng Sơn, công tác giảm nghèo giai đoạn này cần đến vai trò của các cấp uỷ, chính quyền trong việc hoạch định chính sách, chỉ đạo điều hành các khâu tổ chức sản xuất  như thực hiện tích tụ ruộng đất để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, phát triển chăn nuôi, sản xuất theo hướng hàng hoá; xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản phẩm nông nghiệp theo chu trình OCOP gắn với xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường tiêu thụ để tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân nông thôn, giảm nghèo bền vững gắn với thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp. Tổ chức lại sản xuất, xây dựng mối liên kết giữa hộ dân với các cơ sở chế biến thức ăn, chế phẩm sinh học, thuốc thú y… phục vụ nuôi trồng thuỷ sản, bao tiêu sản phẩm đầu ra cho nông dân. Toàn tỉnh hiện có 41 HTX nông nghiệp đã triển khai thực hiện tích tụ ruộng đất, liên kết sản xuất nông sản theo chuỗi giá trị với các doanh nghiệp lớn có thương hiệu để tăng giá trị nông sản.

Với các địa phương, công cuộc giảm nghèo trong giai đoạn tới tiếp tục là sự nghiệp toàn dân, cần có sự chung tay của toàn xã hội. Những hộ nghèo thuộc diện bảo trợ xã hội, không có khả năng lao động, không có nguồn thu nhập cần được lập danh sách theo dõi riêng và xây dựng chính sách hỗ trợ riêng. Trong việc rà soát, xác định hộ nghèo hằng năm, cần phân loại nhóm hộ nghèo để có giải pháp phù hợp…

Ông Lại Trường Giang, Chủ tịch UBND xã Liêm Phong, huyện Thanh Liêm khẳng định: Trước đây, rất nhiều người nghèo trong xã nhờ xuất khẩu lao động mà giàu lên. Cả xã có trên 50 người đi xuất khẩu lao động. Nhưng bây giờ tình hình dịch bệnh phức tạp, việc xuất khẩu lao động gặp khó khăn, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp ở địa phương lại phát triển, người lao động làm việc tại quê nhà cũng có thu nhập ổn định từ 4,5 đến 7,5 triệu đồng/người/tháng. Các doanh nghiệp nên tạo điều kiện để những người lao động quá tuổi cũng cơ hội việc làm tại quê nhà một cách ổn định… 

Mặc dù trong “cơn bão” dịch bệnh Covid -19, Hà Nam vẫn là tỉnh duy trì mức tăng trưởng ổn định, quá trình xây dựng nông thôn mới đã làm cho điều kiện cơ sở hạ tầng nông thôn phát triển, tạo thuận lợi cho nhân dân sản xuất kinh doanh, giao thương hàng hoá. Rất nhiều mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp được xây dựng và đang trên đà phát triển, như Đề án Ứng dụng một số cây trồng mới theo hướng sản xuất hàng hoá, quy mô tập trung gắn với hợp đồng tiêu thụ sản phẩm; Mô hình liên kết trong chăn nuôi được triển khai ở gần 70 xã trong tỉnh với quy mô gần 1.300 hộ cung ứng thức ăn chăn nuôi; Đề án phát triển bò sữa tại thị xã Duy Tiên, huyện Kim Bảng, Lý Nhân và Thanh Liêm; Đề án chăn nuôi bò sinh sản, bò thịt chất lượng cao; Đề án nuôi trồng thủy sản tập trung… Tuy gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19, nhưng các doanh nghiệp trên địa bàn vẫn có nhu cầu cao trong tuyển dụng lao động địa phương. Người lao động vẫn có cơ hội việc làm và thu nhập để ổn định cuộc sống, làm giàu trên chính quê hương mình. 

Theo Cục Thống kê tỉnh, trong 9 tháng năm 2021, thu nhập bình quân của người lao động trong các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh đạt từ 4,6 triệu đồng đến 7,8 triệu đồng/người/tháng. Với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài dao động từ 5,6 triệu đồng đến xấp xỉ 7,8 triệu đồng/người/tháng.

Chu Uyên

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.