Giữ vững tiêu chí thu nhập trong xây dựng NTM

Tiêu chí thu nhập đóng vai trò quan trọng trong xây dựng nông thôn mới (NTM). Tính theo hình thức chấm điểm, đây là một trong những tiêu chí có điểm số cao (4 điểm) và có sự liên tục phấn đấu hằng năm, thể hiện đời sống vật chất của người dân được nâng lên. Do vậy, các địa phương đều tập trung các giải pháp đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân.

Tìm hiểu tại xã Nhật Tựu (Kim Bảng) trong những năm gần đây, thu nhập của người dân được nâng lên đáng kể. Là xã thuần nông, nhưng hết năm 2017, thu nhập bình quân đầu người của Nhật Tựu đạt 37 triệu đồng/người. Và chỉ trong 6 tháng đầu năm 2018, thu nhập bình quân của người dân nơi đây đã tăng lên thêm 2 triệu đồng, đạt 39 triệu đồng/người.

Nhật Tựu phấn đấu hết năm 2018, có mức thu nhập bình quân đầu người hơn 41 triệu đồng. Ông Trần Huy Liệu, Chủ tịch UBND xã Nhật Tựu cho biết: Trong xây dựng NTM, xã coi phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm. Từ đó, có sự lãnh đạo, chỉ đạo xuyên suốt với đa dạng hướng đi giúp nâng cao thu nhập cho người dân.

Người lao động ở nông thôn hiện nay đã có nhiều cơ hội trong tìm việc làm ở các KCN, cơ sở sản xuất làng nghề, có thu nhập ổn định. Ảnh: Khương Doanh

Được biết, để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập và đời sống người dân, Đảng ủy, UBND xã Nhật Tựu đã nắm bắt cơ hội khi KCN Đồng Văn IV đầu tư xây dựng trên địa bàn. Theo đó, thương mại và dịch vụ được đẩy mạnh phục vụ cho hàng nghìn công nhân của các nhà máy trong KCN. Do vậy, giá trị thương mại - dịch vụ của xã đã được nâng lên, đạt 25 tỷ đồng/năm, tăng gấp 2 lần so với trước khi có KCN.

Cùng với đó, xã đã đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động qua việc khuyến khích và tạo điều kiện cho lao động vào làm công nhân tại các nhà máy trong các KCN. Hiện cả xã có đến 70% lao động đang làm việc tại các KCN, kể cả những lao động cao tuổi vào làm cấp dưỡng, hoặc trồng, chăm sóc hoa… Vì thế, thu nhập của người dân tăng lên đáng kể, bình quân mỗi lao động làm công nhân tại các doanh nghiệp có mức lương từ 4 - 7 triệu đồng/người/tháng.

Ngoài ra, ngành nghề tiểu thủ công nghiệp vẫn được xã duy trì và phát triển thu hút lượng lao động cao tuổi và không có điều kiện đi làm cho các doanh nghiệp như: mây tre đan, mỹ ký… Bác Vũ Thị Vượt tâm sự: Tôi tham gia làm nghề mỹ ký này ở quê được mấy tháng, công việc phù hợp với người có tuổi, thu nhập bình quân được 100 nghìn đồng/ngày.

Với xã An Nội (Bình Lục) đăng ký về đích NTM năm 2018. Do vậy, tiêu chí thu nhập được xã đặc biệt quan tâm. Được biết, năm 2017, bình quân thu nhập của xã An Nội (theo đánh giá của huyện) mới đạt hơn 36 triệu đồng/người.

Để nâng cao thu nhập cho người dân, An Nội hướng đến phát triển sản xuất nông nghiệp, trọng tâm là chăn nuôi lợn và gia cầm theo quy mô tập trung. Hiện nay, tổng đàn lợn của xã đã tăng lên hơn 25 nghìn con, đàn gia cầm có gần 80 nghìn con. Chỉ tính riêng chăn nuôi gia cầm, có hộ trong xã thường xuyên nuôi từ 7 - 10 nghìn con vịt thịt.

Cùng với đó, xã tạo điều kiện cho lao động trẻ đi làm tại các doanh nghiệp trong và ngoài huyện. Từ đầu năm đến nay đã có gần 130 lao động được tạo việc làm mới với thu nhập ổn định.

Theo ông Trần Xuân Hoàn, Chủ tịch UBND xã An Nội, với các biện pháp đồng bộ trong phát triển kinh tế, mục tiêu đưa thu nhập bình quân đạt mức 41 triệu đồng/người/năm theo tiêu chí NTM sẽ hoàn thành trong năm 2018 này.

Trong xây dựng NTM, các xã đều chú trọng đến tổ chức sản xuất, phát triển kinh tế để nâng cao thu nhập cho người dân đạt chuẩn theo tiêu chí đặt ra. Các xã đều tập trung nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, quan tâm phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và liên kết theo chuỗi sản xuất và đẩy mạnh phát triển kinh tế hộ.

Chỉ tính riêng mô hình tích tụ ruộng đất cả tỉnh đã có 55 mô hình ở 46 xã, tổng diện tích 578 ha của 1.885 hộ tham gia sản xuất lúa, rau, củ, quả an toàn. Ở nhiều xã đã và đang duy trì "mô hình liên kết 4 nhà" cung ứng thức ăn chăn nuôi, tín dụng ngân hàng tại 104 nhóm hộ, với 1.287 hộ tham gia… Đồng thời, các xã coi trọng chuyển dịch cơ cấu sản xuất, đào tạo nghề cho nông dân.

Đến nay, tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm thường xuyên ở các xã xây dựng NTM đạt trên 90%. Đặc biệt, cơ cấu lao động được chuyển dịch sang làm các ngành nghề, dịch vụ ngày càng cao. Hiện tỷ lệ lao động chuyên làm nông nghiệp tại các xã còn khoảng hơn 30%. Từ việc thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân, tính đến hết tháng 6/2018, toàn tỉnh có 90/98 xã đạt tiêu chí thu nhập từ 39 triệu đồng/người trở lên.

Với điểm số cao (4 điểm) trong thang chấm điểm theo Quyết định 425/QĐ-UBND, ngày 31/3/2017 của UBND tỉnh, tiêu chí thu nhập đóng vai trò quan trọng để các xã được công nhận đạt chuẩn NTM.

Đánh giá về việc hoàn thành tiêu chí thu nhập của các xã, ông Trần Anh Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT) cho biết: Thu nhập là tiêu chí động trong xây dựng NTM, hằng năm bình quân mỗi xã phải tăng được 4 triệu đồng/người/năm, để đến năm 2020 đạt 49 triệu đồng/người/năm.

Với những xã đã đăng ký xây dựng NTM kiểu mẫu phải có bình quân thu nhập gấp 1,5 lần xã đạt chuẩn NTM bình thường. Vì thế, yêu cầu đặt ra cho các xã hằng năm là phải tích cực đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập mới bảo đảm đạt chuẩn theo tiêu chí đề ra.         

Mạnh Hùng

Mạnh Hùng, Khương Doanh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy