Công tác hòa giải cơ sở sau sáp nhập thôn, xóm ở Đồng Du

Thực hiện chủ trương sáp nhập thôn, xóm thời gian đầu còn một số khó khăn, trong đó có hoạt động hòa giải ở cơ sở. Một số vấn đề khó khăn trong lĩnh vực này được đặt ra như địa bàn, nhân sự,… Tại xã Đồng Du (Bình Lục), công tác hòa giải ở cơ sở đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo, qua đó khắc phục những vướng mắc sau sáp nhập thôn, xóm.

Cán bộ Ủy ban MTTQ xã Đồng Du (Bình Lục) trao đổi với nhân dân về việc chăm sóc, bảo vệ đường hoa nông thôn mới.

Trước thời điểm sáp nhập thôn, xóm, xã Đồng Du duy trì 18 tổ hòa giải với 126 hòa giải viên. Trung bình mỗi tổ hòa giải có 7 hòa giải viên, thành viên gồm những người có uy tín trong cộng đồng dân cư như: bí thư chi bộ, trưởng thôn, cựu chiến binh, cán bộ MTTQ, thành viên chi hội phụ nữ…

Năm 2018, trên địa bàn xã có 9 vụ việc hòa giải, trong đó hòa giải thành 7 vụ việc, chủ yếu liên quan tới tranh chấp đất đai, hôn nhân và gia đình, 2 vụ việc hòa giải không thành liên quan đến đòi quyền thừa kế và hôn nhân gia đình.

Tháng 10/2018, sau khi thực hiện chủ trương sáp nhập theo quy định, xã Đồng Du đã giảm 2/3 số thôn, xóm so với trước đây, từ 18 sáp nhập còn 6 thôn, xóm.

Thực tế, cứ 3 thôn, xóm cũ sáp nhập thành một thôn, xóm mới, kéo theo sự tăng lên về diện tích cũng như dân số tại mỗi thôn, xóm. Công tác hòa giải cơ sở ở Đồng Du cũng theo đó có nhiều thay đổi.

Việc sáp nhập thôn, xóm mang lại một số khó khăn cho công tác hòa giải cơ sở về địa bàn hoạt động, kiện toàn con người cũng như bố trí phương án hoạt động. Trong đó, công tác nhân sự là khó khăn hơn cả.

Tuy sáp nhập thôn, xóm nhưng trên thực tế, trong tâm thế người dân vẫn còn tồn tại tư duy xóm cũ, người xóm cũ, cán bộ xóm cũ… công tác nhân sự không phù hợp dễ gây ra hiểu sai lệch, có yếu tố thiên vị địa phương.

Do đó việc tổ chức bầu chọn đội ngũ hòa giải viên được định hướng theo tiêu chí bảo đảm dân chủ, sự đa dạng về thành phần, địa phương (trước sáp nhập), phù hợp với đặc điểm, tình hình, có sự gần gũi, hiểu biết về cộng đồng dân cư, có phẩm chất đạo đức tốt, có uy tín trong cộng đồng dân cư và có khả năng thuyết phục, vận động nhân dân.

Mặt khác, đa phần hòa giải viên là những cán bộ thôn, xóm hiện kiêm nhiệm nhiều công việc, sau sáp nhập thôn, xóm khối lượng công việc sẽ càng tăng lên, khó khăn cho việc tiếp tục hoạt động công tác hòa giải. Bài toán nhân sự vì thế càng thêm khó.

Ông Phạm Quốc Huy, cán bộ Tư pháp – Hộ tịch xã Đồng Du cho biết: Hiện tại, xã Đồng Du đã hoàn thiện việc kiện toàn nhân sự cho 2 tổ hòa giải của thôn An Bài 1 và An Bài 2. Theo lộ trình, tới cuối tháng 6/2019 sẽ hoàn thiện công tác nhân sự tại 4 thôn còn lại là Nội 1, Nội 2, Quyết Thắng, Đồng Tâm.

Việc kiện toàn tổ hòa giải cũng được thực hiện theo định hướng mỗi tổ có 10 thành viên bao gồm bí thư chi bộ làm tổ trưởng, 9 tổ viên được bố trí đều mỗi thôn, xóm cũ 3 thành viên, nhằm phù hợp với điều kiện và tính chất ở cơ sở sau sáp nhập.

Sau sáp nhập thôn, xóm, địa bàn hoạt động cũng như số lượng dân cư tăng lên gấp 3 so với trước đây đã trở thành những khó khăn cho công tác hòa giải cơ sở. Trước thực tế đó, tổ hòa giải thôn An Bài 2 đã có cách làm hay để khắc phục.

Đồng chí Lương Xuân Thu, Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng tổ hòa giải thôn An Bài 2 cho biết: Tổ hòa giải thôn An Bài 2 đã lựa chọn kiện toàn những cán bộ nòng cốt ở cơ sở, có cơ hội được thường xuyên tập huấn, nắm bắt các quy định pháp luật, đồng thời là những người có uy tín với nhân dân tham gia vào tổ hòa giải như bí thư chi bộ, trưởng thôn, công an viên, cán bộ MTTQ…

Đồng thời, tổ hòa giải thôn An Bài 2 chia ra làm 3 nhóm nhỏ (3 thành viên/nhóm), phụ trách 3 khối dân cư theo đơn vị địa chính cũ. Mỗi khi có vụ việc xảy ra trên địa bàn, từng nhóm nhỏ sẽ trở thành lực lượng nòng cốt, phối hợp với người có uy tín với các bên liên quan như người thân, trưởng họ… nhanh chóng nắm bắt tình hình, đề ra phương án hòa giải phù hợp. Nhờ vậy, tuy địa bàn rộng với số lượng cư dân lớn nhưng công tác hòa giải luôn được bố trí nhân sự bám sát theo từng cụm, từng vụ việc, mang lại hiệu quả.

Khắc phục những khó khăn về công tác hòa giải cơ sở phát sinh sau thực hiện chủ trương sáp nhập thôn, xóm đã được xã Đồng Du giải quyết hợp tình, hợp lý.

Để tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở, qua đó nâng cao chất lượng hoạt động và hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở, thời gian tới, xã Đồng Du tiếp tục chú trọng củng cố, kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý công tác hòa giải ở cơ sở và hòa giải viên. Đồng thời quan tâm công tác tập huấn để các thành viên tổ hòa giải phát huy tối đa vai trò trách nhiệm cũng như tăng cường kỹ năng, chuyên môn hòa giải.

Nguyễn Khánh

Nguyễn Khánh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy