Cần tăng cường công tác tuyên truyền, tư vấn và thực hiện công khai, minh bạch trong việc trang bị sách lớp 1 cho học sinh

Năm học mới 2020-2021 là năm học đầu tiên triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới (GDPTM) đối với lớp 1. Thời gian qua, với sự vào cuộc từ nhiều phía, công tác chuẩn bị các điều kiện cho tổ chức thực hiện chương trình mới của tỉnh đã được bảo đảm. Học sinh (HS) lớp 1 đã được tới lớp học với sự quan tâm, ưu tiên nhiều nhất về mọi mặt.

Tuy nhiên, dư luận những ngày gần đây có nhiều ý kiến về việc giá sách lớp 1 cao; thiếu sự công khai, minh bạch trong cung cấp, bán sách lớp 1 tới tay cha mẹ học sinh (CMHS)… Để giải đáp những thắc mắc này, ông Phạm Anh Tuấn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã có cuộc trao đổi với phóng viên (P.V) Báo Hà Nam.

P.V: Được biết, hiện nay bộ sách lớp 1 gồm rất nhiều đầu sách, không ít CMHS khá lúng túng trong việc mua sách cho con. Vậy ông có thể cho biết, những đầu sách bắt buộc phải mua và các cuốn sách tự mua theo nhu cầu?

Ông Phạm Anh Tuấn: Theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về việc ban hành Chương trình GDPT  2018, chương trình lớp 1 gồm 7 môn học bắt buộc với 12 đầu sách (gồm: Tiếng Việt có 2 tập, Toán có 2 tập, Đạo đức, Tự nhiên và Xã hội, Giáo dục Thể chất, Âm nhạc, Mĩ thuật, Hoạt động trải nghiệm) và một môn học tự chọn là Tiếng Anh (có 2 tập). Sách giáo khoa (SGK) lớp 1 được biên soạn có thể tái sử dụng cho các năm học sau, không có khoảng trống để HS viết, thực hành trên sách nên kèm theo mỗi môn học bắt buộc có vở bài tập để HS làm bài tập thực hành, bổ trợ. Vở bài tập bổ trợ HS trong hoạt động thực hành, vận dụng được khuyến khích CMHS trang bị nhằm tăng cường khả năng thực hành, hoàn thành bài học của HS ngay tại lớp. Tuy nhiên, đây là sách tự chọn, không bắt buộc phải mua, các nhà trường chỉ hướng dẫn và tư vấn để CMHS thấy được sự cần thiết, nên trang bị cho con để bảo đảm tính đồng bộ về SGK sử dụng tại trường, tạo sự hiệu quả trong quá trình dạy và học.

Cùng với SGK, Bộ GD&ĐT cũng ban hành Danh mục thiết bị dạy học tối thiểu lớp 1, ngoài những thiết bị dạy học dùng chung thì mỗi HS cần phải có 01 bộ thiết bị học Toán, Tiếng Việt dùng trong lớp, hỗ trợ HS lớp 1 khi học âm, vần, tính toán, nhận diện hình học, hình thành phép tính. Trong điều kiện ngân sách tỉnh chỉ có thể bố trí cho các nhà trường về thiết bị dùng chung nên bộ thiết bị học tập cá nhân của HS vẫn phải do CMHS chủ động mua sắm.

Cần tăng cường công tác tuyên truyền tư vấn và thực hiện công khai minh bạch trong việc trang bị sách lớp 1 cho học sinh
Học sinh lớp 1, Trường Tiểu học Liêm Chính (TP Phủ Lý) có đầy đủ sách giáo khoa, vở và đồ dùng học tập để học theo Chương trình giáo dục phổ thông mới.

P.V: Có ý kiến cho rằng, việc đưa một bộ sách với hàng chục đầu sách như vậy cho học sinh lớp 1 học tập là quá nhiều. Ông nghĩ sao về điều này?

Ông Phạm Anh Tuấn: Chương trình GDPTM là một chương trình thực hiện giảm tải về cả nội dung và số tiết học. Cá nhân tôi cho rằng, chỉ với 7 môn học cùng một hoạt động bắt buộc và 1 môn học tự chọn, các đầu SGK phục vụ cho các môn học, hoạt động này là hoàn toàn phù hợp với học sinh lớp 1. Bên cạnh đó, quy định về thời lượng dạy học chương trình lớp 1 năm học 2020-2021 được áp dụng thực hiện là 2 buổi/ngày; mỗi ngày không quá 7 tiết, tổng thời lượng học sinh lớp 1 học 35 tiết/tuần, nên ngoài các nội dung dạy học 2 buổi/ ngày là các môn học, hoạt động giáo dục, môn học tự chọn, còn phải thực hiện hàng loạt các hoạt động khác, như: hoạt động củng cố để hoàn thành nội dung học tập theo mục tiêu, yêu cầu của chương trình, bồi dưỡng, phát triển năng lực phẩm chất cho HS; các hoạt động giáo dục đáp ứng nhu cầu, sở thích, năng khiếu của HS; các hoạt động tìm hiểu tự nhiên xã hội, văn hóa, lịch sử, truyền thống của địa phương. Vì vậy, các đầu sách bổ trợ cũng rất quan trọng giúp HS có thể hoàn thiện mọi kỹ năng và năng lực học tập.

Với quy định này, Sở GD&ĐT đã hướng dẫn các Phòng GD&ĐT chỉ đạo các trường xây dựng kế hoạch bảo đảm phân bố hợp lý giữa các nội dung giáo dục, xây dựng kế hoạch dạy buổi 2 nhằm củng cố, phát triển năng lực HS, tổ chức các hoạt động giáo dục cho HS tham gia nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện. Các trường căn cứ nội dung chương trình, SGK, kế hoạch giáo dục của trường mình, tiến hành lựa chọn, đề xuất danh mục xuất bản phẩm tham khảo, bổ trợ để tuyên truyền đến CMHS trang bị cho con em bảo đảm đủ tài liệu học tập 2 buổi/ngày. Qua đó, giúp hạn chế tình trạng trong một lớp, HS chọn các đầu sách khác nhau, bảo đảm thống nhất việc sử dụng tài liệu và tiến độ học của HS trong lớp; tiết kiệm được thời gian chép lại yêu cầu bài tập để tăng thời gian thực hành cho HS và không gây khó cho hoạt động dạy của giáo viên. Các đầu sách tự chọn do CMHS trang bị theo nhu cầu, không ép buộc.

P.V: Có khá nhiều ý kiến phản ánh về việc giá sách tới tay phụ huynh quá cao. Sở GD&ĐT có nắm được thông tin này không? Quan điểm của ngành về vấn đề này như thế nào, thưa ông?

Ông Phạm Anh Tuấn: Sở GD&ĐT cũng đã nắm bắt được những thông tin phản ánh về việc cung cấp sách cho học sinh lớp 1, năm học 2020 - 2021. Sở GD&ĐT đã yêu cầu các phòng GD&ĐT huyện, thị xã, thành phố kiểm tra lại công tác cung cấp sách cho CMHS tại các trường tiểu học trên địa bàn, đồng thời chỉ đạo các nhà trường tăng cường việc cung cấp thông tin về danh mục sách giáo khoa bắt buộc, các loại thiết bị, sách, vở bổ trợ để CMHS mua sắm một cách hợp lý, vừa tiết kiệm, vừa bảo đảm hiệu quả cho việc học tập của học sinh. Trong quá trình cung cấp sách lớp 1, yêu cầu các nhà trường không được ép CMHS mua những loại sách, vở không trong danh mục bắt buộc. Sở GD&ĐT cũng cam kết các đầu sách được bảo đảm chính xác về giá và tuyệt đối không có sách lậu, sách kém chất lượng.

Chương trình GDPTM là một chương trình thực hiện giảm tải về cả nội dung và số tiết học. Cá nhân tôi cho rằng, chỉ với 7 môn học cùng một hoạt động bắt buộc và 1 môn học tự chọn, các đầu SGK phục vụ cho các môn học, hoạt động này là hoàn toàn phù hợp với học sinh lớp 1. 

P.V: Có dư luận rằng, các nhà trường chưa có được sự công khai, minh bạch trong việc cung cấp thông tin về các loại sách, tư vấn CMHS lựa chọn sách khiến họ không biết đâu là sách bắt buộc phải mua và đâu là sách tham khảo, sách bổ trợ có thể mua theo nhu cầu, rơi vào tình cảnh không mua đủ thì sợ thiếu sách cho con học, mà mua thì quá tốn kém. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?

Ông Phạm Anh Tuấn: Ngay sau khi hoàn thành việc lựa chọn bộ sách lớp 1, từ ngày 1/4/2020, các trường đã niêm yết công khai danh mục sách lớp 1 để CMHS nắm bắt. Công việc tuyên truyền, hướng dẫn chọn sách tiếp tục được các nhà trường thực hiện vào đợt tuyển sinh lớp 1. Đa số CMHS có con học lớp 1 đã phối hợp cùng nhà trường trang bị sách, đồ dùng cho con em kịp thời, đúng danh mục. Tuy nhiên, do một số nguyên nhân chủ quan và khách quan, vẫn còn một bộ phận CMHS chưa tiếp cận được thông tin của trường. Đặc biệt, trên địa bàn thành phố Phủ Lý, vào thời điểm tuyển sinh các cấp (trong đó có tuyển sinh lớp 1), đã xuất hiện ca dương tính với Covid-19 nên toàn thành phố tiến hành tuyển sinh trực tuyến, việc thông tin trao đổi, tư vấn của nhà trường tới CMHS chưa rõ ràng, kịp thời, thấu đáo; vẫn còn một số trường chưa làm tốt công tác tuyên truyền, phối hợp với CMHS, chưa hướng dẫn đầy đủ các đầu sách bắt buộc, sách bổ trợ, tham khảo và việc sử dụng sách trong dạy học cũng gây tâm lý hoang mang, lúng túng, phát sinh nhiều ý kiến thắc mắc từ phía CMHS về việc cung cấp, bán sách lớp 1. Khi chương trình mới được biên soạn là một chương trình với nhiều bộ sách, việc không được kịp thời nắm bắt các thông tin từ phía nhà trường đã khiến CMHS gặp khó khăn trong lựa chọn sách là điều dễ thấy. 

Sở GD&ĐT sẽ khẩn trương ban hành văn bản, hướng dẫn các trường tiếp tục tăng cường làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, phối hợp với CMHS, trang bị đúng các đầu sách bắt buộc, sách bổ trợ, tham khảo, hướng dẫn học sinh sử dụng sách bảo đảm nội dung và thời lượng dạy học 2 buổi/ngày, tránh chồng chéo, lãng phí. 

P.V: Công tác kiểm tra, giám sát các cơ sở giáo dục về thực hiện nghiêm các quy định cung cấp, bán sách giáo khoa lớp 1 sẽ được Sở GD&ĐT thực hiện như thế nào? 

Ông Phạm Anh Tuấn: Thời gian tới, Sở GD&ĐT tiếp tục kiểm tra, giám sát việc cung cấp SGK lớp 1 theo danh mục đã lựa chọn, chỉ đạo các phòng GD&ĐT tăng cường kiểm tra, tư vấn, giám sát việc thực hiện. Đồng thời, ban hành hướng dẫn dạy học lớp 1, trong đó làm rõ việc sử dụng tài liệu học tập bắt buộc, bổ trợ, tham khảo để giáo viên triển khai nhằm nâng cao chất lượng dạy học. Hiệu trưởng các trường tiểu học chịu trách nhiệm về việc xây dựng kế hoạch dạy học 2 buổi/ngày; quản lý nội dung, chất lượng dạy học và các hoạt động giáo dục. Các tập thể, cá nhân để xảy ra các sai phạm sẽ phải xử lý nghiêm theo quy định.

P.V: Cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn!

Thanh Hà (Thực hiện)

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy