Nỗ lực khắc phục khó khăn, sớm hoàn thành giải ngân gói hỗ trợ BHTN

Thực hiện Nghị quyết 116/NQ-CP của Chính phủ về chính sách hỗ trợ người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động (NSDLĐ) bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), Quyết định 28/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ NLĐ và NSDLĐ bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ BHTN (viết tắt là Nghị quyết 116 và Quyết định 28), Bảo hiểm xã hội (BHXH) Hà Nam đã đặt mục tiêu hoàn thành nhiệm vụ trước ngày 15/11/2021.

Trao đổi với phóng viên (P.V) Báo Hà Nam, ông Trần Mạnh Toàn, Giám đốc BHXH tỉnh cho rằng, việc thực hiện tốt Nghị quyết 116 là niềm tự hào và trách nhiệm của ngành BHXH nên khó khăn mấy cũng phải khắc phục.

Nỗ lực khắc phục khó khăn sớm hoàn thành giải ngân gói hỗ trợ BHTN
Ông Trần Mạnh Toàn, Giám đốc BHXH tỉnh.

P.V: Sau hơn một tháng thực hiện Nghị quyết 116 của Chính phủ, xin ông cho biết khó khăn lớn nhất với Hà Nam là gì?

Ông Trần Mạnh Toàn: Cái khó lớn nhất hiện nay là giải quyết chi trả cho các đối tượng ngừng việc. Trong dự kiến của BHXH Hà Nam, toàn tỉnh có 12.000 NLĐ đã nghỉ việc và bảo lưu với số tiền chi trả hỗ trợ là 27 tỷ đồng. Đối với NLĐ hiện đang tham gia BHTN tại các đơn vị sử dụng lao động, chúng tôi sẽ chi trả qua tài khoản cá nhân khi NLĐ chỉ cần cung cấp cho đơn vị sử dụng lao động số tài khoản cá nhân, còn với những thông tin liên quan đến nhân thân cá nhân như số chứng minh nhân dân/căn cước công dân, thời gian tham gia BHTN của NLĐ cơ quan BHXH sẽ in sẵn ra để NLĐ đối soát. Việc chi trả cho đối tượng này cơ bản thuận lợi hơn. Nhưng, đối với NLĐ bảo lưu thời gian tham gia BHTN từ 01/01/2020 đến nay, họ được hưởng hỗ trợ nhưng phải tự mình đối chiếu thông tin trong hồ sơ, nhiều người không được cài đặt ứng dụng VssID –BHXH số, không có tài khoản ngân hàng, phải nộp hồ sơ giấy nên ảnh hưởng rất nhiều đến công việc của đội ngũ cán bộ tham gia làm nhiệm vụ chi trả của BHXH. Trong thời điểm dịch bệnh còn đang phức tạp, chúng tôi rất muốn đơn giản hoá thủ tục, chuyển 100% số tiền hỗ trợ của NLĐ ngừng việc qua tài khoản cá nhân để vừa giảm tải áp lực cho nhân viên, vừa bảo đảm an toàn dịch bệnh cho tất cả mọi người. 
Cái khó thứ hai, NLĐ ở mọi nơi về, đến địa phương làm thủ tục đề nghị hỗ trợ buộc chúng tôi phải tra soát lại toàn bộ quá trình lao động của họ. Nhiều hồ sơ cung cấp sai thông tin ngân hàng thụ hưởng… dẫn tới việc cơ quan BHXH trong quá trình xét duyệt phải rà soát, loại bỏ nhiều hồ sơ trùng lặp, trả lại nhiều hồ sơ sai lệch thông tin. Tuy nhiên, bằng trách nhiệm của mình, BHXH tỉnh sẽ cố gắng làm hết sức mình để gói hỗ trợ đến với đối tượng nhanh nhất, hiệu quả nhất, an toàn nhất và bảo đảm đúng chế độ, chính sách. Suốt từ đầu tháng 10 đến nay, hầu hết các cán bộ, nhân viên BHXH được huy động tham gia công việc này ở mức trên cả công suất lao động bình thường.

Nỗ lực khắc phục khó khăn sớm hoàn thành giải ngân gói hỗ trợ BHTN
Người lao động đến BHXH thị xã Duy Tiên làm thủ tục hưởng hỗ trợ BHTN theo Nghị quyết 116 của Chính phủ.

P.V: Việc chi trả hỗ trợ phải bảo đảm nguyên tắc cơ bản nhất theo Nghị quyết 116, mang tính khác biệt và ưu tiên đối với các đối tượng. Xin ông lý giải rõ hơn điều này?

Ông Trần Mạnh Toàn: Đối tượng quy định được thụ hưởng hỗ trợ trong Nghị quyết 116 khác với Nghị quyết 68 là những người đang tham gia hoặc đã tham gia BHTN được bảo lưu thì mới được hưởng. Nguồn dùng để chi trả hỗ trợ chính là nguồn Quỹ kết dư BHTN quốc gia do ngành BHXH quản lý. 

Việc thực hiện Nghị quyết 116, bảo đảm nguyên tắc bình đẳng và chia sẻ. Bình đẳng là những ai tham gia BHTN mới được hưởng hỗ trợ, còn chia sẻ là dùng quỹ kết dư để chi, ưu tiên cho những người đóng nhiều sẽ hưởng nhiều, có thời gian đóng BHTN nhiều, tối đa sẽ được hưởng số tiền 3,3 triệu đồng, mức thấp nhất là 1,8 triệu đồng. Tuy nhiên, tính ưu tiên còn thể hiện ở chỗ, có người chỉ đóng 2, 3 tháng BHTN cũng được hưởng gói này.

P.V: BHXH Hà Nam đã làm gì để Nghị quyết 116 thực sự đi vào đời sống, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với NLĐ, NSDLĐ trước những ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19?

Ông Trần Mạnh Toàn: Cho đến thời điểm này, thực hiện nhiệm vụ chi trả hỗ trợ NLĐ và NSDLĐ theo Nghị quyết 116, chúng tôi đã cơ bản hoàn thành việc chi trả cho NLĐ đang tham gia BHTN và giảm mức đóng BHTN cho NSDLĐ theo quy định. 

Để có kết quả đó, BHXH tỉnh đã chú trọng đến công tác tuyên truyền trên tất cả các kênh thông tin như: Trang thông tin điện tử BHXH tỉnh, Fanpage,  Facebook, Zalo Offical Occount “BHXH tỉnh Hà Nam”. Phối hợp với Đài Phát thanh – Truyền hình Hà Nam, Báo Hà Nam, hệ thống đài truyền thanh xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh thông tin tuyên truyền về việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 116 của Chính phủ. Từ ngày 7/10, BHXH tỉnh Hà Nam đã triển khai ba nhóm hỗ trợ giải đáp thông tin trên ứng dụng Zalo,  kịp thời giải đáp hàng ngàn câu hỏi, thắc mắc của NLĐ và đơn vị SDLĐ, giảm bớt việc NLĐ và đơn vị SDLĐ phải tìm kiếm thông tin qua các kênh không chính thống hoặc phải trực tiếp đến cơ quan BHXH, góp phần phòng, chống dịch Covid-19. 
Chúng tôi đặt ra mục tiêu phấn đấu sẽ hoàn thành nhiệm vụ chi trả hỗ trợ theo Nghị quyết 116 trước ngày 15/11/2021, sớm hơn một nửa thời gian Chính phủ giao cho ngành BHXH. 

Chính sách hỗ trợ trực tiếp từ Quỹ BHTN lần này là điều chưa có tiền lệ. Dù số tiền hỗ trợ chỉ vài triệu đồng mỗi người, nhưng đối với nhiều công nhân lao động, đó cũng là khoản tiền đáng quý, giúp họ thêm phần kinh phí trang trải cuộc sống giữa lúc khó khăn này.

P.V: Xin cảm ơn ông!

Chu Uyên

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.