Lý Nhân tìm giải pháp “giữ chân” người lao động về địa phương

Kể từ giữa tháng 9 đến nay, số người từ các tỉnh, thành phố có dịch, đặc biệt là các tỉnh phía Nam về huyện Lý Nhân lên tới gần 10.000 người. Làm gì để “giữ chân” người lao động ở lại địa phương là điều các cấp chính quyền huyện Lý Nhân quan tâm lúc này khi trên địa bàn huyện có nhiều dự án, nhiều doanh nghiệp đang cần có công nhân…

Bắc Lý (Lý Nhân) là xã có nhiều lao động từ các tỉnh có dịch về quê nhất thời gian qua. Ông Trương Anh Hải, Chủ tịch UBND xã Bắc Lý cho biết: Những công dân Bắc Lý vào các tỉnh phía Nam hay đến các thành phố lớn làm việc  hầu hết đã có thâm niên hàng chục năm. Ở đó, họ làm nghề tự do, buôn bán lẻ. Một số mang theo nghề truyền thống ở quê như mộc, nề để kiếm sống. Khi dịch bệnh bùng phát, họ mất việc vài tháng, cuộc sống gặp khó khăn nên tìm cách về quê tránh dịch. Chúng tôi rất hy vọng họ ở lại quê nhà ổn định cuộc sống và tiếp tục tham gia lao động tại các doanh nghiệp đóng trên địa bàn huyện…

Lý Nhân tìm giải pháp “giữ chân” người lao động về địa phương
Anh Nguyễn Văn Khởi, thôn Quang Ốc, xã Bắc Lý (ngoài cùng bên trái) từ TP Hồ Chí Minh về đã hoàn thành cách ly, được xã động viên ở lại làm việc tại địa phương.

Người lao động lúc đầu trở về quê hương thấy tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt, mọi hoạt động sản xuất kinh doanh diễn ra bình thường nên cũng đã có ý định tìm việc mới ở nhà. Anh Nguyễn Văn Hoàn, thôn Quang Ốc, xã Bắc Lý chia sẻ: Hai vợ chồng vào Nam buôn bán tự do bao nhiêu năm nay, chưa khi nào thấy công việc bị ảnh hưởng, bế tắc như mấy tháng qua. Nếu không có dịch bệnh, mỗi tháng hai vợ chồng có thể kiếm được vài chục triệu từ nghề buôn bán hoa quả. Con cái ngoan ngoãn, học giỏi, được gửi ở quê cho bố mẹ trông nom, anh chị rất yên tâm làm ăn. Tuy nhiên, khi dịch bệnh bùng phát ở TP Hồ Chí Minh, họ bị kẹt trong khu nhà trọ nhiều tháng trời, may mắn được an toàn trở về quê. Họ cũng đã nghĩ đến chuyện sẽ ở lại nhà qua Tết xem tình hình thế nào mới tiếp tục công việc…

Chị Nguyễn Thị Bích Ngọc, thôn Cao Tràng, xã Bắc Lý cũng nghĩ như vậy. Dịch bệnh Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh vừa rồi đã làm cho những lao động tự do như họ phải lao đao vừa tìm cách bảo đảm an toàn cho bản thân trước dịch bệnh, vừa tìm cách sống yên ổn trong thời gian ngồi ở nhà không có việc làm. Mỗi ngày, TP Hồ Chí Minh vẫn có hàng nghìn ca mắc Covid-19, chị Ngọc mong muốn được trở về quê để tránh dịch và chờ đợi cơ hội việc làm. 

Trung bình mỗi ngày có trên 250 người từ các tỉnh, thành phố có dịch về Lý Nhân. Chính quyền địa phương ngoài việc tổ chức các biện pháp quản lý chặt chẽ  các đối tượng này để phòng dịch Covid-19, vừa xây dựng phương án bảo đảm việc làm cho công dân ở quê nhà. Ông Nguyễn Thành Thăng, Chủ tịch UBND huyện Lý Nhân cho biết: “Chúng tôi rất hy vọng người lao động địa phương từ các vùng có dịch về quê đợt này sẽ ở lại quê nhà để làm việc. Thực tế, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn đang rất cần công nhân, nếu họ ở lại sẽ có việc làm ổn định”.

Qua trao đổi với ông Nguyễn Thành Thăng, Chủ tịch UBND huyện về vấn đề việc làm cho người lao động từ các vùng dịch về Lý Nhân hiện nay, được biết trong quy hoạch của huyện có xây dựng trường đào tạo nghề ở xã Đạo Lý nhằm thực hiện mục tiêu phát triển nguồn nhân lực  cho các khu công nghiệp trên địa bàn. Đề án đang được triển khai, nhưng tiến độ bị chậm lại do dịch Covid-19. Tuy nhiên, huyện đã đặt ra các phương án cơ bản cho công tác đào tạo nghề, trong đó có hướng tới đối tượng lao động từ các tỉnh, thành phố trở về quê vì đại dịch Covid-19. Đó là đào tạo phải có địa chỉ, phải có sự tham gia phối hợp của doanh nghiệp khi họ về đầu tư, triển khai dự án tại các khu công nghiệp. 

Ông Nguyễn Thành Thăng khẳng định: Chúng tôi nhất định không đào tạo theo chỉ tiêu, cách này không phù hợp với tình hình hiện nay, gây tốn kém và không hiệu quả. Người lao động từ các tỉnh trở về địa phương nếu có nhu cầu việc làm, các xã, thị trấn sẽ tuyên truyền, rà soát và tổng hợp tình hình, định hướng cho họ làm những việc họ đã làm, đã được đào tạo thành thục. Thí dụ, họ là công nhân may, công nhân điện tử trong Bình Dương hay Đồng Nai… nên giới thiệu cho họ đến những doanh nghiệp may, hay điện tử ở địa phương. Còn với những trường hợp muốn chuyển đổi ngành nghề sẽ đăng ký học sơ cấp 3 tháng những nghề họ sẽ làm trong doanh nghiệp. Bước đầu khi dự án trường dạy nghề chưa đi vào hoạt động, huyện giao cho Trung tâm Giáo dục thường xuyên – Giáo dục nghề nghiệp nâng cao năng lực đào tạo, mở thêm các lớp dạy nghề đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay.

Tuy nhiên, khi thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19”, các hoạt động giao thương, sản xuất kinh doanh được khôi phục, một số người lao động từ các vùng dịch về địa phương lại không muốn ở lại quê nhà làm việc. Anh Nguyễn Văn Chiến, thôn Thọ Lão, xã Đạo Lý (Lý Nhân) sẽ cùng với bố mẹ trở lại TP Hồ Chí Minh nay mai.

Theo anh Chiến, cả nhà anh vào đó làm nghề buôn bán hoa quả bao nhiêu năm nay. Họ đã từng thuê nhà ở TP Thủ Đức, nhưng dịch bệnh quá nghiêm trọng, không thể làm ăn được gì trong nhiều tháng nên đã về quê. Tuy nhiên, bố mẹ anh Chiến ngoài 50 tuổi, họ không thể xin việc ở các công ty được. Còn anh, đã quen với công việc buôn bán tự do nên cũng không có ý định ở lại làm công nhân cho bất kỳ công ty nào. Anh Chiến cho biết: “Người dân quê tôi vào Nam chủ yếu làm nghề buôn bán tự do, họ không làm ở công ty nhiều đâu. Thu nhập từ nghề này trong đó rất khá nên ai cũng nghĩ nếu có cơ hội sẽ vẫn trở lại nghề cũ…”.

Xem ra, dịch bệnh Covid-19 làm cho đời sống của người lao động gặp khó khăn, nhưng để “giữ chân” lao động ở lại làm việc tại địa phương vào thời điểm hiện nay cũng không phải là dễ.

Chu Uyên

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy