Tuyển dụng lao động trên địa bàn tỉnh Hà Nam kể từ đầu năm 2023 đến nay vẫn gặp nhiều khó khăn. Xu hướng tuyển dụng của doanh nghiệp chủ yếu tập trung vào một số chỉ tiêu, vị trí việc làm ở một số lĩnh vực, như: dệt, may mặc, cơ khí, linh kiện điện tử, kế toán, công nghệ thông tin, hành chính nhân sự, vận tải - logistics, tài chính ngân hàng. Đáng nói, nhu cầu tuyển dụng lao động nam cao hơn hẳn mọi năm, trong khi nguồn lao động tại địa phương đã và đang cạn dần…
Cung vẫn không đủ cầu
Doang nghiệp phỏng vấn, tư vấn trực tiếp người lao động tại sàn Giao dịch việc làm do Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức.
Đánh giá tình hình thị trường lao động trên địa bàn tỉnh trong năm 2023, ông Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh khẳng định “cung vẫn không đủ cầu”. Thực trạng này kéo dài vài năm nay, bởi thực tế nguồn lao động của tỉnh đang cạn dần. Theo khảo sát thị trường lao động do đơn vị thực hiện cuối năm 2022, nguồn lao động của tỉnh năm 2023 có khoảng 30.000 người có nhu cầu việc làm. Các đối tượng chủ yếu là sinh viên tốt nghiệp tại các trường trung cấp, cao đẳng, đại học, học sinh THPT, những lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp muốn quay trở lại thị trường lao động và lao động phổ thông… Trong khi đó, nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp năm 2023 lên tới trên 35.000 người. Số lao động không cần có trình độ chuyên môn cần tuyển là 20.000 người, công nhân kỹ thuật không bằng cấp cần khoảng 10.000 người, còn lại là lao động trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng, đại học.
Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, qua khảo sát 323 doanh nghiệp trên địa bàn, trong 6 tháng đầu năm nay, các doanh nghiệp này có nhu cầu tuyển dụng 22.111 vị trí việc làm, tăng hơn so với năm 2022 trên 8.500 vị trí. Độ tuổi lao động các doanh nghiệp cần tuyển chủ yếu từ 25-40 tuổi. Đáng nói, nhu cầu tuyển dụng lao động nam của các doanh nghiệp hiện nay cao hơn rất nhiều so với nữ, chiếm 60,6%. Ông Nguyễn Quang Tuấn giải thích: “Nhu cầu tuyển dụng nam giới nhiều hơn nữ giới ở tất các các độ tuổi vì do hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp điện tử, may mặc, gia công… bị giảm sút nên nhu cầu tuyển dụng lao động ở các doanh nghiệp này không lớn. Đây là những doanh nghiệp trước đây thường tuyển dụng nhiều lao động nữ hơn cả”. Cũng theo ông Tuấn, nhu cầu tuyển dụng và nhu cầu tìm việc làm hiện nay chủ yếu tập trung ở ngành kỹ thuật điện - điện tử, cơ khí, linh kiện điện tử, tiếp đến là các ngành dệt, may, kỹ thuật cơ khí, ngành nhà hàng – khách sạn, hành chính nhân sự, quản lý, công nghệ thông tin, vận tải - logistics và các ngành nghề khác.
Là một trong những doanh nghiệp FDI có nhu cầu tuyển dụng lao động lớn bậc nhất Hà Nam hiện nay, Công ty TNHH Hệ thống dây dẫn Sumi Việt Nam Chi nhánh Hà Nam đang gặp khó trong công tác tuyển dụng lao động. Bà Nguyễn Thị Thu Hằng, cán bộ nhân sự công ty cho biết, việc đưa nhà máy mới tại Thanh Liêm đi vào hoạt động buộc doanh nghiệp phải tuyển dụng thêm hàng nghìn lao động. Tuy nhiên, nguồn lao động trên địa bàn tỉnh Hà Nam mà công ty tuyển dụng được chỉ khoảng vài trăm người. Để thực hiện kế hoạch tuyển dụng năm nay, doanh nghiệp phải mở rộng địa bàn tìm nguồn, thực hiện cả phương châm “đánh bắt xa bờ”.
Một số doanh nghiệp khác, như Công ty TNHH Neweb Việt Nam, Công ty TNHH Thaco Auto Hà Nam, Công ty TNHH Anam Electronics Việt Nam, Công ty TNHH Yokowo… cũng có nhu cầu tuyển dụng hàng nghìn lao động trên địa bàn Hà Nam trong năm nay. Tuy nhiên, các doanh nghiệp luôn gặp khó khăn thực hiện mục tiêu này.
Nỗ lực kết nối cung cầu
Các doanh nghiệp tham gia tuyển dụng lao động trực tiếp tại sàn giao dịch việc làm do Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức. Ảnh: Chu Uyên
Với vai trò là cầu nối gắn kết doanh nghiệp với người lao động, thực hiện các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm giúp người lao động lựa chọn công việc phù hợp với khả năng và nguyện vọng; tư vấn cho người sử dụng lao động về tuyển dụng lao động, về quản trị và phát triển nguồn nhân lực… trong bối cảnh hiện nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã không ngừng đổi mới phương pháp tiếp cận thị trường lao động; phát huy mạnh mẽ hiệu quả việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm. Thời gian qua, Trung tâm chú trọng đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp và nhu cầu xin việc làm của người lao động trên các phương tiện thông tin đại chúng, các nền tảng mạng xã hội trực tuyến để người lao động và doanh nghiệp có nhiều cơ hội gặp gỡ phỏng vấn và tuyển dụng một cách kịp thời. Bên cạnh đó, đơn vị phối hợp chặt chẽ với các trung tâm giáo dục thường xuyên, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên sắp tốt nghiệp ra trường… Trong 6 tháng đầu năm 2023, trung tâm đã thực hiện tư vấn việc làm, xuất khẩu lao động, bảo hiểm thất nghiệp cho trên 21.000 lượt người, trong đó có hơn 13.000 lao động nữ.
Theo nhận định của ngành chức năng, thời gian qua, hoạt động sản xuất kinh doanh, thị trường vốn, chứng khoán, bất động sản gặp nhiều khó khăn...; một số ngành hàng điện tử, dệt may sản xuất giảm mạnh do thiếu đơn hàng, lượng hàng tồn kho lớn, phải cắt giảm sản lượng, cắt giảm lao động; hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp gặp khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ đến vấn đề lao động - việc làm. Nhưng với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực cố gắng của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh, những khó khăn này từng bước được khắc phục.
Ông Phạm Văn Phúc, cán bộ phòng nhân sự, Công ty Bao bì Hải Đăng cho biết: Hà Nam là tỉnh nhỏ, lại có rất nhiều khu công nghiệp, công nhân có nhiều sự lựa chọn việc làm, vì thế việc tuyển dụng lao động của những doanh nghiệp có nhu cầu lao động lớn sẽ gặp khó. Như chúng tôi, ngoài tìm kiếm lao động ở những sàn giao dịch do Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức sẽ phải đến những tỉnh xa, thậm chí là vùng sâu vùng xa để tìm lao động…
Mặc dù mới đi vào hoạt động được hai năm nhưng Công ty TNHH Đại lý thuế ABM Hà Nam phải tìm đến các sàn giao dịch của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh để tuyển dụng lao động trình độ cao, trong khi tuyển dụng trực tiếp tại sàn rất ít gặp lực lượng có bằng cấp, trình độ doanh nghiệp cần. Theo bà Nguyễn Thị Liên, Giám đốc công ty, để đạt được mục tiêu tuyển dụng, doanh nghiệp phải kết hợp các hình thức tìm kiếm lao động, vừa trực tiếp, vừa qua hệ thống thông tin trực tuyến của trung tâm. Hy vọng, với những hình thức tổ chức kết nối cung- cầu hiện nay của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, các doanh nghiệp sẽ bớt gặp những khó khăn trong tuyển dụng, tìm người lao động. Bởi, một trong nhiều hình thức hoạt động mang lại hiệu quả cho việc kết nối cung cầu lao động của đơn vị chính là việc thực hiện kết nối liên thông với nhiều trung tâm dịch vụ việc làm các tỉnh, qua đó dễ dàng tìm nguồn lao động.
Được biết, xu hướng tuyển dụng 6 tháng cuối năm 2023 của các doanh nghiệp tập trung vào một số chỉ tiêu vị trí việc làm cần tuyển lao động phổ thông thuộc các lĩnh vực, như: dệt, may mặc, cơ khí, linh kiện điện tử, kế toán, công nghệ thông tin, hành chính nhân sự, vận tải - logistics, tài chính ngân hàng và một số lĩnh vực yêu cầu kinh nghiệm, như: quản lý cấp cao, kế toán, hành chính nhân sự, phiên dịch, kỹ thuật, kỹ sư, cơ khí, lái máy xúc lật, xúc đào, ô tô...
Giang Nam