Thiết thực chương trình vay vốn giải quyết việc làm cho lao động nông thôn

Theo báo cáo của Cục Thống kê, tỉnh Hà Nam hiện có trên 400 nghìn lao động nông thôn, trong đó có gần 399 nghìn lao động đang làm việc. Tỷ lệ thất nghiệp ở nông thôn chỉ chiếm khoảng 1,7%.

Chương trình tín dụng giải quyết việc làm đã tạo cơ hội cho nhiều hộ gia đình nông thôn thoát nghèo, lao động có việc làm và thu nhập.

Hoạt động cho vay giải quyết việc làm tại Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Hà Nam những năm qua luôn được duy trì bảo đảm hiệu quả, chất lượng. 

Theo bà Lê Thị Kim Dung, Phó Giám đốc Chi nhánh NHCSXH Hà Nam, chương trình tín dụng cho vay giải quyết việc làm đã tác động tích cực đến công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Chỉ tính trong 9 tháng năm 2019, toàn tỉnh có 926 hộ được vay vốn giải quyết việc làm với số tiền trên 44 tỷ đồng. Hiện số khách hàng vay vốn giải quyết việc làm theo Nghị định 61 của Chính phủ là 3.315 hộ với tổng dư nợ trên 137 tỷ đồng. 

Bà Dung cho biết: “Đây là một trong số các chương trình tín dụng hiệu quả nhất trong các chương trình tín dụng của ngân hàng thời gian qua. Các hộ đều sử dụng vốn vay đúng mục đích, chủ yếu đầu tư vào trang trại, phát triển trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất, kinh doanh, giúp thoát nghèo bền vững”.

Theo bà Chu Thị Ảnh, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Bối Cầu, huyện Bình Lục, mấy năm trước gia đình các anh Trần Văn Sơn, Trần Văn Sim, thôn Ngọc Lâm có hoàn cảnh khó khăn, việc làm không ổn định, thu nhập bấp bênh. Thông qua nguồn tín dụng giải quyết việc làm, các gia đình này đã được vay tiền đầu tư xây dựng trang trại, phát triển kinh tế hộ gia đình. Chỉ sau 5 năm, các gia đình đều đã trả được nợ ngân hàng, trang trại ngày càng được mở rộng quy mô, thu nhập ổn định, gia đình thoát nghèo. 

Cũng giống như vậy, gia đình anh Chu Hồng Tấn cùng thôn  vay 50 triệu đồng mở rộng chăn nuôi gà. Anh Tấn là hộ nghèo của thôn, có ba con tuổi ăn, tuổi học, vợ chồng chỉ trông chờ vào vài sào ruộng cấy. Nhờ nguồn vốn vay này, anh phát triển chăn nuôi, có tiền cho con ăn học, ổn định cuộc sống. Năm 2017, gia đình anh thoát nghèo.

Rất nhiều mô hình phát triển kinh tế ở nông thôn ra đời. Nguồn vốn vay giải quyết việc làm từ NHCSXH đã tạo cơ hội cho nhiều nông dân đi đến thành công. Đặc biệt, với nguồn tín dụng này, nhiều thanh niên nông thôn được hỗ trợ tạo việc làm, phát triển kinh tế hộ, khởi nghiệp thành công. Trung bình mỗi năm có gần 100 dự án của thanh niên được vay vốn giải quyết việc làm với số tiền hàng tỷ đồng. Hàng trăm thanh niên nông thôn được vay vốn để xuất khẩu lao động, học nghề. 

Anh Trần Ngọc Hiếu,  thị trấn Vĩnh Trụ, huyện Lý Nhân cho biết: Đúng vào thời điểm khó khăn nhất đối với tôi, “Chương trình giải quyết việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho thanh niên” được triển khai đã tạo cho tôi  cơ hội được tiếp cận, tham gia các dự án, được vay vốn và hỗ trợ kỹ thuật trong sản xuất... Với bản tính cần cù, ham học hỏi, có ý chí vượt khó làm giàu, anh Hiếu đã tận dụng được hiệu quả nguồn tín dụng và các chính sách ưu đãi đó. Đến nay, trong trang trại của anh Hiếu đang được trồng thử nghiệm những giống cam, chanh, bưởi Diễn, phật thủ cảnh trên chậu và một số cây khác, rau sạch đã cho thu hoạch, ước tính mỗi năm khoảng vài trăm triệu đồng.

Bà Lê Thị Kim Dung, Phó Giám đốc Chi nhánh NHCSXH Hà Nam nhận định, thị trường lao động ở Hà Nam trong thời gian tới có những thay đổi nhất định, nhu cầu việc làm của lao động nông thôn càng ngày càng cao hơn. Nhiều người sẽ hướng mục tiêu đến các chương trình khởi nghiệp tại chỗ, nhu cầu tiếp cận vốn tín dụng cũng sẽ khác trước, đòi hỏi NHCSXH nâng cao hiệu quả hoạt động, đảm bảo chất lượng tín dụng hỗ trợ của Nhà nước thông qua ngân hàng.

Thực tế, chương trình tín dụng cho vay giải quyết việc làm cũng cần đổi mới hoạt động, lồng ghép hoạt động với các chương trình khuyến nông, khuyến công, chuyển dịch nguồn vốn ưu đãi cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo sang giải quyết việc làm. Bởi lẽ, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo hằng năm ở Hà Nam đã giảm nhiều. Số người nghèo là đối tượng bảo trợ chiếm 68%, là đối tượng không có khả năng lao động. Trong khi đó, nhu cầu sản xuất kinh, doanh của các hộ dân nông thôn ngày một cao, ngày một mở rộng, giá cả thị trường luôn biến động, chi phí cho sản xuất tăng… Nhiều cơ sở sản xuất và người lao động phải tiếp cận với nguồn vốn của các tổ chức tín dụng khác mới đủ đáp ứng yêu cầu vốn đầu tư…

Giang Nam

Chu Uyên

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy