Thách thức của nghề chèo thuyền ở Tam Chúc

Từ 5 tuổi tôi đã sống và gắn bó với hồ Tam Chúc. Chúng tôi kiếm củi, mò cua bắt ốc ở quanh hồ nên biết rất rõ chỗ nào hồ sâu nhất, chỗ nào nông nhất. Chỗ sâu nhất ở hồ mùa nước nổi khoảng hơn 20m, sóng to… làm sao chèo thuyền tay được

Ngày khai hội, những chiếc thuyền phục vụ các nghi thức trên hồ Tam Chúc đều do những người chèo thuyền ở bến Tràng An - Ninh Bình thực hiện.

Mặc dù dịch vụ du thuyền trên hồ Tam Chúc chưa khai thác, nhưng theo Đề án “Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực phục vụ Khu du lịch Tam Chúc - Ba Sao và Khu Công nghiệp Đồng Văn IV giai đoạn 2019-2021”, huyện Kim Bảng sẽ tổ chức đào tạo nghề ngắn hạn cho 405 người làm nghề vận tải đường thủy, nâng tổng số người được học nghề từ năm 2017 đến năm 2021 là 505 người. Học nghề và làm nghề chèo thuyền nghĩ đơn giản, nhưng thực tế với những ai đã từng sống ở Tam Chúc - Ba Sao, làm nghề chèo thuyền trên hồ Tam Chúc sẽ là một thử thách không nhỏ.

Từ đầu năm đến nay có đến hàng chục vạn lượt du khách đến Tam Chúc. Ngoài đến để chiêm ngưỡng những điều mới lạ, kỳ vĩ đang được xây dựng tại khu tâm linh Tam Chúc, khách du lịch còn ao ước được ngồi trên thuyền du sóng nước hồ xanh. Rộng trên 650 ha, hồ Tam Chúc được ví như một vịnh Hạ Long thu nhỏ, có 6 ngọn núi “mọc” trong lòng hồ tự nhiên. Giờ đang mùa nước cạn nên nhìn hồ chưa thực sự mênh mông, nhưng nó đã cuốn hút du khách vì vẻ đẹp hoang sơ, gợi cảm. Do chưa chính thức đi vào khai thác du lịch, nhiều công trình xây dựng đang trong quá trình hoàn thiện nên các dịch vụ phục vụ du khách còn hạn chế, trong đó có du thuyền.

Ông Nguyễn Quyết Thắng, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Ba Sao (Kim Bảng) cho biết: Ở thị trấn đã có 25 người được dạy nghề vận tải đường thủy, cụ thể là chèo thuyền ở Tam Chúc. Tham gia học ngay từ khóa đầu tiên theo kế hoạch của huyện, giờ họ đang đi làm công nhân hoặc làm các công việc khác, chờ ngày chính thức khu du lịch đi vào hoạt động sẽ về làm việc. Chủ trương là vậy, nhưng thực tế lại nảy sinh một số yêu cầu mới về hoạt động vận tải thủy ở hồ. Vì lòng hồ sâu, sóng lớn, mặt hồ rộng, việc chèo thuyền phục vụ du khách sẽ gặp khó khăn, nhiều khả năng doanh nghiệp khai thác du lịch sẽ sử dụng thuyền máy. Nếu vậy, những người đã học chèo thuyền tay chưa chắc đã đáp ứng được yêu cầu, buộc họ phải học thêm, được đào tạo lại…

100 lao động đã được đào tạo chèo thuyền trên hồ đang chờ việc. Bà Trần Thị Oanh ở tổ phố số 1, thị trấn Ba Sao tâm sự: “Gia đình tôi có gần một mẫu ruộng nằm trong diện tích đất bị thu hồi phục vụ dự án xây dựng khu du lịch, vì thế tôi đã được học nghề chèo thuyền để phục vụ du khách. Thế nhưng học xong nghề, tôi và nhiều người khác lại có cảm giác ngại làm việc này…”.

Được hỏi vì sao lại ngại? Bà Oanh thành thật chia sẻ: “Từ 5 tuổi tôi đã sống và gắn bó với hồ Tam Chúc. Chúng tôi kiếm củi, mò cua bắt ốc ở quanh hồ nên biết rất rõ chỗ nào hồ sâu nhất, chỗ nào nông nhất. Chỗ sâu nhất ở hồ mùa nước nổi khoảng hơn 20m, sóng to… làm sao chèo thuyền tay được. Chính ông thầy dạy nghề cho chúng tôi cũng khẳng định, khó có thể chở khách bằng thuyền và chèo tay. Nó rất nguy hiểm bởi những con sóng lớn ngoài hồ”. 

Bà Oanh hay một số người được học nghề chèo thuyền trên hồ Tam Chúc đã nói thật tâm tư của mình về cuộc sống và nghề nghiệp của họ. Cuộc sống gắn bó với hồ nước từ nhỏ, nhưng họ lại tỏ ra không dám chủ quan với sông nước. Một chàng trai gọi bà Oanh bằng cô nói: “Em học nghề thì học chứ không làm chèo thuyền nữa… Nghe có vẻ vô lý vì em chưa một ngày cầm chèo trên hồ chở khách, nhưng cũng như cô Oanh, em sợ sóng nước hồ Tam Chúc…”.

Hôm chuẩn bị tổ chức khai hội chùa Tam Chúc, khá nhiều thuyền được neo ở ven hồ, phía trước trục tâm linh. Khi nói chuyện với mấy chị cầm chèo mới biết, họ đến từ bến Tràng An, Ninh Bình chỉ để phục vụ lễ hội một vài hôm. Nhưng nhìn những con thuyền bé nhỏ lênh đênh trên sóng nước để thực hiện nghi thức rước nước mới thấy, để vượt qua những con sóng trên mặt hồ với những con thuyền ấy là một thử thách. Dù chỉ chèo ra chỗ cắm cây nêu dài chừng vài trăm mét, nhưng những người lái đò chuyên nghiệp kia cũng phải mất sức rất nhiều. Đoàn người cũng phải sử dụng đến cả thuyền máy để đi.

Chuyện của những người dân Ba Sao sẽ chèo thuyền phục vụ du khách vãng cảnh trên hồ Tam Chúc sau này, thiết nghĩ rất có ý nghĩa lúc này, thời điểm dịch vụ du thuyền chưa đi vào hoạt động. Ngoài kỹ năng nghề nghiệp được đào tạo để phục vụ du khách theo yêu cầu, những vấn đề về tâm lý, và kinh nghiệm của những người chèo thuyền nơi đây đáng để doanh nghiệp khai thác du lịch quan tâm.

Giang Nam

Chu Uyên

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy