Tăng cường vai trò tự chủ của nhà trường trong thực hiện các nhiệm vụ giáo dục

Hiện nay, mặc dù được khuyến khích tự chủ trên nhiều mặt nhưng do một số lý do nên hầu hết các cơ sở giáo dục mới cơ bản chủ động thực hiện được việc tự chủ về chuyên môn, và coi đó là mấu chốt để triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ giáo dục, nhất là khi đã bắt đầu bước vào lộ trình thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông (CTGDPT) 2018.

Năm học 2021-2022 là năm học các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh Hà Nam tiếp tục triển khai dạy chương trình và sách giáo khoa mới đối với học sinh lớp 1 và lớp 2. Trên cơ sở chỉ đạo về chuyên môn của Sở Giáo dục và Đào tạo, các nhà trường xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình theo hướng phân bổ hợp lí về nội dung và thời lượng dạy học giữa các môn học và hoạt động giáo dục không để quá tải, đáp ứng nhu cầu triển khai chương trình mới theo hướng mở, linh hoạt; giúp học sinh hoàn thành nhiệm vụ học tập ngay tại lớp học. 

Tăng cường vai trò tự chủ của nhà trường trong thực hiện các nhiệm vụ giáo dục
Được tự chủ về chuyên môn, giáo viên Trường Tiểu học Hòa Mạc (Duy Tiên) đã linh hoạt tổ chức các hoạt động giáo dục phù hợp, hiệu quả, góp phần thực hiện tốt mục tiêu đổi mới giáo dục.

Theo cô giáo Trần Thị Nguyệt Minh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hòa Mạc (Duy Tiên), để CTGDPT 2018 được triển khai tích cực trong thực tế, đối với nhà trường cần làm tốt vai trò quản lý, phân phối các hoạt động giáo dục, có sự chuẩn bị tốt về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên. Đối với giáo viên, bên cạnh việc phải nắm vững chương trình mới, thay đổi nhận thức và phương thức dạy học còn cần xác định rõ được vai trò, trách nhiệm của cá nhân trong việc tham gia xây dựng kế hoạch nhà trường, kế hoạch giáo dục bảo đảm thực chất và đáp ứng nhu cầu của học sinh, theo hướng tiếp cận năng lực và nội dung học phải phù hợp với khả năng tiếp thu, phù hợp với tâm lý lứa tuổi học sinh…

Hơn thế, theo thông tư điều lệ trường tiểu học, các trường tiểu học được trao quyền tự chủ và chịu trách nhiệm xã hội nhiều hơn; được quyền tự chủ về chuyên môn đối với việc tổ chức các hoạt động giáo dục bảo đảm chất lượng theo chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học. Riêng hiệu trưởng các trường tiểu học còn có trách nhiệm xây dựng kế hoạch phát triển năng lực nghề nghiệp cho giáo viên, nhân viên; động viên và tạo điều kiện cho giáo viên và nhân viên tham gia các hoạt động đổi mới giáo dục; là người quản lý, điều hành các hoạt động của nhà trường gắn với thực hiện xã hội hóa giáo dục, phát huy vai trò của nhà trường đối với cộng đồng… 

Về phía giáo viên, với vai trò là người thực hiện và tổ chức các hoạt động giáo dục theo tinh thần đổi mới, giáo viên cũng được tự chủ thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, tự chịu trách nhiệm về quá trình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn và chất lượng, hiệu quả giáo dục từng học sinh của lớp mình phụ trách… Theo chia sẻ của nhiều giáo viên, điều đó sẽ tạo cho giáo viên thêm không ít áp lực, nhưng rõ ràng sẽ là điều kiện để mỗi giáo viên có thêm cơ hội khẳng định mình, tích cực phấn đấu. 

Ở Trường THCS Trung Lương (Bình Lục), việc tự chủ về chuyên môn đã được nhà trường thực hiện khá hiệu quả từ nhiều năm qua. Theo cô giáo Nguyễn Thị Thanh Sơn, Hiệu trưởng nhà trường, tự chủ giáo dục là điều mà tất cả mọi trường học, cấp học đều mong mỏi. Được tự chủ đồng nghĩa với việc các nhà trường và bản thân đội ngũ cán bộ quản lý sẽ thuận lợi, chủ động và linh hoạt hơn trong việc chỉ đạo, tổ chức triển khai mọi hoạt động giáo dục trong phạm vi trường học. Hiện nay, do mới được tự chủ về chuyên môn nên nhà trường đã tập trung thực hiện tốt một số công việc, như: xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển nhà trường theo từng năm học; xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động giáo dục; bố trí, sắp xếp đội ngũ theo đúng chuyên môn và năng lực; có kế hoạch cụ thể đối với công tác bồi dưỡng giáo viên… Đó cũng là cách làm để thành công hóa yếu tố tự chủ về chuyên môn của nhiều đơn vị trường học khác. 

Tuy nhiên, để hướng tới việc tự chủ toàn diện cả về tài chính và nhân lực thì các trường học sẽ phải tính tới nhiều vấn đề, nhất là phải xuất phát từ sự tự nguyện của học sinh, phụ huynh và phải khẳng định được chất lượng giáo dục cao. Với các trường hoạt động theo mô hình trường học chất lượng cao, khi được tự chủ về mọi mặt, trong đó có tự chủ về thu, chi tài chính là cách gỡ nút thắt hữu hiệu nhất để các trường nâng cao chất lượng giáo dục. Hiện nay, khó khăn chủ yếu khi xây dựng trường chất lượng cao là mọi hoạt động đều dựa vào nguồn ngân sách được cấp, phần thu thêm cho các hoạt động lại bị bó bởi các quy định về quản lý tài chính khác nên rất hạn chế. Thêm vào đó, tuy chưa có quy định về mức học phí đối với học sinh học tại trường chất lượng cao nhưng do tâm lý của cha mẹ học sinh vẫn quen được sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước khi cho con theo học tại các trường công lập nên khi tăng mức học phí theo yêu cầu trường chất lượng cao cũng sẽ phải mất thời gian để tuyên truyền. 

Việc thu hút nhân tài, khích lệ người có tài và có tâm đều cần nguồn dư để chi tăng thu nhập, trích quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp... Trong khi đó, được biết, với chủ trương phổ cập giáo dục tiểu học và THCS, nhà nước đầu tư ngân sách để bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ và hoạt động giáo dục cho các cấp học này. Ngoài mức học phí đối với giáo dục mầm non, phổ thông công lập được HĐND tỉnh thông qua hằng năm, hoạt động sự nghiệp giáo dục cơ bản phụ thuộc ngân sách cấp, các trường rất khó tự chủ về tài chính. Ở một số cơ sở giáo dục chất lượng cao, mục tiêu tự chủ một phần tài chính đang được xem xét triển khai thực hiện với việc đa dạng hóa các loại hình dịch vụ giáo dục, giúp phụ huynh và học sinh có thêm sự lựa chọn các dịch vụ giáo dục hữu ích, đáp ứng được nhu cầu thực tế.

Thanh Hà

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.