Sốt xuất huyết lan rộng ở Phủ Lý, Khoa truyền nhiễm BVĐK Hà Nam quá tải

Ngày 21/7, thành phố Phủ Lý ghi nhận ổ dịch sốt xuất huyết (SXH) đầu tiên tại phường Hai Bà Trưng, sau đó là ổ dịch tại phường Minh Khai. Qua gần 2 tháng, đến ngày 15/9, SXH đã lan ra các phường, xã: Lương Khánh Thiện, Trần Hưng Đạo, Lê Hồng Phong, Đinh Xá, Kim Bình, Phù Vân, Liêm Chính, Liêm Tiết, Liêm Chung. Như vậy từ ngày 21/7 đến ngày 15/9 đã có 11/21 xã, phường của Phủ Lý có ca bệnh SXH, với tổng số ca bệnh ghi nhận là 209 trường hợp.

11/21 phường, xã của Phủ Lý có ca SXH

Ổ dịch SXH tại phường Hai Bà Trưng ghi nhận số ca bệnh nhiều nhất: 96 ca ở 10 tổ: 1, 2, 3, 5, 10, 4, 6, Bảo Thôn, 8, 9.  Ổ dịch tại phường Minh Khai ghi nhận 77 ca ở các tổ: 3, 4, 2, 6, 1, 5.  Tại xã Đinh Xá 2 trường hợp ở thôn 3. Tại Kim Bình 2 ca ở Đồng Tiến. Tại phường Lê Hồng Phong 8 trường hợp ở các tổ 3,5,1,2. Tại phường Lương Khánh Thiện ghi nhận 7 ca tại tổ 2, 6, 8. Tại phường Trần Hưng Đạo ghi nhận 5 trường hợp tại tổ 5, 4, 10, 8, 6. Xã Phù Vân ghi nhận 1 ca ở thôn 1. Liêm Chính ghi nhận 8 ca ở Mễ Nội, Mễ Thượng, Thá. Liêm Tiết ghi nhận 1 ca ở Khê Lôi. Liêm Chung 1 ca ở xóm 5.

Trong ngày 15/9 vẫn có 2 ca mắc mới, 1 ca ở phường Lương Khánh Thiện, 1 ca ở phường Minh Khai.

Đáng chú ý, theo bác sỹ Lê Tự Vượng, Trưởng Khoa Truyền nhiễm, BVĐK Hà Nam, ngoài chủ yếu bệnh nhân ở Phủ Lý, khoa cũng đã tiếp nhận một số bệnh nhân SXH ở các huyện trong tỉnh, như ở Thanh Hà (Thanh Liêm), Văn Lý (Lý Nhân), Bình Nghĩa (Bình Lục). Trao đổi với lãnh đạo Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Thanh Liêm được biết, thời gian qua trung tâm có tiếp nhận điều trị một số ca SXH có địa chỉ cư trú ở thành phố Phủ Lý. Tại TTYT huyện Bình Lục cũng có tiếp nhận điều trị một ca nghi ngờ SXH. Trường hợp này làm việc ở thành phố Phủ Lý. Như vậy sau gần 2 tháng xuất hiện ổ dịch đầu tiên ở Phủ Lý, SXH đã lan ra nhiều địa phương ở thành phố, số ca bệnh tăng, và hiện tại đã bắt đầu xuất hiện ở một số địa phương khác trong tỉnh.

Khoa Truyền nhiễm BVĐK tỉnh quá tải, BV Sản-Nhi nhiều bệnh nhân SXH

Sốt xuất huyết lan rộng ở Phủ Lý Khoa truyền nhiễm BVĐK Hà Nam quá tải
Khoa Truyền nhiễm, BVĐK tỉnh quá tải vì số bệnh nhân sốt xuất huyết đông 

Tại BVĐK Hà Nam từ 1/7 đến 15/9/2021 tiếp nhận điều trị tổng số 189 ca SXH. Ngày 16/9/2021 có 56 bệnh nhân vẫn đang điều trị tại bệnh viện. Theo bác sỹ Lê Tự Vượng-Trưởng khoa Truyền nhiễm, BVĐK Hà Nam, khoảng từ trung tuần tháng 7 trở lại đây khoa tiếp nhận nhiều bệnh nhân SXH, chủ yếu đến từ thành phố Phủ Lý. Khoa có 2 tầng, tầng 1 dành để điều trị bệnh nhân Covid-19. Chỉ còn tầng 2 điều trị bệnh nhân các bệnh truyền nhiễm khác. Vì thế khi số bệnh nhân SXH đến đông đã gây nên tình trạng quá tải. Hiện tại tầng 2 dành để điều trị các bệnh nhân truyền nhiễm khác ngoài Covid-19 có 16 giường nhưng phải tiếp nhận tới 32 bệnh nhân, trong đó có tới 28 bệnh nhân SXH, vì thế tất cả bệnh nhân phải nằm ghép đôi. Vì cơ sở vật chất ở Khoa Truyền nhiễm quá tải, nhiều bệnh nhân SXH được đưa xuống các khoa khác trong bệnh viện điều trị.

  Bác sỹ Lê Tự Vượng cũng cho biết, trong số bệnh nhân SXH đến khoa điều trị có khoảng 10% là bệnh nhân nặng, trong đó có 6% phải chuyển lên bệnh viện tuyến trên. Có những bệnh nhân SXH dẫn đến bị giảm áp lực máu, có ca xuất huyết não, trụy mạch, giảm tiểu cầu nặng, xuất huyết nội tạng, đều phải chuyển lên bệnh viện tuyến trên. Những bệnh nhân bị nặng theo bác sỹ Vượng ngoài nguyên nhân do tuổi cao sức yếu, có bệnh nền, suy kiệt cơ thể, thì có khá nhiều bệnh nhân đến bệnh viện muộn. Nhiều bệnh nhân bị xuất huyết, giảm tiểu cầu nặng, thiếu nước điện giải mới vào viện. Việc để giảm tiểu cầu mới vào viện rất nguy hiểm, có thể gây ra nguy cơ xuất huyết, đặc biệt xuất huyết não có thể dẫn đến tử vong. 

Tại Bệnh viện Sản-Nhi từ đầu tháng 8/2021 trở lại đây tiếp nhận nhiều bệnh nhi bị SXH. Nửa đầu tháng 8 tại bệnh viện luôn có khoảng 10 ca SXH nằm điều trị. Từ nửa cuối tháng 8 trở lại đây luôn có khoảng 20 bệnh nhi bị SXH nằm điều trị tại viện. Mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận mới 5-6 bệnh nhi bị SXH.

Tiếp tục thực hiện quyết liệt  các biện pháp

Sốt xuất huyết lan rộng ở Phủ Lý Khoa truyền nhiễm BVĐK Hà Nam quá tải
Cán bộ y tế chuẩn bị phun thuốc muỗi tại khu vực có bệnh nhân SXH ở Phủ Lý 

Ngay khi xuất hiện ổ dịch đầu tiên, TTYT Phủ Lý đã triển khai nhiều hoạt động phòng, chống dịch SXH. Cụ thể, chỉ đạo, phối hợp với y tế cơ sở phun thuốc diệt muỗi ở các địa điểm phát hiện ổ dịch; tuyên truyền để người dân dọn vệ sinh nơi ở, lật úp các vật dụng chứa nước để diệt bọ gậy, chú ý ngủ nằm màn,…Tuy nhiên có thể do thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều nên việc diệt muỗi truyền bệnh khó triệt để.

Hiện tại TTYT thành phố chỉ đạo các trạm y tế phối hợp tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền để người dân thực hiện tích cực các biện pháp phòng, chống SXH. Đồng thời hướng dẫn người dân khi có các dấu hiệu nghi ngờ SXH phải đến các cơ sở y tế để khám và điều trị. Cùng đó giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc mới để điều tra dịch tễ, khống chế ổ dịch. TTYT thành phố cũng đề nghị các trạm y tế tham mưu với UBND phường, xã có các biện pháp mạnh mẽ hơn nữa nhằm nâng cao ý thức của người dân trong phòng, chống SXH.

Bác sỹ Lê Tự Vượng-Trưởng khoa Truyền nhiễm, BVĐK Hà Nam cho biết: Nhiều bệnh nhân nói khi ngủ đều nằm màn sao vẫn bị SXH, tôi phải giải thích muỗi truyền bệnh SXH đốt nhiều nhất là lúc trời nhập nhoạng: 5-7 giờ sáng, 5-7 giờ tối. Giờ đó hầu hết mọi người đều đang hoạt động, như xem tivi, làm việc nhà, thể dục,…Vì thế mấu chốt nhất của vấn đề là phải diệt muỗi thông qua việc vệ sinh sạch sẽ nơi ở, phun thuốc diệt muỗi, lật úp các vật dụng chứa nước đọng để muỗi không có chỗ đẻ trứng, cắt đứt đường sinh sản của muỗi. Với chum, vò, bể đựng nước sinh hoạt, nước ăn phải đậy kín để muỗi không bay vào đẻ trứng, hoặc thả cá để cá ăn ấu trùng muỗi. Những khu dân cư có bệnh nhân SXH cần phát quang bụi rậm, dọn vệ sinh sạch sẽ cả khu để triệt tiêu chỗ trú ẩn của muỗi…

*Theo tài liệu của ngành y tế, SXH là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây ra. Nguyên nhân lây lan bệnh là do muỗi vằn truyền virus Dengue từ người bệnh sang người khỏe mạnh. Bệnh xảy ra quanh năm, thường gia tăng vào mùa mưa. Bệnh SXH dạng nhẹ sẽ gây sốt cao, phát ban, đau cơ và khớp, rối loạn đông máu, suy đa tạng... Nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời dễ dẫn đến dễ dẫn đến SXH dạng nặng, có thể gây chảy máu nặng, giảm huyết áp đột ngột (sốc) và tử vong.

Vì thế khi bị sốt cao đột ngột 39 – 40 độ C, khó hạ sốt, đau đầu dữ dội ở vùng trán, sau nhãn cầu, có thể có nổi mẩn, phát ban cần nghĩ ngay đến SXH, đến bệnh viện hoặc khám bác sỹ để được điều trị kịp thời.

Đ.H

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy