Quan tâm tạo việc làm tại chỗ cho lao động địa phương

Những năm qua, công tác giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh luôn được chính quyền các địa phương quan tâm thực hiện lồng ghép vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội và đã mang lại hiệu quả tích cực. Nhờ việc triển khai đồng bộ các giải pháp như đẩy mạnh kết nối cung - cầu lao động, tư vấn, giới thiệu việc làm, quan tâm đến công tác đào tạo nghề… nhiều địa phương đã giữ chân được lượng lớn lao động tại chỗ. Qua đó, không chỉ giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động (NLĐ) mà còn đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đánh giá được tiềm năng lao động tại khu vực Đạo Lý, huyện Lý Nhân, năm 2020, Công ty TNHH Thiên Sơn Hà Nam, chuyên sản xuất hàng may mặc xuất khẩu sang Mỹ, Anh, Tây Ban Nha đã lựa chọn xây dựng xưởng may tại đây. Để thu hút lao động, công ty đã thực hiện nhiều giải pháp, trọng tâm là xây dựng chế độ đãi ngộ thỏa đáng, tạo môi trường làm việc thân thiện, an toàn cho NLĐ. Công ty hiện có hơn 1.100 lao động, trong đó 60% là NLĐ của xã Đạo Lý và các xã lân cận của huyện Lý Nhân; thu nhập bình quân từ 7 - 10 triệu đồng/người/tháng.

Ông Vũ Tấn, Giám đốc nhân sự Công ty TNHH Thiên Sơn Hà Nam cho biết: Xác định NLĐ là tài sản quý giá của doanh nghiệp, lãnh đạo công ty rất quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho NLĐ từ bảo đảm về lương, thưởng, chế độ ăn ca, tham gia đầy đủ bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), khám sức khỏe định kỳ đến hỗ trợ xe đưa đón, tặng sổ tiết kiệm cho lao động có thâm niên làm việc từ 5 năm trở lên, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động, an toàn thực phẩm… Nhờ đó, lượng lao động "nhảy việc" tại công ty rất hạn chế. Để đáp ứng yêu cầu về sản xuất, công ty có nhu cầu tuyển dụng khoảng 700 lao động và chúng tôi sẽ ưu tiên lực lượng lao động tại chỗ.

Thông tin từ UBND xã Đạo Lý, hiện số người trong độ tuổi lao động của xã là khoảng 4.000 người. Do vậy, để tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, cấp ủy, chính quyền xã đã thực hiện nhiều giải pháp, phối hợp với các đơn vị tuyển dụng tuyên truyền, giới thiệu việc làm tới từng thôn, xóm, hộ gia đình để thu hút, kêu gọi con em địa phương vào làm việc tại các doanh nghiệp đóng trên địa bàn.

Đặc biệt, tạo điều kiện thuận lợi về mặt thủ tục, mặt bằng, chính sách để thu hút các dự án về đầu tư tại địa phương. Toàn xã có 7 doanh nghiệp hoạt động thuộc lĩnh vực may mặc, kinh doanh vật liệu xây dựng… giải quyết việc làm cho trên 500 lao động địa phương, với mức lương từ 6 - 10 triệu đồng/người/tháng. Cùng với các chính sách phối hợp giới thiệu việc làm, UBND xã Đạo Lý cũng quan tâm, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các nguồn vốn vay để phát triển kinh tế, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, tham gia các lớp học nghề… Tính từ đầu năm 2022 đến nay, xã Đạo Lý đã tạo việc làm mới cho trên 170 người.

Tại xã Liêm Cần (huyện Thanh Liêm), theo chia sẻ của Chủ tịch UBND xã Phạm Văn Độ, tỷ lệ người trong độ tuổi lao động tại Liêm Cần chiếm trên 45% tổng dân số của xã, tương đương với khoảng 4.800 người. Những năm qua, bằng nhiều giải pháp Liêm Cần đã thu hút được 5 doanh nghiệp lớn về đầu tư hoạt động, góp phần giải quyết việc làm cho gần 1.500 lao động địa phương, với mức thu nhập ổn định từ 5 - 10 triệu đồng/người/tháng. Người dân có việc làm, thu nhập ổn định chính là giải pháp quan trọng để giúp Liêm Cần nâng cao chỉ tiêu về thu nhập bình quân đầu người từ 62 triệu đồng/người/năm trong năm 2021 lên 64 triệu đồng/người/năm trong năm 2022.

Được thành lập vào năm 2017, đến nay, Công ty TNHH May và Thương mại An Phát, xã Liêm Cần, chuyên may gia công hàng xuất khẩu, đã mở rộng được 2 cơ sở tại thôn Vực và thôn Ngũ, tạo việc làm cho 150 lao động, chủ yếu là người địa phương, độ tuổi từ 18-50 tuổi. Thu nhập bình quân đạt 6,5-7 triệu đồng/người/tháng. Hiện, công ty vẫn tiếp tục có nhu cầu tuyển dụng khoảng 50 lao động.

Quan tâm tạo việc làm tại chỗ cho lao động địa phương
Công nhân làm việc tại Công ty TNHH May và Thương mại An Phát, xã Liêm Cần (Thanh Liêm). Ảnh: Hải Yến

Là một người có con nhỏ, chị Lê Thị Tạo, thôn Tứ, xã Liêm Cần ưu tiên việc lựa chọn nơi làm việc gần nhà. Chị Tạo chia sẻ: Làm việc tại Công ty TNHH May và Thương mại An Phát, chúng tôi cảm thấy rất thoải mái, quyền lợi cũng như các chế độ phúc lợi cơ bản ổn định. Đặc biệt, chủ sử dụng lao động rất linh động, tạo điều kiện về mặt thời gian để chúng tôi có thể đưa đón con đi học, về nhà. Từ đó, giúp chúng tôi yên tâm làm việc để tăng thu nhập, đồng thời hoàn thành nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của đơn vị.

Theo báo cáo của Sở LĐ,TB&XH, trên địa bàn tỉnh hiện có trên 160.000 lao động, trong đó trên 70% là lao động địa phương. Trong 9 tháng năm 2022, toàn tỉnh giải quyết việc làm mới cho trên 20.600 người, tổ chức 24 phiên giao dịch việc làm với sự tham gia tuyển dụng của 395 lượt doanh nghiệp.

Tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nam (thuộc Sở LĐ,TB&XH), ngoài việc tổ chức các phiên giao dịch việc làm định kỳ, trung tâm còn đẩy mạnh phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố để tổ chức các phiên giao dịch việc làm qua hình thức zalo, facebook và các ngày hội tư vấn, giới thiệu việc làm đến NLĐ. Từ đầu năm đến nay, trung tâm đã giới thiệu việc làm cho trên 4.000 người, tư vấn việc làm cho trên 30.000 lượt người, chủ yếu thuộc các ngành như: may mặc, lắp ráp điện tử…; tổ chức 4 phiên kết nối 8 tỉnh khu vực đồng bằng sông Hồng để giúp NLĐ tìm việc làm. Thông qua các phiên giao dịch việc làm góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho NLĐ nắm bắt thông tin về thị trường lao động. Từ đó, chủ động tìm kiếm việc làm, học nghề phù hợp với bản thân, hạn chế việc “ly hương”, đồng thời đáp ứng nguồn lao động cho các doanh nghiệp tại địa phương.

Hoàng Hải

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.