Nhìn lại thị trường lao động Hà Nam năm Covid-19

Người lao động và doanh nghiệp là những đối tượng bị ảnh hưởng rõ ràng nhất bởi tác động của dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, việc kiểm soát tốt dịch bệnh và công tác tiếp nhận người nước ngoài vào tỉnh làm việc… đã phần nào tạo môi trường lao động ổn định, số người được giải quyết việc làm mới tăng vượt mức kế hoạch năm. Tỷ lệ thất nghiệp thấp hơn so với các năm trước.

Cung vẫn không đáp ứng cầu

Báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho thấy, số lao động được tạo việc làm mới năm 2020 là trên 23.000 người, vượt  kế hoạch năm là 38%. Cùng với đó, gần 25.700 người được tạo việc làm thêm. Lao động trong khu vực nông, lâm, nghiệp và thủy sản chiếm 25,6%; công nghiệp - xây dựng và dịch vụ chiếm 74,4%. Toàn tỉnh có 478.921 người  trong độ tuổi lao động đang làm việc trong nền kinh tế. Do tác động của đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp thiếu hụt nguồn nguyên liệu, xuất nhập khẩu gặp khó. Toàn tỉnh có trên 260 doanh nghiệp thông báo tạm ngừng và hơn 60 doanh nghiệp khác phải giải thể. Riêng đối với các doanh nghiệp FDI, tác động của đại dịch thực sự rõ ràng. Trong tổng số 326 dự án FDI hoạt động trong và ngoài khu công nghiệp, có trên 230 dự án bị suy giảm sản xuất, hoặc hoạt động cầm chừng, hoặc tạm dừng sản xuất, ảnh hưởng đến việc làm và thu nhập của gần 5.000 lao động. 

Nhìn lại thị trường lao động Hà Nam năm Covid19
Doanh nghiệp tìm lao động trực tiếp tại Ngày hội tư vấn hướng nghiệp và giới thiệu việc làm.

Dù vậy, nhu cầu tuyển dụng lao động của nhiều doanh nghiệp vẫn thường xuyên và gặp khó do không có nguồn. Theo kế hoạch năm 2020, các doanh nghiệp trong khu công nghiệp có nhu cầu tuyển dụng trên 10.000 lao động. Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã làm hạn chế khả năng tiếp cận, tìm kiếm việc làm của người lao động tại các phiên giao dịch việc làm truyền thống.

Bà Trần Thị Thu Lý, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm cho biết: Dịch Covid - 19 đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động chuyên môn của đơn vị, nhiều tháng liền phải tạm dừng tổ chức các phiên giao dịch việc làm định kỳ tại trung tâm và phiên giao dịch việc làm lưu động tại các huyện. Tình hình giám sát lao động thất nghiệp tham gia học nghề tại các đơn vị cũng bị gián đoạn… Bà Trần Thị Thu Lý nói: Những năm qua, thị trường cung - cầu lao động ở Hà Nam không quá nhiều biến động, nhưng một hai năm trở lại đây, các doanh nghiệp, các dự án trong và ngoài khu công nghiệp phát triển, mở rộng sản xuất đã làm cho nhu cầu tuyển dụng lao động tăng lên. Trong khi, nguồn lao động địa phương không tăng. Do đó, cung sẽ không đáp ứng cầu. 

Dịch chuyển lao động không ngừng

Trong khi dịch bệnh Covid-19 diễn ra phức tạp ở nhiều nơi, trên địa bàn Hà Nam, tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát tốt. Ngành lao động, thương binh và xã hội đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý lao động nước ngoài làm việc tại các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh; nắm bắt tình hình lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch và tham mưu với UBND tỉnh các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người lao động. 

Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, như: tăng cường hoạt động giao dịch việc làm, tư vấn, giới thiệu việc làm trực tuyến để kết nối cung - cầu lao động; thông báo cho người lao động được gửi hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp qua đường bưu điện, thông báo về việc tìm kiếm việc làm hằng tháng được thực hiện dưới hình thức gián tiếp; tiến hành cập nhật kết quả điều tra thông tin thị trường lao động vào phần mềm quản lý… Các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã có những chính sách tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19, như giảm lãi cho 1.778 khách với số tiền, miễn, giảm lãi trên 22 tỷ đồng; cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 1.640 khách hàng với số dư nợ cơ cấu lại trên 5.900 tỷ đồng. 

Nhờ đó, hoạt động của doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh, hợp tác xã được duy trì, tiếp tục tạo việc làm thường xuyên và thu nhập ổn định cho người lao động. Lao động phi chính thức đang có xu hướng chuyển dần sang chính thức ngày một rõ ràng hơn, nghĩa là số lao động trong độ tuổi đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, được hưởng lương và các chế độ đãi ngộ, được tham gia đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế ngày một tăng. Số lao động không đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp sẽ tiếp tục ở lại thị trường lao động phi chính thức, nhưng vẫn bảo đảm thu nhập, không cần kỹ năng nghề nghiệp cao. Lao động trong lĩnh vực nông nghiệp cũng chuyển dịch dần sang phi nông nghiệp, trở thành công nhân nông thôn trong các cơ sở sản xuất may mặc, chế biến thực phẩm vừa và nhỏ ở các địa phương. 

Theo Cục Thống kê, tỷ lệ lao động trong nông nghiệp hiện còn 25,5%. Số lao động qua đào tạo của tỉnh đạt 70%. Tỷ lệ thất nghiệp chung 1,8%, trong đó khu vực thành thị là 2,4%. Kết quả này cho thấy, thị trường lao động Hà Nam năm 2020, một năm đầy sóng gió và khó khăn đối với doanh nghiệp, người lao động do tác động của đại dịch Covid-19 vẫn bảo đảm ổn định, không có nhiều xáo trộn và tác động quá tiêu cực.

Chu Uyên

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy