Nghề may gia công tạo việc làm cho nữ lao động nông thôn

Cơ sở may gia công của gia đình anh Đào Văn Phố, thôn Tiêu Hạ, xã Tiêu Động (Bình Lục) thu hút trên 30 lao động nữ đang làm việc tại xưởng và gần chục lao động nhận sản phẩm về may gia công tại nhà.

Qua trò chuyện với anh Phố, được biết, trước đây, ngoài sản xuất nông nghiệp, gia đình anh làm thêm nghề thêu ren. Do thị trường đầu ra của sản phẩm thêu ngày càng khó khăn nên anh Phố đã tìm hiểu thị trường rồi chủ động liên hệ với các công ty trong và ngoài tỉnh để nhận may gia công sản phẩm gấu bông các loại. Đầu năm 2018, khi mới đi vào hoạt động, xưởng may của gia đình anh Phố chỉ có 10 máy may, tạo việc làm cho hơn chục lao động trong thôn. Nhận thấy nhu cầu về việc làm của lao động địa phương tăng cao, mới đây, anh Phố đã mở rộng xưởng, nhận thêm sản phẩm về làm và thuê trên 30 lao động làm việc.

Xưởng may gia công của gia đình anh Đào Văn Phố, thôn Tiêu Hạ, xã Tiêu Động (Bình Lục) tạo việc làm ổn định cho trên 30 lao động địa phương.

Anh Phố cho biết: Phần lớn lao động làm việc cho xưởng may của gia đình tôi là phụ nữ trẻ đang có con nhỏ trong độ tuổi đi học. So với làm việc tại các công ty, doanh nghiệp trong cụm công nghiệp, chị em mong muốn được làm việc ở xưởng may gia công trong thôn, xóm hơn. Bởi, khi làm việc tại xưởng may quy mô hộ gia đình, người lao động không cảm thấy bị áp lực về thời gian và năng suất lao động. Tại xưởng may của tôi, người lao động làm theo nhu cầu, thu nhập tính theo sản phẩm. Vì thế, chị em bận con nhỏ có thể sắp xếp thời gian hợp lý để bảo đảm mức thu nhập trên dưới 3 triệu đồng mỗi tháng, vừa chăm sóc tốt cho gia đình. 

Bà Nguyễn Thị Quyên, cán bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xã Tiêu Động cho biết: Trên địa bàn xã hiện có 3 xưởng may gia công quy mô hộ gia đình, tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 100 lao động, với mức thu nhập từ 3-5 triệu đồng/người/tháng. Sự ra đời, phát triển của các xưởng may gia công ở các thôn, xóm đã tạo việc làm, tăng thu nhập cho lượng lớn lao động nông thôn, nhất là phụ nữ đã qua độ tuổi đi làm trong các doanh nghiệp và chị em có con nhỏ. Chị em ăn lương theo hiệu quả lao động, ai làm được nhiều thì sẽ hưởng nhiều, vì vậy chị em rất chịu khó học hỏi, hăng hái làm việc. Do không bị gò bó bởi các quy định như ở công ty nên chị em chủ động được thời gian để lo việc nhà, việc đồng áng và đưa đón con đi học.

Tương tự như xã Tiêu Động, tại hầu hết các vùng nông thôn khác trong tỉnh, xưởng may gia công quy mô hộ gia đình hay theo mô hình tổ hợp tác ngày càng phát triển mạnh. Điển hình, tại huyện Kim Bảng, số xưởng may gia công tại các “lũy tre xanh” phát triển mạnh trong 2 năm trở lại đây.

Theo Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Kim Bảng, toàn huyện hiện có khoảng 80 xưởng may gia công quy mô hộ gia đình, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương. Xã ít thì có 1-2 xưởng, xã nhiều có tới 4-5 xưởng. Mỗi xưởng tạo việc làm cho từ 10 lao động nữ trở lên.

Đơn cử như tại xã Thanh Sơn (Kim Bảng), ngoài 3 công ty may lớn còn có 3 xưởng may gia công quy mô hộ gia đình. Mỗi xưởng đang tạo việc làm cho từ 10 lao động nữ trở lên.

Chị Nguyễn Thị Hải, chủ xưởng may gia công tại thôn Thanh Nội 2, xã Thanh Sơn cho biết: Trước đây, tôi mở cửa hàng may mặc nhưng vài năm nay, thời trang mua sẵn ngày càng phổ biến nên nghề may đo gặp khó khăn. Được người quen giới thiệu “mối” may gia công cho một hãng thời trang nổi tiếng trên Hà Nội, tôi đã mua thêm máy may và tuyển lao động làm việc tại cơ sở may của gia đình. Trung bình mỗi tháng, xưởng may của tôi nhận gia công trên 1.000 nghìn sản phẩm may mặc các loại, chủ yếu là váy, áo.

Do lượng hàng hiện tại chưa nhiều nên hiện tôi mới đang duy trì hơn chục máy, đáp ứng việc làm thường xuyên cho trên 10 lao động trong thôn và các thôn lân cận với thu nhập từ 160.000 - 200.000 đồng/ngày (phụ thuộc vào tay nghề). Vào mùa cao điểm như các dịp lễ, Tết trong năm, đơn hàng nhiều, tôi phải thuê thêm thợ may tại địa phương lấy sản phẩm về may tại nhà với công may từ 30.000 - 45.000 đồng/sản phẩm.

Là một trong những người gắn bó với xưởng may của gia đình chị Hải ngay từ những ngày mới mở xưởng, chị Trần Thị Hương, thôn Thanh Nội 2 chia sẻ: Trước đây, để có thêm thu nhập lo cho gia đình tôi phải đi làm thuê các nơi rồi làm công nhân trong các công ty trên địa bàn huyện. Tôi không đi được xe máy nên việc đạp xe mấy cây số đi làm mỗi ngày cũng mất nhiều thời gian. Hơn nữa, làm công nhân phải đi từ sáng đến chiều tối nên tôi gặp rất nhiều khó khăn trong việc chăm mẹ già yếu không đi lại được và đưa đón các con đi học. Từ ngày có xưởng may mở tại địa bàn thôn, tôi rất phấn khởi vì vừa có thu nhập, vừa chủ động được thời gian chăm sóc gia đình.

Như vậy, mô hình may gia công quy mô hộ gia đình ra đời, phát triển đã giúp nhiều phụ nữ nông thôn bớt dầm mưa, dãi nắng, không phải đi làm xa mà vẫn có công việc với thu nhập ổn định. Từ thực tế tại các địa phương, mô hình đang dần cho thấy, chuyển đổi nghề nghiệp, giải quyết việc làm theo hướng “ly nông, bất ly hương” là cách làm hiệu quả trong giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn.                       

Nguyễn Oanh

Nguyễn Oanh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy