Nâng cao chất lượng tiêu chí thu nhập trong xây dựng nông thôn mới ở Kim Bảng

Thu nhập là một trong những tiêu chí quan trọng và khó hoàn thành trong chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM). Đây cũng là tiêu chí giữ vai trò “đòn bẩy”, thúc đẩy việc duy trì, nâng cao chất lượng các chỉ tiêu, tiêu chí còn lại. Trong xây dựng NTM kiểu mẫu, việc hoàn thành đạt chuẩn chỉ tiêu thu nhập cũng là thách thức không nhỏ đối với các địa phương. Huyện Kim Bảng đã làm như thế nào để duy trì, nâng cao chất lượng tiêu chí thu nhập tại cơ sở?

Kim Bảng là một trong 2 địa phương đạt chuẩn huyện NTM sớm nhất trong toàn tỉnh với 16/16 xã về đích NTM trong năm 2017. Tuy nhiên, xác định, xây dựng NTM chỉ có điểm khởi đầu mà không có điểm kết thúc, mục tiêu của chương trình xây dựng NTM  là không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nên ngay sau khi đạt chuẩn huyện NTM,  Kim Bảng đã chỉ đạo các xã tiếp tục quan tâm nâng cao thu nhập cho người dân thông qua việc thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, làng nghề, thương mại - dịch vụ, du lịch, phấn đấu đến năm 2025, thu nhập của người dân trong huyện đạt 138 triệu đồng/người/năm. 

Kim Bảng giữ vững nâng cao chất lượng tiêu chí  thu nhập trong xây dựng nông thôn mới
Phát triển mạnh hệ thống bán lẻ tại xã Thi Sơn (Kim Bảng).

Cụ thể, trong sản xuất nông nghiệp, huyện Kim Bảng đẩy mạnh thực hiện chủ trương tích tụ, tập trung ruộng đất nông nghiệp; áp dụng cơ giới hoá trong sản xuất; xây dựng, phát triển các mô hình, đề án sản xuất ứng dụng công nghệ cao, nhất là mô hình sản xuất cây ăn quả an toàn trên vùng chuyển đổi đất lúa; phát triển chăn nuôi theo hướng nâng cao chất lượng gắn với bảo vệ môi trường; tăng cường công tác phòng, chống dịch cho đàn gia súc, gia cầm…

Tính đến hết năm 2021, toàn huyện đã xây dựng được 18 mô hình cánh đồng mẫu, quy mô gần 600 ha; thực hiện tập trung, tích tụ trên 532 ha đất nông nghiệp để sản xuất lúa, rau, củ, quả. Trong năm 2021, huyện đã triển khai thực hiện mô hình sản xuất dưa lưới xuất khẩu tại xã Thanh Sơn, diện tích trên 0,8 ha; chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại các xã: Nguyễn Úy, Tượng Lĩnh, Lê Hồ, Tân Sơn, Thụy Lôi; triển khai đề án phát triển đàn lợn nái tại xã Văn Xá, Đồng Hóa, Lê Hồ, Hoàng Tây; thúc đẩy phát triển đàn bò tại xã Khả Phong; nâng cao chất lượng các mô hình nuôi cá ứng dụng công nghệ sông trong ao tại xã Thanh Sơn; thành lập mới 5 hợp tác xã ít xã viên… 

Trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, huyện Kim Bảng đặc biệt quan tâm, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, tạo thuận lợi thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động; tăng cường quản lý nhà nước gắn với nâng cao chất lượng hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ tại các cụm công nghiệp; phối hợp thực hiện tốt công tác quản lý, hỗ trợ phát triển KCN Đồng Văn IV; duy trì, phát triển các làng nghề; làm tốt công tác giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm để phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch…

Nhờ đó, trong 3 năm trở lại đây, giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản của huyện tăng 2-2,5%/năm; giá trị sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp tăng 20-25%/năm; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 15-20%/năm. Mỗi năm, toàn huyện giải quyết việc làm mới cho 3.300-3.500 lao động.  

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kim Bảng, mặc dù hoạt động sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch Covid – 19 nhưng năm 2021, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện vẫn đạt 63,1 triệu đồng, vượt so với kế hoạch và tăng gần 13% so với năm 2020. Đến thời điểm này, các xã đăng ký về đích NTM kiểu mẫu năm 2022, gồm: Thụy Lôi, Hoàng Tây, Liên Sơn đều cơ bản hoàn thành chỉ tiêu thu nhập với mức thu nhập đến hết năm 2022 ước đạt từ 78 triệu đồng/người. Còn các xã đã hoàn thành xây dựng NTM kiểu mẫu như Thanh Sơn, Thi Sơn, Nguyễn Úy, Nhật Tựu, chỉ tiêu thu nhập vẫn được giữ vững, nâng cao qua từng năm. Đến hết năm 2021, các xã này đạt mức thu nhập xấp xỉ 79 triệu đồng/người/năm. Và tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí. 

Mặc dù Thụy Lôi là một trong 4 xã tốp cuối của huyện Kim Bảng về đích NTM năm 2017 nhưng trong những năm qua, xã được đánh giá là địa phương thực hiện hiệu quả việc duy trì, nâng cao chất lượng các nhóm tiêu chí NTM, nhất là tiêu chí thu nhập với mức tăng trên 41 triệu đồng/người từ năm 2017 đến hết năm 2021.

Được biết, để đạt kết quả này, hằng năm xã Thụy Lôi đều xây dựng kế hoạch với việc đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể đối với từng ngành nghề, lĩnh vực. Trong đó, chú trọng phát triển chăn nuôi đàn bò, lợn, dê, gia cầm và ngành nghề phụ như phụ hồ, làm mỹ ký…  

Ông Phạm Văn Tấn, Chủ tịch UBND xã Thụy Lôi cho biết: Để nâng cao chất lượng tiêu chí thu nhập, xã Thụy Lôi quan tâm triển khai kịp thời các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các kênh hỗ trợ như vay vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội; hỗ trợ giống, vốn, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật để thúc đẩy phát triển sản xuất; phối hợp với các doanh nghiệp trong khu, cụm công nghiệp đào tạo, tuyển dụng lao động; vận động, hướng dẫn người dân đi xuất khẩu lao động… Đến hết năm 2021, thu nhập của người dân trong xã đã đạt trên 78 triệu đồng. Đây cũng chính là động lực để xã Thụy Lôi phấn đấu về đích NTM kiểu mẫu trong năm 2022. 

Trao đổi về giải pháp nâng cao chất lượng tiêu chí thu nhập trong xây dựng NTM, ông Lưu Trần Sơn, Chủ tịch UBND huyện Kim Bảng khẳng định: Trong thời gian tới, huyện Kim Bảng sẽ đẩy mạnh công nghiệp hóa nông nghiệp; tăng cường công tác xúc tiến thương mại tiêu thụ nông sản cho người dân; khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư vào sản xuất, ứng dụng công nghệ cao để tạo ra sản phẩm nông sản sạch, an toàn, chất lượng, có sức cạnh tranh, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ bền chặt. Cùng với đó, đẩy mạnh chuyển đổi hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang chăn nuôi tập trung, an toàn dịch bệnh gắn với liên kết, tiêu thụ sản phẩm, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi, chế biến, xử lý môi trường… Phấn đấu năm 2022, thu nhập của người dân trong toàn huyện đạt 67 triệu đồng/người; giải quyết việc làm mới cho 3.510 lao động, trong đó xuất khẩu lao động 300 người.

Nguyễn Oanh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy