Muôn nẻo làng nghề

Không sôi động, náo nhiệt trong hoạt động sản xuất - kinh doanh - du lịch như nhiều làng nghề khác trong cả nước nhưng làng nghề Hà Nam vẫn giữ được “nền móng nghề”, nhiều nghề còn vươn xa khỏi vùng quê chiêm trũng, sản phẩm có mặt ở khắp nơi.

Đánh mất nghề là có lỗi với tiền nhân

Đất Hà Nam được biết đến bởi bề dày truyền thống văn hiến, trong đó có những làng nghề hàng trăm, hàng nghìn năm tuổi. Nghề làm trống ở Đọi Tam, xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên có từ hơn một nghìn năm nay, gắn với tên tuổi của hai vị Tổ nghề mang danh Trạng Sấm Nguyễn Đức Năng và Nguyễn Đức Bản. 

Nghe các cụ kể lại, khi vua Lê Đại Hành về chân núi Đọi chuẩn bị nghi lễ cày Tịch Điền khuyến nông, ông Năng và ông Bản đã tự tay làm một cái trống to để đón vua. Tiếng trống vang rền như sấm nên người dân làng gọi hai ông là Trạng Sấm. 

Nghề làm trống được gìn giữ và lưu truyền nghìn đời, đến nay, hậu thế của Trạng Sấm đã đưa âm vang trống Đọi Tam đến mọi miền. “Tiếng trống giữ trong lồng ngực/ Biển trời bão tố gần xa/ Trâu già để lại tấm da/Mít cỗi dành cho thớ gỗ/Mây tre một đời nắng gió/Mà thành tiếng Sấm, tiếng Mưa…”. 

Nói về nghề, nghệ nhân làm trống Lê Ngọc Thường chia sẻ: “Xung quanh đây nhà máy, xí nghiệp mọc lên tăm tắp, ai cũng có thể bỏ nghề vào đó làm việc để có thu nhập cao hơn, nhưng nhiều người đã không lựa chọn điều ấy. Bỏ nghề sẽ mang cảm giác có lỗi với tiền nhân!”.

Cơ sở sản xuất mỹ nghệ của anh Nguyễn Văn Công, thôn Đô Hai, xã An Lão, Bình Lục.

Tình cảm nghề nghiệp của người dân làng nghề truyền thống có điểm giống nhau là thế. Đi hết 35 làng nghề truyền thống ở Hà Nam, chỉ có 3 làng đã bị mai một do người dân làm ăn khó khăn, thu nhập không đủ trang trải cuộc sống. Còn lại 32 làng nghề vẫn sống, như những ngọn đèn, cái tỏ cái mờ, nhưng vẫn đủ soi sáng đời sống văn hóa thôn quê ấm áp nghĩa tình. 

Ông Trần Văn Tường, Chủ tịch Hiệp hội sản xuất Bánh đa nem làng Chều, xã Nguyên Lý, huyện Lý Nhân phấn khởi khoe: “Làng nghề này có hơn 700 năm, chưa bao giờ người dân làm nghề lại vui vẻ và đoàn kết với nhau trong lao động sản xuất như lúc này. Người ta thường xuyên trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất với nhau. Nếu máy móc nhà nào trục trặc một tý thì anh em xúm lại nghiên cứu sửa chữa bằng được”.

Cũng có lúc thăng, lúc trầm, nhưng người dân làng nghề cưa dũa An Đổ hay sừng Đô Hai của Bình Lục vẫn duy trì sản xuất. Vào làng vẫn vang lên những âm thanh đặc trưng, những âm thanh vốn đã gõ nhịp đời sống của hàng nghìn người dân bao đời. 

Ông Dương Quốc Tịch, thôn Đại Phu, xã An Đổ vừa làm vừa phân trần: “Trước cả làng sống nhờ vào nghề này, nhưng giờ chỉ còn khoảng 30% hộ dân làm nghề thôi. Thế hệ chúng tôi không thể bỏ nghề, sản phẩm của làng nghề vẫn còn hữu ích cho đời sống, vẫn xuất khẩu đều đặn. Phải duy trì nhịp sống cho nó, nếu đánh mất nghề là có tội với cha ông”.

“Giữ được nghề cũng không phải chuyện đùa…”

Là một trong số 32 làng nghề truyền thống làm ăn phát đạt nhất hiện nay, Bánh đa nem làng Chều nổi tiếng không chỉ trong nước, giờ còn vươn xa tận châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Làng nghề thu hút khoảng trên 600 hộ dân sản xuất, mỗi ngày trung bình một hộ làm từ 300 - 500kg gạo. Một tạ gạo làm được 90kg bánh. Nhiều gia đình đầu tư dây chuyền sản xuất mới, bớt nhân lực, bảo đảm môi trường, sức khỏe cho con người. 

Anh Trần Văn Tường cũng là một trong những chủ sản xuất lớn ở làng, mỗi tháng nhà anh làm trên 10 tấn bánh. Anh tự hào khoe: “Trong khi bánh đa nem ở các nơi đang sản xuất hoàn toàn theo phương thức công nghiệp, thì ở làng Chều, bà con vẫn cần cù bên những phên bánh thơm mùi tre nứa, mùi nắng và gió. 100% sản phẩm không dùng chất bảo quản, chỉ có gạo và muối. Trong ẩm thực Việt Nam đã có sự góp mặt của bánh đa nem làng Chều. 

Chục năm nay, đời sống của người dân làng nghề này thay đổi rõ rệt. Rất ít người bỏ làng đi làm ăn xa hay đi làm công nhân, bởi lẽ mỗi hộ dân làm nghề một tháng trung bình thu nhập cũng từ 10 đến 15 triệu đồng. Một năm chỉ làm 9 tháng tập trung, mỗi tháng khoảng 20 đến 22 ngày công. Người làng nghề lại chủ động được thời gian, vừa làm vừa quán xuyến được gia đình, con cái…  

Phạm Văn Dũng, một thanh niên thôn Mão Cầu, xã Nguyên Lý nói: “Tôi từng lăn lộn ra ngoài làm ăn hàng chục năm rồi cuối cùng cũng quay trở lại làng làm nghề và thấy mình nên gắn bó với nghiệp này. Nhờ nó, gia đình đã tích lũy được kinh tế, nhưng thấy cuộc đời những người thợ làng nghề tủi quá! Làm cả đời cũng khó mà thành ông chủ, hầu hết chỉ làm thuê...”. 

Đến như Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Trần Văn Tường cũng nói ra điều ấy: “Cơ sở của tôi làm lớn thế, nhưng cũng chỉ bán sản phẩm cho doanh nghiệp để họ gắn mác của họ vào thì sản phẩm mới xuất khẩu và vào được các siêu thị lớn. Thực chất là mình đang làm thuê!”.

Khó khăn ở những làng nghề truyền thống hiện nay là thế. Ông Trịnh Quốc Đạt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cho biết: Chúng tôi đã từng khảo sát các làng nghề ở Hà Nam và thấy ở đó vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn giống như các làng nghề khác trong khu vực. Trong thời kỳ kinh tế hội nhập, các làng nghề đứng trước những cạnh tranh gay gắt về chất lượng và giá cả. Làng nghề nào không đổi mới tư duy sản xuất, kinh doanh thì đương nhiên gặp khó. Mà, việc đổi mới tư duy là cả một quá trình xây dựng chuỗi giá trị sản xuất. Rồi đến vấn đề quan hệ giữa hộ sản xuất với doanh nghiệp, giữa hộ sản xuất với nơi cung cấp nguyên liệu. Cùng với đó là một loạt vấn đề khác đòi hỏi làng nghề truyền thống phải theo để tồn tại, như quảng bá thương hiệu, gắn phát triển làng nghề với du lịch; những vấn đề về môi trường cũng đang làm hạn chế sự phát triển các làng nghề…

Thực tế, việc sản xuất kinh doanh ở làng nghề truyền thống vẫn chủ yếu theo hình thức hộ gia đình chứ chưa có nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ. Người dân làng nghề rất ngại thành lập công ty do quy mô sản xuất chưa đủ đạt yêu cầu, thủ tục rườm rà, năng lực quản lý doanh nghiệp thiếu, thậm chí không có. 

Khẳng định điều này, ông Trần Văn Tường nói: “Đúng là như vậy! Suy cho cùng, hoạt động ở các làng nghề truyền thống vẫn còn mạnh ai nấy làm, đầu vào đầu ra cho sản phẩm còn thiếu ổn định. Yếu tố cốt lõi đối với sự phát triển làng nghề tôi nghĩ vẫn là con người. Nếu không đổi mới tư duy, không chịu học hỏi, không vượt qua bản thân mình thì làng nghề  khó mà tồn tại chứ chưa nói đến phát triển. Giữ được nghề hiện nay không phải là chuyện đùa”.

Bức tranh làng nghề Hà Nam dù vẫn giữ được màu sắc, bố cục đẹp trong quy hoạch phát triển kinh tế, văn hóa, song nó vẫn cần được bảo đảm các yếu tố để không bị phai nhạt, biến sắc khi những tác động từ sự thay đổi của xã hội đối với làng nghề ngày một trở nên mạnh mẽ, khắc nghiệt hơn. Bởi, giá trị của làng nghề truyền thống không phải chỉ là mang lại cho người dân một đời sống vật chất no đủ mà còn tạo nên giá trị văn hóa bền vững cho mỗi cộng đồng người.

Giang Nam

Chu Uyên

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy