Một năm người lao động gặp khó theo doanh nghiệp vì Covid-19

Sự tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong thời gian qua vô cùng lớn. Ngoài việc thiếu hụt nguồn nguyên liệu, thị trường tiêu thụ trong nước bị thu hẹp..., doanh nghiệp phải cắt giảm lao động, giảm lương công nhân, cho lao động nghỉ không lương.

Doanh nghiệp gặp khó, việc làm của công nhân bấp bênh

Năm 2020 khép lại với những diễn biến khó lường do dịch bệnh Covid-19, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nam đã phải hoạt động sản xuất, kinh doanh cầm chừng, thậm chí dừng lại, phá sản. Theo Cục Thống kê tỉnh, chỉ tính trong quý III, 49,72% doanh nghiệp Nhà nước, 45,91% doanh nghiệp ngoài Nhà nước, 32,91% doanh nghiệp FDI thiếu nguồn vốn sản xuất kinh doanh. Gần 20% số doanh nghiệp thiếu hụt nguồn nguyên liệu trong nước, 36 - 50% số doanh nghiệp thiếu nguồn nguyên liệu nhập khẩu; trên 50% doanh nghiệp bị thu hẹp thị trường tiêu thụ trong nước, hàng hóa không xuất khẩu được. Vì thế, có thời điểm, gần 30% số doanh nghiệp FDI, 40-50% doanh nghiệp trong nước không thể sản xuất kinh doanh, gần 30% số doanh nghiệp phải cắt giảm lao động…

Khó khăn chồng chất khó khăn, những doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo một thời gian dài phải đối mặt với những khó khăn thách thức do dịch bệnh Covid-19 lây lan, áp dụng các giải pháp ứng phó bắt buộc: 18,11% số doanh nghiệp phải cắt giảm lao động; 39,17% cho lao động nghỉ giãn việc hoặc nghỉ luân phiên; 12% lao động nghỉ không lương; 17,13% giảm lương công nhân. Những doanh nghiệp dệt, sản xuất trang phục, da và các sản phẩm có liên quan, tỷ lệ này còn cao hơn gấp đôi mức trung bình bị ảnh hưởng. Riêng đối với những doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh, có 9/326 dự án dừng hoạt động sản xuất, kinh doanh; 271/326 dự án hoạt động cầm chừng hoặc suy giảm về sản xuất kinh doanh. Vì thế, gần 5.000 lao động trong các doanh nghiệp này bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19  phải nghỉ việc.

Chị Trần Thu L., công nhân Công ty TNHH Nhựa Đông Á cho biết: Những năm trước, người lao động làm việc trong công ty không phải lo lắng chuyện lương thưởng, thế mà năm nay, dịch bệnh đã làm cho công ty gặp khó khăn, phải nợ lương công nhân. Chúng tôi rất chia sẻ với chủ doanh nghiệp, thế nhưng đòi hỏi cuộc sống không thể nào bắt chúng tôi ngồi đó để chờ khó khăn qua đi được vì sau lưng mình còn con nhỏ, gia đình… Công nhân Nguyễn Mạnh T., Công ty cổ phần cơ khí Trường Giang phân vân: Chúng tôi bị nợ lương và buộc phải nghĩ đến chuyện tìm việc mới cho mình. Năm hết Tết đến, lương không có thì nghĩ gì đến thưởng…

Một năm người lao động gặp khó theo doanh nghiệp vì Covid19
Nhiều doanh nghiệp dệt, may mặc bị ảnh hưởng nặng nề vì đại dịch Covid-19.

Đánh giá tác động của dịch bệnh Covid-19 đến tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, Sở Công thương cho rằng, ngành khai khoáng gần như không bị ảnh hưởng, số nhà máy sản xuất xi măng mới mở rộng dây chuyền sản xuất tăng, tạo việc làm ổn định cho công nhân. Tuy nhiên, dệt – may là ngành sản xuất bị ảnh hưởng nặng nề, chỉ số sản xuất của ngành giảm 10%. Gần 70% doanh nghiệp sản xuất trang phục, 100% doanh nghiệp sản xuất da và sản phẩm liên quan thiếu nguyên liệu từ nhập khẩu. 100% doanh nghiệp dệt FDI hàng hóa không tiêu thụ được, thiếu nguyên liệu nhập khẩu, thiếu nguồn vốn sản xuất kinh doanh trong quý III.

Lao động tìm việc làm mới

Theo Liên đoàn Lao động tỉnh, mặc dù có gần chục doanh nghiệp thời gian qua nợ lương công nhân ít nhất 3 tháng, nhưng không ở doanh nghiệp nào xảy ra tình trạng đình công của công nhân vì điều đó. Người lao động sở dĩ không phản ứng tiêu cực do bản thân họ hiểu được những tác động không mong muốn từ đại dịch Covid-19. Thời điểm cả châu Âu và châu Mỹ bùng phát dịch nhanh chóng, đó cũng là lúc hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khó khăn nhất do bị thu hẹp thị trường tiêu thụ. Giải pháp của doanh nghiệp lúc khó khăn này chủ yếu là giảm giờ làm, duy trì hoạt động sản xuất ở mức thấp nhưng vẫn bảo đảm ngày công của công nhân trong tháng không thuộc diện bị sụt giảm thu nhập phải hỗ trợ theo quy định.  Song, cũng từ giải pháp này, nhiều công nhân đã không kiên nhẫn được nữa, tự bỏ việc, đi tìm việc làm mới. Chị Trương Thị L., Công ty Dệt 19.5 nói: Không ai mong muốn doanh nghiệp mình đi xuống như vậy. Tôi chỉ cầu mong Covid-19 sớm được dập tắt. Còn bây giờ, tôi phải đi tìm việc làm mới để gia đình có tiền tiêu Tết.

Tìm việc làm mới lúc này không khó, hàng trăm doanh nghiệp lớn đang mỏi mòn tìm kiếm nguồn lao động. Dù vậy, trong thâm tâm người lao động, không ai muốn thay đổi chỗ làm liên tục bởi sẽ bị ảnh hưởng tới các khoản, các chế độ đãi ngộ mà doanh nghiệp dành cho công nhân làm việc chăm chỉ, đủ ngày, đủ công. Ông Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cho biết: So với các thành phố lớn, hay một số tỉnh phát triển mạnh về công nghiệp ở lân cận, tình hình lao động, việc làm  tại  Hà Nam tương đối ổn định thời gian này, mặc dù có những tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn vì đại dịch do không có nguồn nguyên liệu sản xuất, thị trường tiêu thụ bị thu hẹp, thị trường xuất khẩu hạn chế, không tuyển dụng đủ lao động… 

Đấy mới chỉ kể đến khu vực lao động chính thức. Đối với khu vực lao động phi chính thức, tổn thất, thiệt hại không đong đếm hết. Những người lao động thời vụ, không có cam kết hợp đồng lao động, phải nghỉ việc hoặc bị nợ lương cũng là chuyện bình thường thời gian qua. Rồi họ cũng giống những lao động khu vực chính thức, tự tìm việc làm mới. Họ cũng có những mong muốn giống các doanh nghiệp, đại dịch Covid-19 sớm đi qua, trả lại đời sống lao động và điều kiện sản xuất, kinh doanh ổn định như trước. 

Chu Uyên

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy