Lao động nông thôn không khó tìm việc làm trong mùa dịch Covid-19

Tác động của đại dịch Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp phải loay hoay tìm kiếm lao động. Nguyên nhân do nhu cầu tuyển dụng thì lớn nhưng nguồn lao động tại chỗ lại không thể đáp ứng đủ. Vì vậy, lao động nông thôn trong tỉnh hiện nay vẫn không thiếu việc làm. 

Chị Lã Thị Nhài, thôn 2, xã Bối Cầu (Bình Lục) bỏ nghề nông mấy năm nay đi làm công nhân. Thu nhập mỗi tháng trung bình 5 triệu đồng, bằng cả vụ cấy nhà chị. Tiền lương tích lũy được giúp vợ chồng chị mua đất làm nhà khang trang. Chị Nhài nói: “Công việc của tôi ở công ty là làm đồ chơi trẻ em, không vất vả gì nhiều. Các chị em trong gia đình đi làm trước, thấy tôi làm ruộng vất vả nên xin cho làm ở đây. Thời gian hơi gò bó một chút, nhưng bù lại, tôi có việc ổn định, được đóng bảo hiểm và hưởng các chế độ đãi ngộ khác của công ty”. 

Lao động nông thôn không khó tìm việc làm trong mùa dịch Covid19
Nhiều người dân xã Công Lý (Lý Nhân) làm may cho Công ty cổ phần Dệt may xuất khẩu Hòa Phát đóng trên địa bàn.

Bỏ ruộng đi làm công nhân là xu hướng của nhiều lao động nông thôn thời gian qua. Ngoài 7 khu công  nghiệp của tỉnh, các huyện còn phát triển thêm nhiều cụm công nghiệp, thu hút một lượng không nhỏ nhà đầu tư vào hoạt động, như dệt may, da giày, thiết bị điện tử… Chỉ tính riêng ở địa bàn huyện Bình Lục, số lao động các doanh nghiệp cần tuyển dụng thời điểm này cũng hàng vạn người. Tuy nhiên, lao động tại chỗ muốn tuyển được cũng khó.

Bà Trần Minh Duyên, cán bộ nhân sự Công ty TNHH Sản phẩm dã ngoại Menatrure Việt Nam (Cụm công nghiệp Bình Lục) cho biết: Chúng tôi không thể tuyển được đủ lao động ở địa phương, đành phải tìm nguồn ở các tỉnh bạn, nhưng cũng rất khó khăn trong thời điểm này, vì dịch Covid-19 đã hạn chế mọi sự di chuyển của người lao động. Người ta ngại ra khỏi địa phương để tìm việc, tâm lý chờ hết dịch mới đi tìm việc ngoài tỉnh giờ rất phổ biến. Vì thế, lao động nông thôn ở Bình Lục hay các huyện lân cận giờ đắt giá!”.

Ở huyện Thanh Liêm, người lao động cũng không khó khăn gì trong tìm kiếm việc làm mới. Hàng trăm doanh nghiệp đang ổn định sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện tạo cơ hội để họ chẳng phải đi xa tìm kiếm việc làm đương lúc dịch bệnh phức tạp như hiện nay. Chị Nguyễn Thị Ngà, công nhân Công ty TNHH JY Hà Nam (xã Thanh Nguyên, huyện Thanh Liêm) nói: “Chúng tôi vẫn còn trẻ, còn khoẻ, phải cố gắng làm việc để tích luỹ. Có thể tác động của dịch bệnh làm cho công ty gặp những khó khăn nhất định, thu nhập của công nhân thời điểm này cũng không bằng các năm trước, nhưng ai cũng có việc làm, ổn định một khoản mà làm ruộng một vụ cũng khó có được. Vì thế, chẳng ai muốn đi xa tìm việc làm lúc này, chọn cách ở nhà làm việc là tốt nhất”. 

Ngay cả với những lao động có tuổi, các bà, các chị cũng có việc làm tại chỗ, không phải đi xa như nhặt chỉ, làm thuê cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ có quy mô vài chục lao động. Thí dụ như ở xã Xuân Khê (Lý Nhân), cả xã có trên 20 cơ sở sản xuất kinh doanh, thu hút hàng nghìn lao động địa phương. Ông Trương Đình Cung, Bí thư Chi bộ thôn Trung Châu, xã Xuân Khê (Lý Nhân) cho biết: “Dịch bệnh Covid-19 phức tạp như vậy, nhưng các cơ sở này vẫn ổn định sản xuất, lao động địa phương vẫn có việc làm ổn định. Không ai bị mất việc…”. 

Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh hiện là trên 6.800 doanh nghiệp, thu hút trên 147.000 lao động. Trong 9 tháng năm 2021, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm mới cho gần 17.000 người, đạt 96% kế hoạch năm. Ngoài ra, hơn 18.000 lao động được giải quyết việc làm thêm. Số lao động được giải quyết việc làm thêm hầu hết ở khu vực nông thôn, làm những công việc thời vụ. So với cùng kỳ các năm, số lao động được giải quyết việc làm mới 9 tháng năm nay bằng cả năm những năm trước. Rõ ràng, người lao động nông thôn không khó tìm việc làm, chỉ là làm việc gì. 

Ông Bùi Trọng Quỳnh, Trưởng phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Thanh Liêm cho biết: “Hiệu quả của đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ được triển khai 10 năm qua đã tạo điều kiện để lao động các địa phương tiếp cận nhiều chương trình, dự án đào tạo nghề. 90% số lao động nông thôn học nghề xong có việc làm và thu nhập ổn định. Dù ở lĩnh vực nông nghiệp hay phi nông nghiệp, người lao động luôn được chủ động trong tìm kiếm việc làm. Nhất là những năm qua, khi các khu công nghiệp, cụm công nghiệp được lấp đầy, nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp tăng cao, lao động nông thôn càng có giá hơn…”.

Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên địa bàn Hà Nam, dịch bệnh đã xâm nhập vào khu công nghiệp gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp và lo lắng cho người lao động. Đây cũng là thời điểm, sự dịch chuyển lao động diễn ra phức tạp bởi tác động của dịch bệnh Covid-19. Do đó, lao động nông thôn trên địa bàn Hà Nam đang có xu hướng trở lại nông nghiệp và dè dặt trong vấn đề tìm việc làm ở khu công nghiệp lúc này.

Ông Đặng Xuân Hải, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cho rằng, dịch bệnh Covid-19 tác động đến khu vực doanh nghiệp từ lâu, nhưng Hà Nam vẫn duy trì ổn định việc làm cho người lao động, điều đó chứng tỏ chúng ta vẫn đang làm rất tốt công tác phòng, chống dịch ở các khu vực sản xuất, kinh doanh. Người lao động không nên quá hoang mang trước diễn biến của dịch bệnh những ngày qua, các cấp chính quyền và các ngành chức năng của Hà Nam đang tập trung cao độ kiểm soát dịch bệnh; các doanh nghiệp tuân thủ những quy định về phòng dịch ngay từ đầu nên sẽ hạn chế được nguy cơ lây lan dịch. Tỷ lệ lao động được tiêm vaccine  Covid-19 đến giờ cũng tương đối nhiều, vì thế người lao động vẫn được bảo đảm an toàn trong quá trình làm việc.

Có thể, tác động của dịch bệnh Covid-19 đã gây khó khăn cho nhiều doanh nghiệp, hiện nay, số doanh nghiệp phải cắt giảm giờ làm, thực hiện giãn cách công nhân, làm số ngày công của người lao động giảm đi… nhưng không ai bị mất việc. Theo báo báo của các địa phương trong triển khai thực hiện Nghị quyết 68 của Chính phủ về hỗ trợ lao động và người sử dụng lao động gặp khó do đại dịch Covid-19 đến thời điểm này, số lao động phải hỗ trợ do mất việc làm đủ điều kiện hưởng trợ cấp không nhiều. Người lao động tự do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đủ điều kiện nhận hỗ trợ dự kiến không nhiều… Đó là minh chứng cho thấy, việc làm của người lao động nông thôn ở Hà Nam không bị ảnh hưởng nhiều từ đại dịch Covid-19. 

Chu Uyên

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy