Làng xuất khẩu lao động

Làng Nhị, xã Duy Hải, huyện Duy Tiên nổi tiếng vì có nhiều người đi xuất khẩu lao động nước ngoài. Trong vòng 15 năm qua, ở làng Nhị có tới gần 100 người đi xuất khẩu lao động. Nhờ xuất khẩu lao động nhiều người ở làng Nhị đã có nhà cửa khang trang, đời sống khá giả.

“Nếu không có xuất khẩu lao động thì nhiều nhà nằm mơ cũng không bao giờ làm được nhà to để ở! Không những thế, người làng Nhị ra ngoài làm ăn đã mang theo cách sống tích cực về nhà, họ trở thành những người có thể thích nghi với mọi hoàn cảnh sống, hòa nhập vào công việc dễ dàng hơn”  - ông Vũ Đức Tâm, Chủ tịch UBND xã Duy Hải khẳng định.

Một góc làng Nhị, nay là thôn Đông Hải, xã Duy Hải, huyện Duy Tiên.

Cả làng có hàng trăm ngôi nhà to, trong đó nhiều nhà xây kiểu biệt thự sang trọng. Theo ông Đàm Mạnh Hùng, trưởng thôn đa số những căn nhà cao tầng ấy, có dáng vóc hiện đại là của những người đi xuất khẩu lao động. Trước đây, những hộ dân ấy sống khó khăn lắm, nhờ đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài, người ta đã có tiền mang về xây dựng nhà cửa, phát triển kinh tế gia đình.

Đứng trước căn biệt thự của gia đình chị Lê Thị Phương cách nhà văn hóa thôn chừng vài trăm mét, ông nói, chị Phương là một trong số hơn 10 phụ nữ đầu tiên ở làng đi xuất khẩu lao động. Sau 6 năm làm việc ở Đài Bắc (Trung Quốc), chị đã tích cóp được một khoản tiền kha khá mang về xây dựng nhà cửa, chăm lo cho con cái học hành.

Chị Phương kể, năm 2004, chị là người đầu tiên ở làng Nhị sang Đài Loan (Trung Quốc) làm việc theo chương trình xuất khẩu lao động. Cùng đợt ở làng có 12 người, chủ yếu là phụ nữ. Nhưng chỉ vài tháng sang nước bạn làm ăn, một số người đã phải bỏ về, chỉ có chị trụ lại lâu nhất. Chị làm giúp việc cho một gia đình ở Đài Bắc, lương tháng đầu chỉ được 1-3 triệu đồng, sau đó tăng dần. Sau 5 năm, tiền lương của chị là 8 triệu đồng một tháng. Vì xa gia đình quá lâu, chồng con chị ở nhà không muốn cho chị đi nữa, chị đành trở về làng xin làm công nhân ở một công ty may mặc. Tiền công làm lụng trong mấy năm trời để dành được, hai vợ chồng xây nhà. Nhà chị là căn biệt thự đẹp đầu tiên ở làng Nhị…

Thời điểm trước năm 2010, khi các khu công nghiệp quanh địa phương này chưa hình thành, việc làm với người lao động ở đây rất khó khăn. Bài toán xuất khẩu lao động đã giải quyết được những khó khăn về kinh tế của nhiều gia đình. Phụ nữ thì đi lao động xuất khẩu ở các thị trường Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia, đàn ông thì đi Hàn Quốc, Nhật Bản…

Ông Đàm Mạnh Hùng cho biết, nhiều thanh niên trong làng học xong cấp ba ra trường không kiếm được việc làm, thế là xin đi xuất khẩu lao động. Làm việc ở Hàn Quốc mỗi tháng thu nhập trên dưới 30 triệu đồng, ở Nhật cũng vậy. Sau 3 năm hết hợp đồng, mỗi lao động cũng mang về được 600-700 triệu đồng. Nhiều người được tiếp tục gia hạn, đi tiếp và thu nhập khá hơn.

“Cái hay ở những người đi xuất khẩu lao động trở về làng là họ mang theo phong cách sống công nghiệp ở nước ngoài, cần cù, chịu khó và năng động hơn. Phụ nữ thì trở nên hiện đại, ảnh hưởng từ phong cách sống của những người dân thành thị nên khá chỉn chu trong công việc gia đình, chăm sóc con cái. Vào nhà nào có người đi xuất khẩu lao động làm nghề giúp việc ở nước ngoài là thấy, mọi thứ ngăn nắp, sạch sẽ hơn”. Ông Hùng nói.

Đi dọc làng Nhị, không khí Tết sôi động hẳn lên. Người dân treo cờ khắp các ngõ xóm, trang trí đèn đường và quét dọn sạch sẽ. Ông Đàm Mạnh Hùng bảo, Tết này vẫn còn mấy chục người đi lao động xuất khẩu chưa về. Thời buổi công nghệ thông tin, dù có ở phương trời nào thì hằng ngày, hằng đêm họ vẫn liên lạc với gia đình, bạn bè, người thân qua mạng, qua điện thoại. Cũng tiện lắm! Khoảng cách không còn là vấn đề.

Đi làm việc ở nước ngoài theo chương trình xuất khẩu lao động đối với người dân Duy Hải nói chung, thôn Nhị nói riêng là một trong những con đường làm giàu của gần một trăm gia đình. Có thể có những vấn đề nảy sinh từ chuyện đi làm ăn xa, nhưng không ai phủ nhận thứ mang lại cho đời sống của các gia đình là nền tảng kinh tế và cơ hội tiếp cận điều kiện sống ở các nước phát triển đối với người lao động nông thôn. Một mùa Xuân mới đang về mang theo những thay đổi lớn cho làng quê Đông Hải. So với nhiều làng quê khác, Đông Hải hôm nay thịnh vượng hơn, náo nức hơn…                         

Chu Uyên

Chu Uyên

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy