Hà Nam nỗ lực thực hiện chương trình giảm nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025

>>> Bài 1: Thay đổi tư duy về chuẩn nghèo và giảm nghèo

Bài 2: Chủ động chuyển đổi ngành nghề  khi sản xuất bị tác động bởi dịch bệnh

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, nếu áp mức chuẩn nghèo mới giai đoạn 2021-2025, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo ở Hà Nam sẽ tăng gấp đôi, gấp ba, thậm chí gấp 4 lần tỷ lệ cũ. Đây là giai đoạn người dân phải đối mặt với những thách thức to lớn từ đại dịch Covid-19, các loại dịch bệnh khác và những tác động từ biến đổi khí hậu lên sản xuất nông nghiệp. Chuyển đổi ngành nghề sản xuất đối với người dân có nguy cơ tái nghèo hoặc chạm mức cận nghèo là cần thiết khi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn đang “khát” lao động; các làng nghề truyền thống vẫn ổn định sản xuất và thị trường tiêu thụ.

Thử thách chưa từng có…

Những ngày này, về xã Ngọc Lũ, huyện Bình Lục, nơi nổi tiếng cả nước về chăn nuôi lợn những năm trước đây, quang cảnh thật yên ả. Hai thôn có người mắc Covid-19, 58 hộ dân với 182 nhân khẩu bị phong toả 14 ngày. Đúng vào thời điểm thu hoạch nông sản ngoài đồng, lợn trong chuồng đã đến kỳ để bán. Gần 30 hộ chăn nuôi trong vùng phong toả lo đứng lo ngồi  những chuyện nhà nông. Ông Đặng Văn Cử, Chủ tịch UBND xã Ngọc Lũ cho biết: “Chúng tôi bố trí lực lượng để thương lái tiếp cận với các hộ chăn nuôi thông qua mạng internet, gọi zalo hình ảnh. Thế nhưng, giá chỉ còn hơn 35.000 đồng/kg thịt hơi nên bà con ngậm ngùi lắm. Những nhà nuôi hàng trăm con lợn lúc này, chỉ mở mắt ra mỗi sáng là mất tiền triệu rồi. Giá thức ăn tăng cao, chi phí sản xuất nhiều, nhưng giá lợn rẻ bằng 1/3 giá lợn giờ này năm ngoái…”. 

Cách đây 5 năm thôi, tổng đàn lợn ở Ngọc Lũ lúc nào cũng dao động ở mức 450.000 con đến 500.000 con, hơn 80% hộ dân chăn nuôi lợn. Nhiều người từ nghèo trở thành giàu có nhờ chăn nuôi. Quán xá ở đây mọc lên như nấm, người dân có tiền cuộc sống sung túc hơn, sáng sáng các hàng quán chật ních người. Theo ông Đặng Văn Cử, chỉ riêng tiền điện mỗi tháng của các hộ dân ở Ngọc Lũ khi đó cũng lên tới vài tỷ đồng. Bắt đầu từ cuối năm 2018, dịch bệnh ở lợn bùng phát làm cho đàn lợn ở đây suy giảm nhanh chóng. Người chăn nuôi “vỡ trận”, bỏ nghề, phá chuồng chuyển sang trồng trọt để cứu vãn tình hình. Giờ, tổng đàn chỉ còn 30%, hộ nào chăn nuôi nhiều cũng chỉ nghìn con trở về. Hàng nghìn người dân Ngọc Lũ bỏ ruộng đồng, bỏ chuồng trại đi làm công nhân cho những nhà máy trong cụm công nghiệp của huyện.

Dịch chồng dịch, từ đầu năm 2020 đến nay, đại dịch Covid-19 làm cho cả nền kinh tế thế giới phải lao đao. Người nghèo càng gặp khó khăn hơn. Chồng chị Nguyễn Thị Hoà, Thôn 1, xã Bối Cầu, huyện Bình Lục bị phát hiện ung thư phổi giai đoạn cuối đúng lúc Bệnh viện K Tân Triều Hà Nội xuất hiện ổ dịch phải phong toả. Không có điều kiện điều trị, mẹ con chị đưa chồng đến các bệnh viện khác để chữa chạy, chấp nhận tốn kém. Thế nhưng không cứu được người, món nợ bệnh tật giờ mẹ con chị phải tìm cách trả nợ dần. Gia đình mới thoát nghèo, giờ rơi vào cảnh ngộ này, làm sao không tái nghèo!

Khi làn sóng dịch bệnh lần thứ 4 bùng phát, Hà Nam là tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề. Tính từ 27 tháng 4 đến nay, toàn tỉnh đã có gần 700 người mắc Covid-19. Hàng chục khu dân cư, xã, phường bị phong toả và thực hiện giãn cách xã hội, người dân trong những khu vực đó phải nghỉ làm, thực hiện đúng quy định chống dịch của chính quyền địa phương. Mặc dù được Đảng, Nhà nước quan tâm chăm lo đến đời sống của người dân, người lao động gặp khó khăn vì đại dịch, ban hành hai nghị quyết là Nghị quyết 42 và Nghị quyết 68, nhưng khoản hỗ trợ đó chỉ đủ để trang trải một phần rất nhỏ thiếu hụt của đời sống thường ngày đối với người lao động. Đấy là chưa kể đến, có quá nhiều lao động tự do, các đối tượng được xác định hỗ trợ trong nghị quyết vì lý do này, lý do khác mà chưa thể tiếp cận được các gói hỗ trợ này. 

Theo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư, 9 tháng năm 2020, trong tổng số 276 dự án FDI hoạt động trong các khu công nghiệp của tỉnh có 215 dự án phải hoạt động cầm chừng hoặc suy giảm sản xuất, 9 dự án tạm dừng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Gần 3.000 lao động phải nghỉ việc, tạm dừng việc. Đối với 41 dự án FDI ngoài khu công nghiệp, có 16 dự án phải hoạt động cầm chừng hoặc suy giảm sản xuất, gần 2.000 lao động bị ảnh hưởng việc làm và thu nhập… Sang năm 2021, tình hình dịch bệnh phức tạp hơn rất nhiều. Gần 250 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động (tăng 10% so với cùng kỳ năm 2020), hơn 40 doanh nghiệp làm thủ tục giải thể. Số lao động được giải quyết việc làm mới và xuất khẩu lao động giảm 32%. Hiện nay, chuỗi sản xuất cung ứng toàn cầu bị ảnh hưởng, thậm chí một số lĩnh vực bị đứt gãy do đại dịch Covid-19 nên khủng hoảng lao động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp rất rõ ràng. Hàng trăm doanh nghiệp của Hà Nam thiếu lao động, nhưng công tác tuyển dụng thời điểm này lại gặp vô vàn khó khăn do dịch bệnh. Trong số trên 7 vạn lao động tự do của tỉnh, dịch bệnh đã làm cho gần như tất cả phải lao đao về việc làm và thu nhập. 

Hà Nam nỗ lực thực hiện chương trình  giảm nghèo đa chiều giai đoạn 20212025
Hàng chục lao động nông thôn có việc làm, thu nhập ổn định từ vườn na của gia đình anh Lê Văn Bách, Tổ dân phố số 8, thị trấn Ba Sao (Kim Bảng).

Chuyển đổi ngành nghề để thích ứng với tình hình

Trải qua 2 năm dịch bệnh hoành hành, người dân lao động ở Hà Nam đã và đang phải thích ứng dần với tình hình. Phải chuyển đổi ngành nghề một cách chủ động mới có hy vọng ổn định cuộc sống. Ông Hoàng Minh Tân, Giám đốc Công ty Du lịch Hà Nam cho biết: “Hai năm rồi, dịch bệnh làm cho ngành du lịch đóng băng. Hàng trăm lao động trong lĩnh vực này phải tìm việc làm mới để ổn định cuộc sống. Chúng tôi cũng phải chấp nhận mất lao động, vì không thể duy trì lương cho họ…”. “Số người thất nghiệp có hồ sơ đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp của tỉnh hai năm nay tăng gấp nhiều lần so với các năm trước” – ông Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cho biết. 

Trong cái khó, ló cái khôn, khi các doanh nghiệp ở khu công nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh thì các làng nghề truyền thống chế biến lương thực, thực phẩm ở Hà Nam vẫn ổn định sản xuất và kinh doanh như Bánh đa nem làng Chều, cá kho, miến… Ngoài ra, Hà Nam đang ổn định phát triển vùng sản xuất quy mô lớn, an toàn thực phẩm, sản xuất theo chuỗi liên kết, thu hút nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư như Công ty VinEco thuộc Tập đoàn VinGroup, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao Hà Nam thuộc Tập đoàn giống cây trồng Việt Nam (Vina Seed), Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Phù Vân, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk)... với tổng diện tích 656,22 ha. Sản xuất có hợp đồng tiêu thụ được quan tâm đẩy mạnh nhất là liên kết với các doanh nghiệp, siêu thị, cửa hàng bao tiêu nông sản, hàng hoá về các loại rau, củ, quả, thuỷ sản, gia cầm, thịt lợn; tổ chức phát triển sản xuất, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đời sống vật chất của người dân được cải thiện rõ rệt, góp phần giảm nghèo nhanh theo hướng bền vững…

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định: Có thể người dân những năm qua không thiết tha đồng ruộng, nhiều nơi bà con bỏ ruộng đi làm công nhân, nhưng trong tình hình hiện nay, lượng lao động từ phía Nam trở về đông, nông nghiệp vẫn tiếp tục trở thành trụ đỡ của nền kinh tế. Sản xuất trong lĩnh vực này cần một lượng lao động lớn. Với việc phát huy vai trò của các hợp tác xã kiểu mới, sản xuất nông nghiệp cơ bản sẽ là lĩnh vực giải quyết khó khăn cho lao động nông thôn lúc này”.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, chúng ta có thể nhìn thấy rất rõ hiệu quả chuyển dịch lao động ở một số địa phương như phường, xã: Yên Bắc, Bạch Thượng, Duy Minh, Duy Hải, Hoàng Đông, Mộc Bắc… ở thị xã Duy Tiên hay Ngọc Lũ, Trung Lương, thị trấn Bình Mỹ, An Đổ của huyện Bình Lục; Xuân Khê, Nguyên Lý, Nhân Bình, Nhân Chính, Công Lý… huyện Lý Nhân; Thanh Nguyên, Thanh Hương, Thanh Hà, huyện Thanh Liêm… Dịch bệnh chưa biết khi nào thì kết thúc, nhưng tiêu chí về hộ nghèo, cận nghèo giai đoạn 2021-2025 đã được thông qua, nếu không chủ động chuyển dịch ngành nghề phù hợp với tình hình, người lao động không có nghề, có việc làm thì nguy cơ tái nghèo sẽ tăng cao.

>>> Bài 3: Giải pháp nào giúp nông dân thoát nghèo bền vững?

Chu Uyên

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy